Chủ nghĩa thực dụng được kỳ vọng tạo đột phá

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của kỳ họp lưỡng Hội năm nay là công tác nhân sự 5 năm một lần, trong đó vị trí Thủ tướng được dự đoán sẽ giao cho ông Lý Cường, nhân vật hiện đang xếp ở vị trí thứ 2 trong Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Khóa XX.

Với tư cách là chính trị gia ủng hộ kinh doanh nhất trong số những tâm phúc của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Lý Cường sẽ gánh trách nhiệm vụ đưa kinh tế Trung Quốc trở lại đà phát triển. Dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm đến những câu hỏi lớn về vai trò, phong cách làm việc, chính sách và ưu tiên của ông.

Được Chủ tịch Tập Cận Bình tin tưởng

Ông Lý sinh năm 1959, tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Đi lên từ công tác đoàn thanh niên, ông Lý Cường được bầu làm Bí thư Thành ủy Ôn Châu vào năm 2002. Khi ấy ông mới 43 tuổi, người trẻ nhất nhận vị trí này trong hơn ba thập kỷ.

Tháng 1.2013, ông Lý Cường được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng Chiết Giang, ba năm sau trở thành Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô. Tháng 10.2017, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải và sau Đại hội Đảng lần thứ XX, ông được bầu vào Ban thường vụ Bộ Chính trị, một vị trí được nhìn nhận là chỉ xếp số 2 sau Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Lý Cường không chỉ là người có kinh nghiệm phát triển và quản lý kinh tế vùng trong hàng thập kỷ mà quan trọng hơn cả, ông có được lòng tin rất lớn từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Mối quan hệ của ông Lý Cường và Chủ tịch Tập bắt đầu từ năm 2004 khi ông Tập Cận Bình là Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang còn ông Lý là trợ lý. Ông Lý đảm nhiệm vai trò này trong 3 năm cho đến khi ông Tập chuyển sang làm Bí thư Thượng Hải.

Trong những năm ở Chiết Giang, ông Lý đã tháp tùng Chủ tịch Tập trong hầu như tất cả các chuyến thị sát, chau chuốt lại tất cả các bài phát biểu của ông Tập bao gồm bài bình luận trên trang báo đảng của tỉnh. Bài viết này sau đó được đính kèm trong một cuốn sách và được các đảng viên lưu truyền, coi đây những chỉ dấu về tư tưởng của Chủ tịch Tập.

Ông Lý cũng góp sức hỗ trợ soạn thảo và trình bày định hướng chính sách của ông Tập tại tỉnh Chiết Giang với cách tiếp cận “chiến lược 2 lần 8” bao gồm 8 lợi thế của Chiết Giang và 8 hành động tương ứng.

Rất nhiều trong những chính sách này đã được phát triển thành “Tư tưởng Kinh tế Tập Cận Bình” – kim chỉ nam để xác định đường lối chính sách kinh tế đất nước của Đảng cầm quyền Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Lý Cường - người nhiều khả năng sẽ trở thành Thủ tướng Trung Quốc vào cuối tuần này

Hứa hẹn những chính sách thực tế và táo bạo

Andrew Collier, một nhà phân tích Trung Quốc của Global Source Partners, cho biết: “Lợi thế rất lớn của ông ấy là công việc lâu năm với tư cách là cố vấn thân cận của Tập Cận Bình”. Các học giả trong nước tin rằng việc được Chủ tịch tín nhiệm sẽ trao cho ông Lý quyền tự chủ cao hơn trong các vấn đề kinh tế, cho phép ông thực hiện các hành động táo bạo để giải quyết các vấn đề cấp bách nhất, chẳng hạn như củng cố lòng tin của khu vực tư nhân.

Bản thân ông Lý được cho là đứng sau nhiều thay đổi chính sách mạnh mẽ của Trung Quốc thời gian gần đây, chẳng hạn như việc từ bỏ chính sách Zero Covid vào tháng 12 năm ngoái hay những “lời bảo đảm cấp cao” về sự hỗ trợ vững chắc cho kinh tế tư nhân.

Là người gốc thành phố Ôn Châu của Chiết Giang, nơi đi đầu trong việc phát triển kinh tế tư nhân từ cuối những năm 1970, ông Lý Cường đã vượt qua nhiều bài kiểm tra kinh tế trong khi vực dậy các tỉnh phía đông giàu có.

Từ lâu được coi là người thực thi trung thành các chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Lý đã thể hiện tinh thần dám làm ở Thượng Hải, thúc đẩy các quan chức địa phương phản ứng nhanh chóng để giải quyết nhu cầu của các công ty, như một phương tiện để thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Theo hai quan chức của chính quyền thành phố Thượng Hải, cựu Bí thư Đảng Cộng sản Thượng Hải thường chỉ trích các cán bộ “nằm vùng”, về cơ bản có nghĩa là chỉ làm những gì tối thiểu cho địa phương.

Để giúp môi trường kinh doanh của Thượng Hải trở nên thân thiện hơn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, ông yêu cầu các quan chức giảm tinh giảm các thủ tục hành chính khi một công ty mới hoàn thành đăng ký kinh doanh, xin giấy phép sản xuất và tiếp cận điện năng. “Ông ấy công khai nói rằng những quan chức chỉ làm theo mệnh lệnh cấp trên trong công việc là chưa đủ, mà mỗi quan chức cần phải chủ động phản ứng nhanh với yêu cầu của doanh nghiệp và phục vụ họ hết lòng”, một quan chức yêu cầu giấu tên cho biết.

