Chủ động sản xuất theo hướng 'thuận thiên'

Liên quan đến vấn đề hạn mặn xâm nhập tại Đồng bằng sông Cửu Long, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Anh Tuấn –Cố vấn Khoa học, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ.

PV: Ông vừa có chuyến khảo sát tình hình hạn hán, xâm nhập mặn các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ. Qua chuyến khảo sát, ông thấy tình hình hạn hán, xâm nhập mặn của mùa khô năm nay như thế nào?

PGS.TS Lê Anh Tuấn: Năm nay hạn mặn xâm nhập sâu hơn 3 năm trước (2021, 2022, 2023) bởi đây đang là thời kỳ cao điểm của mùa khô và hiện tượng El Nino trở lại. Ngoài ra, do nguồn nước thượng nguồn sông Mekong ngày càng ít dần, do đó, khi vừa qua Tết Nguyên đán, mặn đã lấn sâu vào đất liền.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là do được khuyến cáo từ trước, nông dân nhiều nơi đã xuống giống vụ Đông Xuân rất sớm nên phần lớn qua Tết nhiều nơi đã thu hoạch, né được hạn mặn. Người dân cũng đã biết cách trữ nước trong các ao, đìa và dự trữ nước mưa lại. Nhiều vùng đã chuyển đổi cây màu để ứng phó hạn mặn nên hạn chế đáng kể thiệt hại do hạn mặn.

Ông có lời khuyên nào để nông dân có thể thích ứng với hạn mặn?

- Tôi cho rằng ngoài điều chỉnh thời vụ chúng ta cũng dần giảm bớt trồng lúa ở vùng không chủ động được nước ngọt bởi vì cây lúa là cây cần rất nhiều nước. Chúng ta nên chấp nhận chuyển qua một số cây trồng khác cần ít nước hơn. Những khu vực nào nuôi tôm nước mặn được thì chuyển dần sang nuôi tôm nước lợ hoặc nước mặn hoặc mô hình tôm - lúa. Còn những vùng hạn mặn gay gắt quá thì chấp nhận không canh tác gì cũng là một biện pháp để tránh thiệt hại. Giai đoạn đó, nông dân có thể xin việc làm thời vụ ở nơi khác chờ mưa xuống thì canh tác trở lại.

Vào mùa mưa, lượng nước ở ĐBSCL rất dồi dào, thậm chí, một số đô thị còn chịu cảnh ngập cục bộ khi mưa lớn hoặc triều cường. Tuy nhiên, sang mùa khô chúng ta lại đối mặt với khô hạn. Ông có nghĩ đến việc có thể đào thêm các hồ lớn chứa nước để dùng cho sản xuất vào mùa khô?

- Đào hồ trữ nước thì rất dễ ô nhiễm do nước không chảy được. Thứ hai là đào hồ chứa quá sâu sẽ đụng tới tầng phèn thì nước ngọt sẽ bị chua.

Ngày trước, ĐBSCL có 2 vùng trữ nước tự nhiên lớn là vùng Tứ giác Long Xuyên; vùng Đồng Tháp Mười và một số vùng ngập nước khác. Đây là các vùng do thiên nhiên hình thành nên để giảm bớt lũ và trữ nước để cung cấp một phần cho mùa khô, giảm bớt hạn mặn. Tuy nhiên, do chạy theo sản xuất lúa nên chúng ta đã làm đê bao không cho nước lũ vào những vùng trữ nước tự nhiên này. Bên cạnh đó, chúng ta còn làm một số dự án thoát lũ ra biển Tây. Do đó, lượng nước còn trữ lại rất ít. Bây giờ phục hồi lại các không gian trữ nước tự nhiên này rất khó do trước đó, chúng ta đã đắp đê bao, xây dựng nhà cửa, ruộng vườn bên trong đê bao. Việc phá bỏ đê bao không đơn giản.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Tiến (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chu-dong-san-xuat-theo-huong-thuan-thien-10274703.html