Chủ động kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi

Trước diễn biến phức tạp bệnh dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Lào Cai tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Sau thời gian bệnh dịch tả lợn châu Phi được khống chế, tháng 4/2023, bệnh tái phát với ổ dịch đầu tiên tại xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai). Gần đây nhất vào đầu tháng 8, dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn huyện Bát Xát, khi xã Cốc Mỳ có lợn ốm chết, kết quả mẫu xét nghiệm dương tính với virút dịch tả lợn châu Phi.

Ngay sau đó, UBND huyện Bát Xát chỉ đạo các xã, thị trấn và các đơn vị, phòng, ban chuyên môn tăng cường giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh, xử lý triệt để, tập trung khoanh vùng ổ dịch, truy tìm nguồn dịch, quản lý theo dõi; tiêu hủy lợn bệnh và cùng đàn, vệ sinh khử trùng, tiêu độc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và các sản phẩm ra - vào vùng dịch...

Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 10 xã thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố, làm 109 con lợn mắc bệnh và cùng ô chuồng phải tiêu hủy. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, thời gian tới nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan rất cao. Nguyên nhân là vi-rút bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng đề kháng cao, tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền phức tạp và khó kiểm soát; bệnh chưa có thuốc điều trị; chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ lớn trong khi không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; việc buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn gia tăng vào các tháng cuối năm; thời tiết chuyển mùa thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và gây bệnh…

Cách đây mấy năm, khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh “trắng tay” vì lợn nhiễm bệnh không thể cứu chữa. Thiệt hại kinh tế là một chuyện, vấn đề chính là nông dân nảy sinh tâm lý không tái đàn, bởi vắc-xin, vũ khí phòng bệnh chính, mới được phân bổ sử dụng trong điều kiện có giám sát tại một số khu vực cụ thể trên cả nước. Ngoài ra, thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh chưa có.

Gia đình chị Đỗ Thị Phương, xã Xuân Giao (Bảo Thắng) từng chịu thiệt hại nặng bởi dịch tả lợn châu Phi. Năm 2019, đàn lợn gần 100 con của gia đình bị mắc bệnh phải tiêu hủy, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Hơn 1 năm sau chị mới tiếp tục tái đàn, lần này chị thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Chị Phương cho biết: Thời điểm năm 2020, gần như các trang trại nuôi lợn ở xã bị nhiễm bệnh. Để bảo vệ đàn lợn, gia đình tôi tuyệt đối không cho người lạ vào trang trại. Qua mấy năm, trang trại của gia đình chưa có con lợn nào nhiễm bệnh.

Dù vậy, với kinh nghiệm chăn nuôi tích lũy được, chủ trang trại này suy nghĩ phải có vắc-xin mới yên tâm, nhất là khi tận mắt chứng kiến sức tàn phá của dịch tả lợn châu Phi tại các trang trại chăn nuôi trong xã, huyện. Vì vậy, ngay khi biết thông tin Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh và Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam cho thử nghiệm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, chị Phương đã đề nghị được tiêm thử nghiệm cho đàn lợn của gia đình. Sau quá trình tiêm vắc-xin, đàn lợn 47 con vẫn khỏe mạnh, phát triển bình thường. Kết quả mẫu máu kiểm tra kháng thể bảo hộ sau tiêm phòng vắc-xin cho thấy lợn được tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi có tỷ lệ kháng thể đạt từ 93,34% trở lên.

Cùng với hộ chị Phương, có 2 hộ chăn nuôi khác trên địa bàn huyện Bảo Thắng cũng tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, tất cả đàn lợn sau tiêm phòng đều khỏe mạnh và phát triển bình thường.

Theo ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bước đầu triển khai tiêm thử nghiệm tại một số hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Bảo Thắng cho thấy tín hiệu tích cực trong phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi bằng vắc-xin. Sở đã phối hợp với đơn vị cung ứng tổ chức hội thảo triển khai giải pháp sử dụng vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có thể gây chết 100% lợn mắc bệnh, hiện chưa có thuốc chữa. Người chăn nuôi cần nhận thức rằng nếu không chấp nhận đầu tư chi phí để tiêm vắc-xin phòng bệnh thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại rất lớn, thậm chí mất trắng nếu phát sinh dịch bệnh trên đàn lợn của gia đình.

Thời điểm này, các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, rà soát nhu cầu, cung ứng kịp thời, đủ số lượng vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi và một số vắc-xin phòng bệnh khác phục vụ tiêm phòng, góp phần bảo vệ đàn lợn ở các địa phương.

- ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/chu-dong-kiem-soat-ngan-chan-benh-dich-ta-lon-chau-phi-post376636.html