'Chốt cứng, chặn đứng' ở Tàu Ô

Sau khi Lộc Ninh được giải phóng (7-4-1972), quân ta bao vây thị xã An Lộc, gián tiếp uy hiếp Sài Gòn, địch điều binh chi viện cho thị xã An Lộc và hòng tái chiếm Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước).

Bộ tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 7 chốt chặn Đường số 13 từ phía nam thị xã An Lộc đến phía bắc huyện Chơn Thành, lấy khu vực Tàu Ô-Xóm Ruộng thuộc Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) làm khu vực then chốt.

Là người trực tiếp tham gia chiến đấu tại Chốt chặn Tàu Ô trong đội hình Sư đoàn 7, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân đoàn 4 kể lại: Đầu tháng 4-1972, Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân lực ngụy quân Sài Gòn đi máy bay UH1 đáp xuống Căn cứ Lai Khê (nay thuộc huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương), làm việc với chỉ huy các Sư đoàn 5, 21, 25. Tại cuộc họp, tướng Viên hỏi: “Các anh nói coi, tại sao đến nay vẫn chưa khai thông được Tàu Ô? Tàu Ô là cái gì? Tất cả anh em nói đi. Tổng thống và Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ đang đợi các anh trả lời”.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh (bên phải) và cựu chiến binh Đặng Phúc Định, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 7 ôn lại Chiến thắng Tàu Ô - Xóm Ruộng. Ảnh: CHÍ PHAN

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh (bên phải) và cựu chiến binh Đặng Phúc Định, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 7 ôn lại Chiến thắng Tàu Ô - Xóm Ruộng. Ảnh: CHÍ PHAN

Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Sư đoàn 21 ngụy báo cáo: “Tôi đã bay lên quan sát, mặt đất Tàu Ô lúc này còn ghê gớm hơn cả hình ảnh mặt trăng mà nhà du hành vũ trụ Hoa Kỳ chụp được, tôi không thể giải thích được vì sao Việt Cộng lại sống được ở đó và lại có thể từ đó trồi lên chặn đứng các cuộc tấn công của ta. Tôi nghi rằng, cũng như Củ Chi, Việt Cộng đào địa đạo xuyên qua Đường số 13 từ tây sang đông, khi phi pháo của ta oanh kích, Việt Cộng xuống đường hầm, hết oanh kích, Việt Cộng lại lên quạt AK-47, B40, ném lựu đạn đánh các tân binh của ta”.

Còn tướng Lê Văn Tư, Tư lệnh Sư đoàn 25 ngụy và tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Sư đoàn 5 ngụy đề nghị tăng lực lượng bộ binh các đơn vị xe tăng thiết giáp, dù, pháo binh cùng các máy bay chiến thuật tập trung đánh vào Tàu Ô 3 ngày liên tục. Tướng Lê Văn Tư cho rằng, Việt Cộng có là sắt thép cũng phải tan chảy thành nước, nát thành tro bụi, khi ấy, bộ binh Sư đoàn 25 và biệt động quân chỉ cần ung dung hành quân qua một vùng đất hoang không còn bóng người, cây cỏ, thậm chí cả giun, dế cũng không còn.

Tại cuộc họp, tướng Nguyễn Văn Minh dõng dạc hứa sẽ nhanh chóng khôi phục Đường số 13 như trước khi Cộng quân khởi sự tấn công.

Theo sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Miền, quân ta tập trung chốt chặn ở Tàu Ô với quyết tâm giữ Đường số 13. Đây là tuyến đường chiến lược quan trọng, áp sát Sài Gòn. Giữ được Đường số 13 thì chúng ta mới giữ được địa bàn Lộc Ninh và đưa Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về căn cứ cách mạng bảo đảm an toàn. Tàu Ô trở thành chiến lũy án ngữ đoạn Đường số 13. Đây là bàn đạp quan trọng để ta phát triển xuống vùng trung tuyến hoặc địch tiến ra vùng giải phóng.

Để khơi thông Đường số 13, địch huy động lực lượng lớn gồm không quân, xe tăng, thiết giáp, bộ binh, pháo binh đánh phá mạnh vào khu vực Tàu Ô-Xóm Ruộng. Thực hiện phương châm chỉ đạo chiến dịch “chốt cứng, chặn đứng”, giữ vững trận địa dài ngày, không cho xe dưới lên, trên xuống; với khẩu hiệu: “Một người là một mũi thép tiến công, một tổ là một trụ thép. Lấy vũ khí của địch để đánh địch, một người có thể sử dụng nhiều loại vũ khí”, từ ngày 5-4 đến 28-8-1972, trên đoạn đường dài gần 20km từ cầu Cần Lê đến nam Chơn Thành, lấy Tàu Ô làm điểm chốt chính, Sư đoàn 7 cùng quân và dân địa phương với lòng dũng cảm, sự mưu trí, sáng tạo, vận dụng linh hoạt cách đánh chốt kết hợp với vận động tiến công, đánh phục kích, tập kích, vây ép, bao vây, chia cắt, qua đó đánh bại các cuộc tiến công của địch, tiêu diệt hơn 8.000 tên địch, bắt 211 tên, bắn rơi và phá hủy 119 máy bay, 202 xe các loại, 102 khẩu pháo, 20 hầm đạn và nhiên liệu, thu 390 khẩu súng các loại. Địch thiệt hại nặng, buộc phải rút chạy khỏi khu vực tác chiến, từ bỏ ý đồ giải tỏa Đường số 13.

Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô trên Đường số 13 đã làm cho đế quốc Mỹ, ngụy Sài Gòn thiệt hại nặng nề, Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” bị đánh bại từng phần, ta từng bước ngăn chặn quân địch lấn chiếm, củng cố và mở rộng vùng căn cứ cách mạng, tạo tiền đề vững chắc cho quân chủ lực Miền đứng vững trên địa bàn chiến lược Đông Nam Bộ.

SƠN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chot-cung-chan-dung-o-tau-o-703953