Chủ động ngăn chặn tội phạm mua bán người

Lợi dụng tình trạng công nhân lao động thất nghiệp, thiếu việc làm có nhu cầu tìm việc, kẻ gian đã lập đường dây đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động cưỡng bức hoặc đưa vào các đường dây thực hiện các vụ lừa đảo trên mạng.

Các đối tượng trong đường dây mua bán người sang Campuchia bị Công an tỉnh bắt giữ. Ảnh: Tư liệu

Trước thực trạng trên, các ngành chức năng của tỉnh đã chủ động vào cuộc, tìm các giải pháp để sớm phát hiện, ngăn chặn các đường dây tội phạm này.

* Dùng chiêu trò tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao”

Theo báo cáo của lãnh đạo Công an tỉnh tại Hội nghị Tổng kết Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh vào ngày 8-3, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh không phát hiện các vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, nổi lên thủ đoạn các đối tượng làm quen, lôi kéo, dụ dỗ các nạn nhân hoặc lợi dụng mạng xã hội đăng thông tin tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao”, chỉ cần biết sử dụng máy vi tính, không cần bằng cấp, kinh nghiệm làm việc...

Khi nạn nhân chấp nhận, các đối tượng sẽ tổ chức đưa qua nước ngoài bất hợp pháp, cưỡng ép tham gia các trang web lừa đảo, đánh bạc trên mạng. Nếu không thực hiện hoặc làm việc không hiệu quả, các nạn nhân sẽ bị uy hiếp tinh thần, đánh đập. Nạn nhân muốn về thì phải nộp tiền bồi thường.

Vào đầu tháng 10-2023, ông N.B.M. (ngụ xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) trình báo với cơ quan chức năng và Công an thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) về việc con gái của ông là N.N.Q. (17 tuổi) bị một số đối tượng dụ dỗ sang Lào làm việc với lời hứa “việc nhẹ, lương cao”. Khi biết được sự việc, ông đã báo Công an thành phố Đông Hà tìm cách ngăn chặn việc đưa em Q. sang nước ngoài lao động khi biết tin các đối tượng đang tập kết người tại Bến xe Đông Hà (tỉnh Quảng Trị).

Với sự hỗ trợ của lực lượng công an, em Q. sau đó được giải cứu kịp thời và đưa về gia đình. Trong vụ việc này, lực lượng công an cũng đã giải cứu được 9 người khác.

Theo thông tin ban đầu, các đối tượng đã dụ dỗ đưa những người có nhu cầu tìm việc sang Lào lao động bằng đường xuất cảnh trái phép. Việc phát hiện, ngăn chặn vụ việc trên đã kịp thời giải cứu các nạn nhân bị các đối tượng mua bán người dụ dỗ.

Tương tự, vào tháng 10-2023, Công an tỉnh đã tiến hành xác minh và giải cứu trường hợp anh H.V.T. (27 tuổi, ngụ xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) nghi bị lừa bán sang Lào và Myanmar. Qua xác minh, lực lượng công an xác định, tháng 10-2023, anh T. từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng để đi làm. Tại đây, anh đã được một số người rủ sang Lào làm việc. Sau đó, nghi ngờ anh T. bị lừa bán sang Lào nên người nhà đã trình báo cơ quan chức năng. Hiện anh T. đã được lực lượng công an giải cứu đưa về với gia đình.

* Tập trung tuyên truyền cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người

Trước tình trạng một số người dân bị lừa đảo, rơi vào các đường dây mua bán người, Công an tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống mua bán người; chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn nói chung và chống mua bán người nói riêng, góp phần ổn định chính trị, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã xây dựng một số mô hình hiệu quả về phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng như: Phụ nữ với pháp luật, Tổ Phụ nữ tự quản gia đình không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; Tổ Phụ nữ tự quản về an ninh trật tự...

Theo UBND tỉnh, trong năm 2023, các sở, ban, ngành, địa phương đã phát động hiệu quả Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật, trong đó có Luật Phòng, chống mua bán người; âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người.

Các ngành chức năng thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người đến với mọi người dân. Trong đó tập trung tuyên truyền cho các đối tượng là phụ nữ, trẻ em để nâng cao ý thức, chủ động phòng ngừa. Ngoài ra, các cơ quan chức năng thường xuyên cung cấp đường dây nóng số điện thoại, địa chỉ email, hộp thư... đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân biết để tố giác tội phạm.

Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh Phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người gắn với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Theo đó, Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, các thành viên ban chỉ đạo địa phương phát huy vai trò của công an xã (thị trấn) và các tổ chức chính trị để tuyên truyền đến người dân về phòng, chống mua bán người.

Trong thời gian tới, Công an tỉnh, trong đó lực lượng chủ công là Phòng Cảnh sát hình sự, tiếp tục xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ, nắm tình hình rà soát các đường dây, băng nhóm, đối tượng nổi lên; các đối tượng môi giới, cò mồi; đối tượng có nghi vấn hoạt động mua bán người để theo dõi, quản lý. Tăng cường nắm thông tin trên không gian mạng, nắm chắc các hội, nhóm, đường dây trên không gian mạng liên quan đến tội phạm mua bán người để phòng ngừa, phát hiện. Đặc biệt, lực lượng công an tiếp tục chú trọng công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202403/chu-dong-ngan-chan-toi-pham-mua-ban-nguoi-b976181/