Ông Lý cũng đứng sau một loạt các sự kiện nổi bật, bao gồm nâng cấp rộng rãi mô hình tăng trưởng của Ôn Châu, phát triển nền kinh tế dựa trên internet của Chiết Giang, xây dựng nhanh chóng siêu nhà máy của Tesla ở Thượng Hải và thành lập hội đồng khoa học-công nghệ của thành phố để tài trợ cho “kinh tế mới”. Ông đã có một cam kết kéo dài hàng thập kỷ về một môi trường kinh doanh tốt hơn, đón nhận nền kinh tế mới và giải phóng tinh thần kinh doanh.

Những doanh nhân biết ông trong những năm đầu tiên của ông đã rất ấn tượng với một người có “đôi tai biết lắng nghe” và “tư duy thực tế”, mong đợi các biện pháp thiết thực hơn sẽ được đưa ra trong 5 năm tới, chẳng hạn như giảm hơn nữa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện dễ dàng hơn trong tiếp cận thị trường và hỗ trợ tài chính lớn hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Những gì mà ông Lý Cường đã làm để giúp chuyển đổi thành phố Ôn Châu, nền kinh tế thành phố lớn thứ 27 của đất nước, ở hai thập kỷ trước đã cung cấp một số manh mối về kế hoạch của ông nhằm phá vỡ các nút thắt kinh tế mà Trung Quốc hiện đối mặt. Ông thường đặc biệt nhấn mạnh vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trực tiếp và nâng cấp công nghệ.

Hồi tháng 8.2003, ông đã tập hợp hơn 6.000 cán bộ địa phương tại Nhà thi đấu Ôn Châu để khởi xướng “cuộc cách mạng hiệu quả” của mình, trong đó giao nhiệm vụ cho các quan chức từ bỏ thói quan liêu và hợp lý hóa các thủ tục phê duyệt của cơ quan công quyền.

Hội nghị Người Ôn Châu Thế giới đầu tiên được tổ chức hai tháng sau đó để thu hút Hoa kiều trở lại đầu tư. Thành phố cam kết mang đến cho các thương hiệu lợi thế địa phương đồng thời khuyến khích các công ty địa phương thực hiện đổi mới công nghệ, phấn đấu giành quyền sở hữu trí tuệ độc lập, công nghệ cốt lõi và bước nhảy vọt từ “Sản xuất tại Ôn Châu” sang “Sáng tạo bởi Ôn Châu”.

Hai chủ doanh nghiệp lớn ở Ôn Châu đề nghị giấu tên cho biết, Thủ tướng sắp tới đã thể hiện quyết tâm và lòng dũng cảm để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân từ năm 2002-2004 khi ông là lãnh đạo cao nhất của thành phố: “Ông ấy biết cách truyền cảm hứng cho các chủ doanh nghiệp. Xét cho cùng, đó là một bước đi táo bạo của một lãnh đạo đảng địa phương nhằm ưu tiên cho các công ty ngoài quốc doanh trong việc theo đuổi tăng trưởng kinh tế”.

Hạn chế bàn tay hữu hình trong điều hành kinh tế

Tầm nhìn ông Lý về chính phủ, như được tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn năm 2013, là một chính phủ can thiệp hạn chế, hoạt động tốt và hiệu quả, đồng thời cố gắng chuyển từ vai trò quản gia sang vai trò đầy tớ.

Ông nói vào thời điểm đó: “Chúng ta cần giảm bớt sự can thiệp của chính phủ vào các hoạt động kinh tế vi mô, đặt bàn tay của chính phủ trở lại vị trí cũ, bỏ những bàn tay bồn chồn, thu lại những bàn tay đang dang ra và làm những gì cần làm”.

Hình ảnh ủng hộ doanh nghiệp của ông Lý cũng được coi là yếu tố quan trọng để vực dậy niềm tin cá nhân đang bị suy giảm nghiêm trọng. Đầu tư tư nhân chỉ tăng 0,9% trong năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 5,1% của đầu tư tài sản cố định, cho thấy các nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch và vẫn lo ngại về triển vọng.

Trong thời gian giữ chức lãnh đạo tỉnh, ông Lý là người thường xuyên phát biểu trong các dịp tiếp xúc với các doanh nhân. Ông cởi mở nói về sự ngưỡng mộ của mình đối với các doanh nhân internet hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm cả người sáng lập Tencent Pony Ma và người sáng lập Baidu Robin Li. Trong phần mở đầu cho cuốn sách của Wang Jian, khi đó là giám đốc công nghệ của Alibaba, ông cũng bày tỏ sự đánh giá cao về những cuộc trò chuyện với các doanh nhân hàng đầu và các nhà công nghệ có tầm nhìn.

Việc bổ nhiệm ông Lý sẽ khiến ông trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên trong ba thập kỷ không có kinh nghiệm về chính quyền trung ương cũng như phía Tây Trung Quốc. Những người tiền nhiệm của ông - Chu Dung Cơ, Ôn Gia Bảo và Lý Khắc Cường - đã trải qua 5 năm làm Phó thủ tướng điều hành trước khi được bổ nhiệm làm công việc kinh tế hàng đầu. Tuy nhiên, có vẻ như nhưng thành tích thức thực tế của ông khi ở địa phương đã khiến khu vực kinh tế cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc khá yên lòng và đặt nhiều kỳ vọng ở vị lãnh đạo tương lai này.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/chu-nghia-thuc-dung-duoc-ky-vong-tao-dot-pha-i318415/