Chủ tịch Chung: Hà Nội chỉ hạn chế, chứ không cấm hẳn xe máy

PhapluatNet - Trả lời cử tri trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sẽ hạn chế xe máy chứ không cấm hẳn.

Sáng 24/7, ông Nguyễn Đức Chung cùng các đại biểu HĐND TP Hà Nội đơn vị bầu cử số 2 đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm. Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch Chung đã nhận được nhiều ý kiến liên quan đến nghị quyết của HĐND TP về quản lý phương tiện giao thông.

"Thành phố không cấm xe máy mà chỉ hạn chế ở một số khu vực lõi thuộc các quận nội thành", ông Chung nói.

Theo ông Chung, để thực hiện nghị quyết nêu trên, thành phố lên kế hoạch xây dựng các tuyến tàu điện ngầm (Metro) và đã được Thủ tướng đồng ý; hiện có 3 nhà đầu tư nước ngoài và 6 nhà đầu tư trong nước cho biết sẽ đầu tư vào các dự án Metro của Hà Nội.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ phát triển mạnh giao thông công cộng, tăng thêm 1.000 đến 1.500 xe buýt từ nay đến năm 2030 với nhiều loại hình; sớm triển khai dịch vụ xe đạp công cộng...

Ngoài ra, Chủ tịch Chung cũng cho biết, việc tổ chức không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm thời gian qua ngoài việc biến đây thành sản phẩm du lịch, thu hút du khách thì không gian này còn để thí điểm cấm phương tiện cá nhân vào dịp cuối tuần để các cơ quan quản lý nghiên cứu, tổng kết để mở rộng ra các khu vực khác của quận Hoàn Kiếm...

"Trước mắt, thành phố sẽ sớm triển khai mô hình về xe đạp công cộng để phục vụ du lịch cũng như nhu cầu của người dân", ông Chung nói thêm.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - Nguyễn Đức Chung.

Tại buổi tiêp xúc cử tri, một số cử tri đã bày tỏ đồng tình với đề án quản lý phương tiện giao thông của thành phố, nhưng cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của việc cấm xe máy tại các quận nội đô vào năm 2030.

Cụ thể, theo ý kiến của cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền), nghị quyết HĐND TP Hà Nội đến năm 2030 cấm xe máy hoạt động trong các quận nội đô là không khả thi, khó thực hiện bởi hạ tầng giao thông hiện nay là quá kém, xuống cấp, thiếu đồng bộ.

Theo ông Toán, hầu hết người dân có mức thu nhập trung bình chủ yếu tích cóp mua xe máy để thuận tiện đi lại vào những nơi ngõ hẻm, sâu, dễ tìm chỗ để bảo quản tài sản. Đồng thời, phương tiện công cộng trên ở TP hiện chưa đáp ứng nhu cầu, giờ cao điểm còn chen chúc, bỏ chuyến...

“Ngay cả khi dự án BRT vội vàng chiếm 1/3 mặt đường cho một chiếc xe chạy, nhưng không nhanh hơn được bao nhiêu bởi đến ngã ba, ngã tư vẫn phải dừng chờ đèn đỏ”, ông Toán nói.

Ông Toán cũng thắc mắc: Nếu cấm xe máy người dân nghèo không có ô tô thì sao? Như vậy khác gì chỉ bảo vệ cho người giàu sang đi ô tô?

Không chỉ vậy, ông Toán còn đưa ra giải pháp và cho rằng để giảm ùn tắc giao thông, nên hạn chế thấp nhất việc xây dựng nhà cao tầng để bán căn hộ trong các quận nội thành. Như vậy mới giảm được dân số, giảm được các phương tiện cá nhân đi cùng.

Trước đó ngày 4/7, có 91,35% đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề án về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030.

Theo nghị quyết, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030; tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn thành phố; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Năm 2030 Hà Nội chỉ hạn chế chứ không cấm hẳn xe máy.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội, cho rằng nếu được thông qua, đây là đề án mang tính lịch sử của Hà Nội. UBND TP cần hoàn thiện thêm các giải pháp để triển khai trong thực tế.

Tuy nhiên, nghị quyết đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người đã đặt ra câu hỏi: “Cấm xe máy thì người dân đi lại bằng phương tiện gì?”.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ đã từng khẳng định: “Chưa nên cấm xe máy và cấm xe máy là chủ trương không phù hợp trong điều kiện hiện nay. Nếu làm quyết liệt, mạnh mẽ, trách nhiệm và mạnh dạn đầu tư hơn thì phải đến 2050 mới đạt được 30-40% giao thông công cộng…”.

Hà Nội có khoảng 16.000 - 22.000 xe máy và 6.000 - 8.000 ôtô đăng ký mới mỗi năm. Dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ có gần 1 triệu ôtô lưu hành và khoảng 7 triệu xe máy, chưa kể xe của khối lực lượng vũ trang và các tỉnh thành khác lưu thông vào Hà Nội.

Mặc dù đã có hàng loạt giải pháp giảm ùn tắc giao thông đã được thành phố đề xuất, áp dụng nhưng lại không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Gia Kỳ (tổng hợp theo VNN, Dân Trí, NLĐO)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/chu-tich-chung-ha-noi-chi-han-che-chu-khong-cam-han-xe-may