Chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái phát

Một số người chăn nuôi không thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tái đàn và tăng đàn khi chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh, khiến dịch tả lợn châu Phi tái phát tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tháng 1/2022, đàn lợn 24 con của gia đình anh Hoàng Văn Phà (thôn Na Lốc 4, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương) bị dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy. Anh Phà cho biết: Đàn lợn của gia đình đã nuôi được gần 2 tháng. Tiền giống, thức ăn mỗi con khoảng 3 triệu đồng. Việc đàn lợn nhiễm bệnh khiến gia đình thiệt hại hơn 70 triệu đồng.

Người dân khử trùng khu vực chăn nuôi.

Người dân khử trùng khu vực chăn nuôi.

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong 9 tháng, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 13 hộ thuộc 9 thôn của 5 xã ở các huyện: Mường Khường, Bảo Yên, Bát Xát, Văn Bàn và thị xã Sa Pa, làm 117 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, khối lượng tiêu hủy là 2.523 kg. Nguyên nhân là người chăn nuôi không thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi ăn toàn sinh học, làm phát sinh và lây lan dịch bệnh. Dự báo từ nay đến cuối năm sẽ gia tăng số hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ do nhu cầu thịt lợn của thị trường tăng. Trong khi đó, dịch bệnh đang tái bùng phát ở nhiều nơi. Ngành chăn nuôi khuyến cáo các địa phương và người nuôi lợn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đối với những địa phương chưa có dịch bệnh phát sinh, phải áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và cần phân tích nguyên nhân khiến dịch bệnh tái bùng phát, rút kinh nghiệm, đưa ra các biện pháp phù hợp.

Trang trại lợn của ông Nguyễn Đức Thành (thôn Soi Cờ, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng) từ nhiều năm nay luôn duy trì 60 con lợn nái, hơn 400 con lợn thịt. Với quy trình chăn nuôi khép kín, tự chủ con giống, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nên đàn lợn của gia đình không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ông Thành cho biết: Với những hộ chăn nuôi lớn như gia đình tôi, chỉ một chút chủ quan, lơ là sẽ dẫn đến dịch bệnh, gây thiệt hại lớn.

Do đó, công tác phòng, chống dịch được gia đình ông Thành thực hiện chặt chẽ, chuồng trại được phun khử khuẩn 3 lần/tuần, phun theo 3 lớp bảo vệ từ bên ngoài khu vực chăn nuôi, hành lang và bên trong chuồng, mỗi khu vực được phun một loại thuốc phù hợp, đồng thời hạn chế người ra, vào khu vực chăn nuôi. Từ thức ăn đến các vật dụng mang vào khu chuồng nuôi đều được khử trùng. Gia đình ông tự trang bị tủ bảo quản vắc-xin, tủ thuốc để kịp thời phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn.

Không chỉ với những hộ chăn nuôi quy mô lớn, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng dần ý thức hơn về công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Bà Phạm Thị Tám (thôn Soi Cờ, xã Gia Phú) cho biết: Để đàn lợn hơn 20 con khỏe mạnh, tránh những yếu tố dịch bệnh, gia đình chủ động lựa chọn con giống, thức ăn, tuân thủ các vấn đề tiêm phòng, khử trùng, tiêu độc, sát khuẩn chuồng trại. Nhiều năm nay, đàn lợn của gia đình luôn phát triển khỏe mạnh, đem lại thu nhập ổn định.

Ông Lê Khánh Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho biết: Hiện đàn lợn của xã có gần 6.500 con. Để bảo vệ đàn vật nuôi, người dân trong xã đã quan tâm đến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã không có ổ dịch tả lợn châu Phi, nhưng trước nguy cơ xâm nhiễm, tái phát và lây lan bệnh dịch từ các địa phương lân cận, UBND xã đã khuyến cáo các hộ chăn nuôi không chủ quan, lơ là mà tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của thú y về vệ sinh khử trùng, tiêu độc chuồng trại, tiêm phòng cho đàn lợn; kiểm soát người và phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi; kiểm soát nguồn thức ăn nhằm ngăn ngừa dịch lây lan từ bên ngoài vào chuồng trại. Khi tái đàn hoặc tăng đàn, con giống phải được kiểm soát nghiêm ngặt, tránh việc mua lợn giống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng…

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra. Loại vi-rút này có thể tồn tại 2 - 4 tháng trong một cơ sở bị nhiễm bệnh và 5 - 6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh. Chính vì vậy, ngoài đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch thì việc tiêu hủy lợn bị dịch bệnh cũng cần được thực hiện nghiêm túc.

Ông Ngô Tiến Dũng, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Ngành chăn nuôi khuyến cáo các hộ khi tái đàn cần thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về chăn nuôi an toàn sinh học nhằm tạo “bức tường chắn”. Biện pháp này giúp ngăn ngừa vi sinh vật gây bệnh và các yếu tố nguy hiểm cho sức khỏe của vật nuôi không lan truyền theo 3 hướng: Từ bên ngoài vào trang trại/hộ chăn nuôi, giữa các con vật trong đàn và từ trang trại/hộ chăn nuôi ra môi trường hoặc sang trang trại/hộ chăn nuôi khác. Ưu tiên sử dụng vôi bột để tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361469-chu-dong-kiem-soat-ngan-chan-dich-ta-lon-chau-phi-tai-phat