Chủ động phòng bệnh cúm gia cầm

Huyện Cái Nước có 6 điểm chợ nông thôn, hơn 20 cơ sở nuôi nhốt, giết mổ gia cầm sống và kinh doanh, mua bán sản phẩm gia cầm. Công tác phòng, chống bệnh cúm A/H5N1 trên gia cầm luôn được ngành chức năng huyện Cái Nước đặc biệt quan tâm, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bà con tiểu thương các điểm chợ trên địa bàn huyện trong quá trình kinh doanh, mua bán.

Thực hiện Tháng Hành động vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống bệnh trên gia súc, gia cầm, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện kết hợp với ban quản lý các điểm chợ trên địa bàn đồng loạt ra quân phun xịt thuốc sát trùng phòng ngừa phát sinh bệnh cúm A/H5N1 trên gia cầm.

Tuy huyện Cái Nước có thế mạnh nuôi trồng thủy sản, nhưng bà con nông dân vẫn duy trì và phát triển nghề chăn nuôi gia cầm truyền thống để tăng thu nhập. Trung bình hằng năm, bà con tái đàn trên 17 ngàn con gia cầm, cung ứng khoảng 30% nhu cầu người tiêu dùng địa phương; số còn lại được tiểu thương nhập ngoài tỉnh.

Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện kết hợp Ban Quản lý chợ Nhà Phấn, xã Thạnh Phú, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng.

Ông Nguyễn Xuân Hây, Trạm phó Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, cho biết: “Ðối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, ngành chuyên môn khuyến cáo bà con tiểu thương khi mua bán, giết mổ gia cầm sống, kinh doanh sản phẩm gia cầm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và qua kiểm dịch của ngành thú y”.

Ðược tuyên truyền về phòng ngừa bệnh cúm A/H5N1 trên gia cầm, bà con tiểu thương luôn nêu cao ý thức phòng bệnh trong quá trình kinh doanh, mua bán. Ông Nguyễn Văn Mười, cơ sở giết mổ gia cầm ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, chia sẻ: “Cơ sở của tôi quy mô hộ gia đình, mỗi ngày giết mổ từ 20-50 con gia cầm các loại, chủ yếu theo đơn đặt hàng của người tiêu dùng và tiểu thương chợ Rau Dừa. Vì vậy, việc phòng, chống dịch bệnh gia cầm luôn được cơ sở đặc biệt quan tâm. Tất cả gia cầm sống được nuôi nhốt, cung cấp cho người tiêu dùng được nhập ngoài tỉnh, thông qua đầu mối chuyên cung cấp gia cầm sống nên có nguồn gốc, xuất xứ và qua kiểm dịch. Ðặc biệt, cơ sở không thu gom gia cầm nhỏ lẻ về giết mổ, bởi mình không biết tình trạng sức khỏe gia cầm như thế nào, khi xảy ra dịch bệnh thì cơ sở sẽ chịu thiệt hại”.

Cơ sở giết mổ gia cầm hộ ông Nguyễn Văn Mười, ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ.

Ðể tăng cường phòng ngừa bệnh cúm A/H5N1 trên gia cầm, ngành chức năng còn phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chăn nuôi trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm. Theo đó, lập danh sách những hộ chăn nuôi gia cầm có số lượng từ 50 con trở lên, đăng ký vắc xin tiêm phòng bệnh trong năm 2024. Ðối với những hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ có số tổng đàn dưới 50 con không thuộc diện tiêm phòng, nhưng khi bà con chăn nuôi có nhu cầu thì vẫn tiến hành tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm. Riêng đối với những hộ chăn nuôi có số lượng tổng đàn trên 50 con, không đồng ý tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, chính quyền địa phương sẽ cho hộ dân làm cam kết thực hiện.

Ðể phòng ngừa bệnh cúm A/H5N1 trên gia cầm hiệu quả, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện khuyến cáo bà con chăn nuôi và hộ kinh doanh, mua bán gia cầm, hãy nâng cao ý thức phòng bệnh cho đàn gia cầm; khi phát hiện có dấu hiệu bất thường báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc nhân viên thú y cơ sở để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không giết mổ, mua bán gia cầm mắc bệnh và gia cầm chết, phòng ngừa dịch bệnh phát sinh./.

Việt Tiến

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chu-do-ng-pho-ng-be-nh-cum-gia-cam-a32215.html