Chủ động ngăn chặn từ sớm vi phạm về đất đai

Trong những năm gần đây, sau cơn 'sốt đất' đã để lại rất nhiều hệ lụy. Trong đó, đã xảy ra nhiều vụ án hình sự liên quan đến lĩnh vực đất đai với tính chất, mức độ rất nghiêm trọng.

Bị cáo Đỗ Sơn Tùng cùng đồng phạm bị lãnh mức án nặng vì lập “dự án ma” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: T.Tâm

Điển hình các hành vi phạm tội liên quan đến đất đai phổ biến trong thời gian qua như: thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư không đúng quy định; lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin của người dân về lĩnh vực đất đai để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai…

* Trắng tay vì “dự án ma”

Cơn "sốt đất” trong những năm gần đây cũng đã kéo theo nhiều hệ lụy xảy ra. Trong đó nhiều đối tượng đã lợi dụng lòng tin của người dân để lập các “dự án ma”, tổ chức phân lô, bán nền và chiếm đoạt tài sản. Theo đó, hàng ngàn người dân là các bị hại trong vụ án liên quan đến đất đai cũng tan cửa, nát nhà.

Đơn cử như trường hợp Dương Đăng Khoa (37 tuổi, ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) trong thời gian từ năm 2018-2021 đã thành lập công ty, tự ý “vẽ” các dự án khu dân cư tại P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) và lừa bán cho 45 bị hại để chiếm đoạt số tiền hơn 21 tỷ đồng. Điều đáng nói, sau khi các bị hại phát hiện mình bị lừa và đòi lại tiền thì Khoa tiếp tục giới thiệu một dự án khu dân cư chưa hoàn thiện khác tại xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) nhằm mục đích hoán đổi. Để rồi đến khi phát hiện bản thân bị lừa thêm lần nữa thì các bị hại làm đơn trình báo công an và Khoa bị bắt giữ. Hiện nay, Khoa đã bị Viện KSND tỉnh truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, có nhiều người dân chỉ vì nhẹ dạ, cả tin, không tìm hiểu kỹ về các dự án đã bỏ tiền ra mua đất phân lô, bán nền nên phải chịu cảnh “trắng tay” vì “dự án ma”. Điển hình như bà T.T.V. (ngụ TP.HCM) đã bị Nguyễn Đình Chính (36 tuổi, ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư bất động sản và xây dựng Rồng Đất (viết tắt là Công ty Rồng Đất) lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 3 tỷ đồng. Theo bà V., đây là toàn bộ số tiền bà dành dụm được nhưng chỉ vì tin tưởng vào dự án đất đai của Chính nên bà đã rơi vào thảm cảnh.

Cụ thể, mặc dù không phải là chủ sở hữu và không đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 7 thửa đất tại P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) và không được phân lô bán nền nhưng Chính đã tự ý san lấp, phân lô trái phép 7 thửa đất trên thành 170 lô để bán cho các khách hàng. Với thủ đoạn trên, Chính đã lừa đảo của 52 người dân để chiếm đoạt số tiền hơn 20,4 tỷ đồng.

Đa số các loại tội phạm liên quan đến đất đai đều bị xử lý nghiêm minh, tương xứng với mức độ, hành vi phạm tội. Đơn cử như ngày 15-5-2023, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Sơn Tùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Bất động sản nhà đất Đồng Nai, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) 20 năm tù. Các bị cáo đồng phạm khác cũng lãnh từ 2 năm tù treo đến 10 năm tù giam.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, vào năm 2018, bị cáo Tùng mua một thửa đất trồng cây lâu năm với diện tích gần 13 ngàn m2 tại xã Bàu Hàm (H.Trảng Bom). Mặc dù thửa đất trên chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép thành lập dự án khu dân cư nhưng Tùng đã thuê người vẽ ra “dự án ma” rồi bán đất nền cho nhiều người. Với thủ đoạn này, Tùng đã chiếm đoạt của hơn 430 bị hại với tổng số tiền gần 123 tỷ đồng.

* Cần sớm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm

Theo thẩm phán Đinh Thị Kiều Lương, Phó chánh Tòa Hình sự, TAND tỉnh, trong những năm gần đây, “cơn sốt đất” đã đẩy giá đất lên cao một cách chóng mặt. Giá trị đất tăng cao đã vô tình dẫn đến nhiều tranh chấp, mâu thuẫn về đất và tình trạng lợi dụng hoạt động của các loại tội phạm cũng diễn ra ngày càng phức tạp. Đồng thời, tình trạng trục lợi trong quản lý, sử dụng đất đai diễn ra ngày càng gay gắt, được dư luận xã hội quan tâm.

“Cần sớm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai. Chống các biểu hiện quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm nói chung và vi phạm trong lĩnh vực đất đai nói riêng” - thẩm phán Đinh Thị Kiều Lương, Phó chánh Tòa Hình sự, TAND tỉnh nhấn mạnh.

Trong đó, tội phạm vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai ở nước ta có chiều hướng diễn ra phức tạp, gia tăng về cả số lượng lẫn tính chất, mức độ. Trong đó có nhiều vụ việc chiếm đoạt tiền của hàng trăm người dân với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đồng thời, liên quan đến sai phạm về đất đai, nhiều lãnh đạo, công chức nhà nước cũng đã trở thành tội phạm.

Thời gian qua, với những nỗ lực rất lớn, các cơ quan có thẩm quyền đã chủ động, tích cực trong việc nắm bắt tình hình, sớm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến đất đai. Đồng thời, kịp thời điều tra, truy tố, xét xử những vụ án lớn nhằm răn đe và phòng ngừa chung. Trong đó có nhiều vụ án các bị cáo đã bị tuyên phạt với mức án nặng, buộc bồi thường số tiền lớn để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, hạn chế, đẩy lùi các hành vi vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực đất đai. Từ đó, tạo được niềm tin cho nhân dân đối với các cơ quan nhà nước trong việc quản lý, sử dụng đất đai.

Để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trong lĩnh vực đất đai thời gian tới được tiến hành đồng bộ, hiệu quả thì các cơ quan hữu quan ở từng địa phương cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn sai phạm ngay từ khi mới manh nha; thường xuyên tổng kết công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai để rút ra những khó khăn, hạn chế và tìm ra phương hướng, khắc phục nhằm kéo giảm sai phạm trên lĩnh vực đất đai. Đồng thời, tăng cường công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai nhằm tránh các bức xúc của nhân dân xảy ra ở địa phương.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202402/chu-dong-ngan-chan-tu-som-vi-pham-ve-dat-dai-9ce5af8/