Chủ động tránh tình trạng 'được mùa mất giá'

Những năm gần đây, do hiệu quả kinh tế cao, cây vải được người nông dân tỉnh Đắc Lắc đầu tư trồng rất nhiều kéo theo sản lượng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Trước nguy cơ quả vải 'được mùa mất giá' như ở một số địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh Đắc Lắc đã tích cực vào cuộc nhằm phát triển cây vải hiệu quả.

Tỉnh Đắc Lắc có thế mạnh về phát triển nông nghiệp với đất đai rộng lớn, màu mỡ. Cây vải tại đây hưởng lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu nên cho thu hoạch sớm khoảng 1 tháng so với cây vải cùng giống, trồng ở miền Bắc. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Đắc Lắc có khoảng 730ha trồng vải với sản lượng đạt gần 4.900 tấn/vụ. Diện tích cây vải của tỉnh chủ yếu tập trung tại các huyện: Ea Kar, Krông Pắc, Krông Năng, M'Đrắk... Trong đó, huyện Ea Kar được xem như thủ phủ của cây vải trong tỉnh.

Không chỉ tiếp tục trồng mới 1.500 cây vải (nâng tổng số lên 4.500 cây với diện tích 10ha của gia đình) mà còn cung cấp cây giống cho những người muốn trồng mới, ông Nguyễn Văn Bình (thôn 10, xã Ea Sar, huyện Ea Kar) cho biết: “Khoảng 3 năm trở lại đây, nhu cầu giống vải tăng rất mạnh, mỗi năm gia đình tôi chiết, cắt bán khoảng 13.000-15.000 cành giống cho người dân địa phương. Gần đây, một số người từ tỉnh Đắc Nông cũng tới gia đình tôi đặt mua cây vải giống”.

Chúng tôi được biết, chính vì quả vải ở Đắc Lắc cho thu hoạch sớm hơn miền Bắc nên thường được thương lái thu mua với giá cao, mang lại lợi nhuận cho người sản xuất. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng diện tích cây vải không ngừng tăng nhanh tại địa phương thời gian qua.

 Ông Nguyễn Văn Bình (thôn 10, xã Ea Sar, huyện Ea Kar) cắt cành vải chiết, bán cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Bình (thôn 10, xã Ea Sar, huyện Ea Kar) cắt cành vải chiết, bán cho người dân địa phương.

Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắc Lắc đã đề ra hàng loạt giải pháp trong phát triển hiệu quả cây vải. Cụ thể như: Nâng cao chất lượng thâm canh cây vải; thúc đẩy thị trường; quy hoạch vùng trồng cây ăn quả; phát triển công nghiệp chế biến; cải thiện chất lượng giống...

Hướng tới nâng cao chất lượng thâm canh cây vải, cùng với việc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền, đào tạo nông dân về quy trình kỹ thuật sản xuất quả vải, ngành nông nghiệp tỉnh Đắc Lắc đã phối hợp với các địa phương lựa chọn những chủ vườn nghiêm túc, có trách nhiệm, có tiềm lực kinh tế, lao động, đất đai... để xây dựng thành các mô hình thâm canh điểm, đạt năng suất cao. Sau đó, nhân rộng từ mô hình thâm canh điểm thành vùng sản xuất vải hàng hóa tại từng thôn và liên thôn.

Để sản phẩm quả vải tươi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, tiến tới hình thành vùng sản xuất tập trung, theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua Sở NN&PTNT tỉnh Đắc Lắc đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) xúc tiến việc cấp mã số vùng trồng vải tại 4 huyện trồng vải trọng điểm của tỉnh là: Ea Kar, M’Đrắk, Krông Pắc và Krông Năng. Đến nay, đã cấp được 9 mã vùng trồng vải tổng diện tích gần 111ha trên địa bàn huyện Krông Năng.

Để mở rộng “đầu ra” cho quả vải, giảm rủi ro, hạn chế sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định, bên cạnh việc xây dựng các chính sách hỗ trợ hộ nông dân đầu tư thâm canh, mở rộng quy mô trồng cây vải gắn với xây dựng thương hiệu vải Đắc Lắc, Sở NN&PTNT đã tổ chức khuyến nông, các cấp chính quyền, đoàn thể chủ động cung cấp thông tin về cung-cầu, giá cả, thị hiếu tiêu dùng của thị trường đến người sản xuất, kinh doanh quả vải, giúp họ định hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu khách hàng trong nước. Đồng thời, các cấp, các ngành của tỉnh tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường nước ngoài, xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng, xây dựng trang thông tin điện tử để đẩy mạnh quảng bá thương hiệu vải Đắc Lắc đến thị trường các nước châu Á (trong đó thị trường hướng đến là Nhật Bản), thị trường Mỹ và các nước EU.

Theo ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắc Lắc, hiện cây vải đa phần được trồng nhỏ lẻ, không tập trung. Để đầu ra của quả vải được ổn định, lâu dài, các hộ sản xuất phải liên kết lại với nhau để hình thành các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo, dạy nghề thâm canh cây vải; tổ chức các dịch vụ cung cấp vật tư nông nghiệp chuyên dùng cho thâm canh vải; giám sát kỹ thuật canh tác, bảo đảm tại các vườn giám sát có sản phẩm vải tươi đạt được tiêu chuẩn quả vải thương mại theo quy định; tổ chức các kênh tiêu thụ sản phẩm vải tươi cho bà con nông dân.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc chưa có nhà máy chế biến sâu về sản phẩm từ cây vải; quả vải chủ yếu được phân loại, sơ chế và mang đi tiêu thụ. Xác định, để quả vải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu thì việc đầu tư cho thiết bị công nghệ chế biến tiên tiến là rất quan trọng. Do vậy, tỉnh Đắc Lắc cần tập trung thu hút và ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông sản có trang thiết bị hiện đại nhằm tăng giá trị sản xuất; gắn kết nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu, tạo mối quan hệ lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp chế biến và người nông dân, bảo đảm sản xuất trái cây nói chung, quả vải nói riêng có chất lượng cao và ổn định.

Bài và ảnh: ĐOÀN VĂN NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chu-dong-tranh-tinh-trang-duoc-mua-mat-gia-647741