Chủ động chặn lạm phát

Đón đầu việc lương cơ bản tăng vào ngày 1/7 tới, cùng với giá cả một số nhóm hàng sắp đến kỳ điều chỉnh (giá dịch vụ y tế, học phí, giá điện…), Bộ Tài chính đã đưa ra dự báo 3 kịch bản CPI từ nay đến cuối năm; bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,64 - 4,5%. Tương tự, Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,8% - 4,5%.

Siêu thị Big C, Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Tháng 4, giá lương thực thực phẩm có xu hướng hạ nhiệt. Nhưng sang những ngày đầu tháng 5, ghi nhận từ thị trường cũng như phản ánh của người dân, giá cả hàng hóa đã thay đổi.

Giá nhiều nhóm hàng tiêu dùng nhích tăng

Chị Hoàng Hồng Hạnh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, giá thịt lợn tăng nhanh. Chẳng hạn giá thịt lợn thăn đã tăng lên 135.000 đồng/kg, sườn thăn ngon tăng lên 170.000 đồng/kg, thịt ba chỉ cũng 140.000 đồng/kg.

“Cầm tiền đi chợ mà cứ ngỡ như đánh rơi tiền. Một bữa ăn cho gia đình 4 người bây giờ cũng phải gần 200.000 đồng” - chị Hạnh nói.

Nhiều người cũng cho rằng dù hầu hết các loại gạo đều đứng giá hơn 2 tháng nay nhưng một số loại lương thực chế biến sẵn vẫn tăng giá như: bún, miến, hay là mỳ gạo… Bà Nguyễn Thị Vân Anh (tòa nhà The Terra, An Hưng, Hà Đông, Hà Nội) nói: “Tôi mua 5.000 đồng hành lá thì chỉ được lèo tèo vài ba cây, hay xà lách là 50.000 đồng/kg. Rau củ quả tăng giá, thịt cá tăng giá, chỉ có người đi chợ là khổ”.

Nhiều người có chung suy nghĩ rằng lương chưa tăng nhưng giá đã chạy trước.

Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Giá nhiều nhóm hàng cũng sắp đến kỳ điều chỉnh như: giá dịch vụ y tế, học phí, giá điện có thể tiếp tục tăng trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đang ở mức cao. Đặc biệt, việc cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên.

Ngoài ra, thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI. Các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ dự kiến cũng sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong thời gian tới.

Dự kiến lộ trình tăng giá dịch vụ các mặt hàng y tế, giáo dục rơi vào quý III cùng thời điểm tăng lương. Ảnh: Trâm Anh.

Dự báo các kịch bản CPI

Năm 2024, Quốc hội giao chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân trong khoảng 4 - 4,5%. Hiện, nền kinh tế đã đi qua 1/3 chặng đường của năm 2024. Công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản bình quân quý I thấp hơn mức CPI bình quân chung, tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Bộ Tài chính dự báo từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, khi giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, như giá xăng dầu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường. Giá dầu Brent trung bình 6 tháng cuối năm dự báo trong khoảng 80-90 USD/thùng. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao cũng ảnh hưởng tới giá cả mặt bằng trong nước.

Bộ Tài chính cũng đã dự báo 3 kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm. Ở kịch bản thấp, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,64% so với năm 2023. Kịch bản thứ hai, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,05% so với năm 2023. Kịch bản dự báo mức cao nhất, CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,5% so với năm 2023. Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính cập nhật kịch bản CPI bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,64 - 4,5%. Tương tự, Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,8% - 4,5% (3 kịch bản 3,8%, 4,2% và 4,5%).

Trong khi đó, theo dự báo của các chuyên gia Khối nghiên cứu toàn cầu (Ngân hàng HSBC), sau thành công trong kiểm soát năm 2023 (tăng 3,25%), kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức tăng rất nhẹ trong năm 2024 (dự báo tăng ở mức 3,4%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra. Hầu hết các tổ chức và chuyên gia đều nhận định, nhiều khả năng lạm phát năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra.

TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho rằng lạm phát năm 2024 sẽ không quá lớn bởi giá dầu tăng nhưng không thể tăng quá mạnh. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 được dự báo cũng sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải. Hơn nữa, do thị trường bất động sản vẫn trong giai đoạn khó khăn, khu vực công nghiệp - xây dựng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung cũng sẽ bị ảnh hưởng và tăng trưởng thấp trong năm 2024. Nếu tăng trưởng GDP trong năm 2024 chỉ xoay quanh mức 6% như nhiều dự báo, tính chung giai đoạn 2020-2024 GDP sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 4,64%, tức là nền kinh tế trong năm 2024 vẫn sẽ hoạt động ở mức dưới tiềm năng.

TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định, CPI bình quân năm 2024 sẽ ở mức 3,5 - 4%. Tuy nhiên, ngay cả ở mức tăng 3,5 - 4% dự kiến như vậy, lạm phát vẫn luôn nằm trong tầm kiểm soát và cho thấy vẫn trong xu hướng giảm những năm gần đây.

Còn theo PGS.TS Vũ Duy Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), các bộ, ngành nên chủ động đề xuất các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý, tránh dồn vào cùng một thời điểm để hạn chế tác động cộng hưởng, đồng thời giảm bớt áp lực cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, cần có phương án giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với người nghèo và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, để ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ thao túng thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, muốn ổn định được thị trường giá cả, điều hành giá cả các mặt hàng quan trọng là đầu vào của sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng gia đình như điện, xăng dầu, than theo hướng từng bước vận hành theo cơ chế thị trường, tăng cạnh tranh bình đẳng giảm điều hành theo kiểu hành chính, nhiều đầu mối quản lý; kiểm soát chăt chẽ giá bán cho sản xuất và tiêu dùng một cách công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chu-dong-chan-lam-phat-10279266.html