Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

Bình Phước đang bước vào mùa mưa, đây cũng là thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) có nguy cơ bùng phát trong cộng đồng. Để ứng phó và giảm thiểu bệnh SXH, ngành chức năng huyện Bù Gia Mập và người dân đã, đang chủ động các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.

PHÒNG, CHỐNG DỊCH DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG

Hằng năm, cứ vào đầu mùa mưa, lực lượng y tế cơ sở ở huyện Bù Gia Mập lại ra quân tuyên truyền, vận động nhân dân diệt lăng quăng, bọ gậy, khơi thông dòng chảy. Chương trình nhận được sự hưởng ứng của nhân dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Các gia đình đều tự ý thức dọn vệ sinh trong và xung quanh nhà sạch sẽ, đổ các chum, chậu nước, dọn rác và phát quang bụi rậm… để muỗi không có nơi trú ẩn và phát triển.

Ông Lương Trọng Bình ở thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa cho biết: “Phần lớn người dân ở đây sinh sống gần vườn điều, cao su, vào mùa mưa có nhiều muỗi. Người dân luôn chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH bằng cách dọn vệ sinh nhà cửa, phát quang vườn rẫy. Vì vậy, ở khu vực chúng tôi sinh sống rất ít người bị bệnh SXH”.

Ngành y tế huyện Bù Gia Mập luôn chủ động phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết

Sinh sống ở thôn Khắc Khoan hơn 20 năm nay, bà Phạm Thị Hoàng rất hiểu quy luật của dịch bệnh SXH. Vì vậy, việc phòng, chống dịch luôn được gia đình bà cũng như các hộ dân nơi đây thực hiện tốt. Bên cạnh vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà ở gọn gàng, sạch sẽ thì ý thức bảo vệ giấc ngủ cũng được người dân quan tâm. Bà Hoàng chia sẻ: “Ở vùng này, vào mùa mưa nhiều muỗi lắm, rất nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em. Để đảm bảo an toàn, trước khi ngủ gia đình tôi đều mắc mùng cẩn thận để bảo vệ giấc ngủ, sức khỏe, không được chủ quan, lơ là với bệnh SXH”.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập cho biết: Các biện pháp điều trị bệnh SXH cũng như phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành chỉ là giải pháp tình thế. Vì hiện nay chưa có thuốc đặc trị, điều trị bệnh SXH chủ yếu là giải quyết triệu chứng và hạn chế biến chứng; phun hóa chất diệt muỗi nhằm hạn chế lan truyền khi có dịch chứ không có tác dụng lâu dài. Do đó, diệt lăng quăng, bọ gậy được coi là giải pháp bền vững trong nỗ lực phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh SXH. Để làm được điều này phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng. Ngành y tế huyện thường xuyên phát động mô hình diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng, chống bệnh SXH dựa vào cộng đồng với thông điệp “không có bọ gậy, không có muỗi gây bệnh SXH”. Từ đó, giúp người dân nâng cao ý thức chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy trong nhà và môi trường xung quanh.

KHÔNG ĐỂ LÂY LAN TRONG CỘNG ĐỒNG

Bù Gia Mập là địa bàn miền núi, cùng với thời tiết mưa gió thất thường là điều kiện để muỗi phát triển mạnh. Thời gian qua, huyện Bù Gia Mập là một trong những địa phương có số ca mắc SXH thuộc diện cao của tỉnh. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh SXH luôn được UBND, ngành y tế huyện và các cơ quan, đoàn thể, địa phương quan tâm thực hiện. Để phòng, chống bệnh SXH, ngành y tế huyện luôn chủ động phối hợp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như: diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng, phun thuốc, tuyên truyền nâng cao ý thức tự phòng, chống bệnh SXH … Nhờ đó, công tác phòng, chống dịch đã mang lại nhiều kết quả tích cực, hạn chế tình trạng dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Đến nay, toàn huyện Bù Gia Mập chỉ xảy ra 9 ổ dịch nhỏ và 77 ca mắc, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Lương Trọng Bình cũng như nhiều hộ dân ở thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa luôn chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết bằng cách dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà

Ông Lương Trọng Bình cũng như nhiều hộ dân ở thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa luôn chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết bằng cách dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà

Nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết nên số ca mắc bệnh trên địa bàn huyện Bù Gia Mập thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022

Nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết nên số ca mắc bệnh trên địa bàn huyện Bù Gia Mập thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022

Bác sĩ Quang cho biết thêm: “Từ những bài học kinh nghiệm cùng sự hưởng ứng của nhân dân, ngành y tế đã triển khai kế hoạch diệt lăng quăng, bọ gậy trên diện rộng trước khi bước vào mùa mưa. Từ đó, đã hạn chế rất nhiều nguy cơ bùng phát ổ dịch trong cộng đồng. Song song đó, khi phát hiện ổ dịch, chúng tôi triển khai ngay phun thuốc khống chế ổ dịch, điều tra dịch tễ không để lây lan. Vì vậy, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra ổ dịch lớn”.

“Rất nhiều ca mắc bệnh SXH có nguồn gốc từ khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống do có thói quen dự trữ nước trong chậu, lu mà không đậy nắp kỹ. Đây cũng là nơi thường xuyên bùng phát các ổ dịch nhỏ. Bên cạnh đó, còn không ít người chủ quan với dịch bệnh này. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống dịch bệnh SXH gặp không ít khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Bác sĩ HOÀNG VĂN THÁM, Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn một bộ phận người dân chủ quan, hiểu chưa đúng tác hại của dịch bệnh SXH. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng số ca mắc bệnh SXH trên địa bàn huyện.

Để ngăn ngừa, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, ngành y tế khuyến cáo người dân cần giữ gìn vệ sinh môi trường nơi ở luôn sạch sẽ, không để muỗi có nơi trú ẩn và phát triển; tập thói quen đi ngủ mắc mùng cẩn thận. Đồng thời đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu của bệnh SXH để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Văn Đoàn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/145496/chu-dong-phong-chong-sot-xuat-huyet