Chống tác phong ba hoa sáo rỗng, xây dựng tác phong làm việc thực tế

Trong cán bộ chúng ta, quả thực có anh đáng gọi là 'kiện tướng' nói dài, ba hoa thiên địa. Vì khi nói, khi viết, họ không nghĩ rằng viết và nói cho ai, viết và nói để làm gì. Họ không có một sự điều tra nghiên cứu tối thiểu, họ không sát tâm lý quần chúng, không biết đến chuyện làm ăn của quần chúng.

Chúng ta không có một thứ thuế đánh vào cái bệnh nói dài và rỗng, nên có nhiều người nói thật là dài vô tội vạ. Hình như họ nghiện nói dài, không nói dài thì không chịu được. Đáng nói 5, 10 phút, họ cũng chơi cho hàng tiếng đồng hồ. Nếu chỉ nhìn về hình thức thì thấy họ ăn nói cũng chững chạc lắm, có hệ thống hẳn hoi, ai dám bảo họ là không am hiểu vấn đề nào? Không am hiểu vấn đề mà lại kể lại lịch tam tứ đại vấn đề vanh vách ra như thế à? Nhưng, khốn nỗi, đem đối chiếu với nhu cầu của cuộc sống thì những điều đó lại chẳng ăn nhập vào đâu! Bây giờ chúng ta có nhiều bài nói và bài viết như thế đấy, sai thì không sai, nhưng cắt đi thì hàng đoạn cũng chẳng chết ai, còn đỡ khổ cho người ta phải nghe, phải đọc nữa. Có thể nói đó là một thứ "bệnh ruột thừa" ở trong chúng ta.

Lại nói về họp. Có nhiều cuộc họp thật chẳng cần thiết cũng bắt người ta họp. Bởi vì có nhiều người thích nói dài nên cuộc họp cũng thường là kéo dài. Như chuyện kỷ niệm gì đó thì đã có tài liệu báo chí xuất bản rồi, anh cũng bắt người ta lên nghe diễn thuyết lại những bài đã đọc, anh chẳng có ý kiến gì mới, cũng nói như trong tài liệu, như thế để người ta ở nhà xem cũng được, chứ bắt lên đây làm gì? Như phong quân hàm, người ta đã được học tập chế độ, chính sách rồi, anh cũng bắt người ta ngồi một buổi để xác định thái độ, bắt con người ta ngồi như là "tù", như thế có ích gì? Cố nhiên, các đồng chí cũng hiểu rằng không phải tôi phủ nhận cần phải có những cuộc họp ra họp, cũng không phải là chủ trương bất cứ nói và viết vấn đề gì cũng phải ngắn mới tốt. Nhưng hiện nay chúng ta còn có nhiều cuộc họp không có vấn đề đáng phải họp, hội nghị lại thường không có chuẩn bị chu đáo, nhiều ông lại thích phát biểu "đại cà sa", như thế thì hỏi còn thì giờ đâu mà công tác và học tập?

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Phó bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phát biểu trong Đại hội Đảng II ở Chiến khu Việt Bắc, năm 1951. Ảnh tư liệu

Cách báo cáo và thảo chỉ thị của chúng ta cũng còn có nhiều vấn đề. Có thể đếm ở trong đó khối ý, khối lời đáng bỏ đi, sáo rỗng. Cái gì mà hơi một tý cũng phải rặt là "trên cơ sở" với lại "tăng cường...", "quán triệt thêm một bước..." rất chung chung, hình như thiếu những cái đó thì không thể thành chỉ thị và báo cáo được, y như là tụng kinh vậy. Báo cáo thì dày cộp, nhưng nội dung rỗng tuếch. Chỉ thị thì dây cà dây muống, đọc xong người ta không còn nắm được ý anh định nói gì.

Tại sao trong chúng ta lại còn cái bệnh sáo rỗng đó? Đó là vì trong chúng ta còn cái lối suy nghĩ tiểu tư sản, cái bệnh hình thức, cái bệnh chủ quan tách rời cuộc sống... Vì sao tác phong như thế còn tồn tại lâu ngày như vậy? Vì ta còn cho rằng cái này chẳng chê ai, thôi thì nói làm gì! Tức là vì sức đấu tranh chống lại tác phong như thế còn yếu quá. Nguyên nhân là do cách làm việc, cách suy nghĩ của chúng ta còn thoát ly thực tế, trái với tinh thần của Chủ nghĩa Mác là tinh thần chiến đấu cách mạng, liên tiếp sáng tạo, liên tiếp phát triển, không một phút tách rời thực tiễn...

Chúng ta đều biết rằng thực tiễn là muôn hình muôn vẻ và không ngừng phát triển lên trong cuộc đấu tranh giữa các mâu thuẫn. Nhiệm vụ của công tác chính trị là kịp thời phát hiện ra những mâu thuẫn trong đời sống của bộ đội, và chỉ đạo cho quần chúng cách khắc phục các mâu thuẫn đó để tiến lên. Chúng ta lại biết rằng cùng một thứ mâu thuẫn nhưng ở nơi này và nơi khác, lúc này và lúc khác, không bao giờ giống nhau như hai giọt nước. Như thế thì liệu chúng ta có thể giữ một thái độ giáo điều, công thức, rập khuôn đối với sự vật thực tế được không? Chúng ta viết gì, nói gì, mở một cuộc hội nghị gì cũng là nhằm để giải quyết một vấn đề nhất định, mà vấn đề tức là gì? "Vấn đề tức là mâu thuẫn của sự vật. Ở đâu có mâu thuẫn chưa giải quyết, tức là ở đấy có vấn đề". Nên tác phong của chúng ta không thể hời hợt, khuôn sáo, mà phải cụ thể, thiết thực. Chỉ có tăng cường quan điểm thực tiễn, khéo đi sâu điều tra nghiên cứu, phân tích và giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống, thì công tác chính trị của chúng ta mới có nội dung, mới có sức mạnh.

(Trích Bài nói của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hội nghị công tác chính trị toàn quân năm 1960)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/chong-tac-phong-ba-hoa-sao-rong-xay-dung-tac-phong-lam-viec-thuc-te-758816