Chống sạt lở bằng nhiều giải pháp thiết thực - Bài 1: Hiểm họa đe dọa cuộc sống

Gần 15 năm qua, từ khi những điểm sạt lở đầu tiên xuất hiện (năm 2009) ở vùng ven biển của tỉnh, cuộc chiến 'giành lại đất' của chính quyền và người dân cuối trời cực Nam chưa phút giây ngơi nghỉ. Hàng loạt những giải pháp kè từ vật liệu địa phương, kè bản nhựa, cho đến kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi, kè đá đổ, kè áp bờ... đã được triển khai trong bối cảnh nguồn lực còn nhiều khó khăn. Ðây là biểu hiện rõ nhất của nỗ lực, cố gắng, quyết tâm mà các cấp, các ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong hành trình giữ đất, giữ rừng cho thế hệ tương lai trước tác động của biến đổi khí hậu (BÐKH).

Sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh không còn quá xa lạ, bởi nó diễn ra thường xuyên, liên tục trên diện rộng. Tuy nhiên, đây luôn là dòng thời sự "nóng" bởi nó diễn biến phức tạp, hậu quả để lại lớn, khó khắc phục...

Cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Cà Mau đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ BÐKH - nước biển dâng, thiếu nguồn nước ngọt, sụt lún và sạt lở bờ sông, bờ biển. Các thách thức này đang tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống của người dân.

Luôn là chuyện “nóng”

Với đặc điểm địa hình tương đối bằng phẳng, thấp, trũng và được hình thành do phù sa bồi đắp nên phần lớn đất đai thuộc dạng mềm yếu, cùng với hệ thống sông, kênh rạch dày đặc. Song song đó, tỉnh Cà Mau phải chịu tác động của gió do bão, áp thấp nhiệt đới và các đới gió mùa gây ra hiện tượng nước dâng và những cơn sóng lớn tác động trực tiếp gây sạt lở bờ biển, bờ sông, nhất là đối với vùng cửa sông, ven biển. Do vậy, sạt lở bờ biển, bờ sông luôn là dòng thời sự “nóng” quanh năm.

Phó giáo sư, TS Tô Văn Thanh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, nhận định: “Do quá trình sạt lở xảy ra mạnh và thường xuyên, nên đường bờ biển bị dịch chuyển vào phía đất liền nhanh chóng, rừng ngập mặn và các công trình hạ tầng khác liên tục bị phá hủy. Ngoài ra, với sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo đã gây ra tình trạng sạt lở ven sông rất nghiêm trọng, sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô”.

Kết quả rà soát cho thấy, hiện nay tổng chiều dài bờ biển đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 91 km, với các mức độ khác nhau. Cụ thể, bờ biển Tây sạt lở nguy hiểm 22 km; bờ biển Ðông sạt lở đặc biệt nguy hiểm hiện khoảng 29,15 km, sạt lở nguy hiểm 40,3 km.

Kè rọ đá cũng là giải pháp đang được tỉnh áp dụng để áp mái đê, bảo vệ thân đê ở những nơi không còn rừng phòng hộ. (Ảnh chụp ngày 20/2/2024, tại đoạn đê biển thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời).

“Nếu các đoạn bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng không được triển khai bảo vệ khẩn cấp, không được xử lý kịp thời thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân trong khu vực, nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng tuyến đường Hồ Chí Minh và các công trình hạ tầng khác”, Phó giáo sư, TS Tô Văn Thanh cảnh báo.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, bờ biển Ðông Cà Mau từ năm 1990-2023 sạt lở trung bình khoảng 840 m (25,4 m/năm), với tổng diện tích mặt đất hoàn toàn lên đến 8.820 ha. Nhiều đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm có thể kể đến như: đoạn Hố Gùi - Gành Hào, chiều dài lở hơn 20 km, đường bờ biển bị lấn vào đất liền từ năm 1990-2023 khoảng 788 m và diện tích đất, rừng bị mất hơn 1.576 ha; đoạn cửa biển Hố Gùi chiều dài đoạn sạt lở hơn 8,8 km, đường bờ biển lấn vào đất liền từ năm 1990-2023 hơn 1,4 km, diện tích sạt lở mất hơn 1.266 ha; đoạn từ rạch Ô Rô - Kiến Vàng, chiều dài sạt lở hơn 9,5 km, đường bờ biển từ năm 1990-2023 đã lấn vào đất liền hơn 961 m, làm mất hơn 913 ha...

Bờ sông hiện nay cũng có hơn 425 km đang bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Thời gian qua, sạt lở bờ sông đã làm hư hỏng gần 28 km đường giao thông và hàng trăm căn nhà. Hiện tình trạng sạt lở tiếp tục có nguy cơ gây ảnh hưởng đến nhiều khu vực với diện tích hơn 3.700 ha, đe dọa đến nhà cửa, tài sản, sản xuất của người dân và nhiều hạ tầng quan trọng khác.

Bị động trước sạt lở

Thời gian qua tỉnh luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương trong thực hiện Kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Cùng với đó là sự cố gắng nỗ lực của địa phương, nhiều công trình phòng, chống sạt lở bờ biển đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Sau khi có kè bảo vệ bên ngoài, khu vực trong kè, đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh đã tạo bãi rất nhanh.

Toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thành gần 63 km kè bảo vệ bờ biển với tổng kinh phí 2.018 tỷ đồng. Trong đó, bờ biển Tây 43,8 km, kinh phí thực hiện khoảng 1.103 tỷ đồng; bờ biển Ðông 19,07 km, kinh phí thực hiện 915 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục triển khai thực hiện gần 42 km, với kinh phí 1.782 tỷ đồng.

Hiện các khu vực ven biển, ven sông sạt lở xảy ra mạnh và thường xuyên; khu vực ven sông, tình trạng sạt lở cũng không kém phần nghiêm trọng. Sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô. Theo ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh: “Thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ biển, bờ sông của tỉnh luôn trong tình trạng bị động, hầu hết các công trình triển khai theo tình huống khẩn cấp”.

Hiện nay, tổng chiều dài bờ biển của tỉnh đang tiếp tục sạt lở khoảng 89 km, với các mức độ khác nhau. Nhiều đoạn bờ biển đang sạt lở rất nhanh, cây rừng phòng hộ bị tàn phá nghiêm trọng. Theo thống kê, tổng chiều dài sạt lở ở mức đặc biệt nguy hiểm khoảng 31 km và nguy hiểm là khoảng 58 km.

Với các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm nói trên, tỉnh đã có Tờ trình số 09 TTr-UBND, xin được hỗ trợ 970 tỷ đồng để triển khai xây dựng 17,9 km kè. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư mới đề xuất hỗ trợ được khoảng 500 tỷ đồng. Ðối với 58 km sạt lở ở mức độ nguy hiểm hiện chưa có kinh phí thực hiện.

Mặt khác, trong khu vực nội đồng, nhiều đoạn bờ sông, nhất là những nơi đã xây dựng các công trình nhà ở, đường giao thông ven sông đang bị sạt lở rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Theo đó, hiện có 120 km chiều dài bờ sông đang trong tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm và hơn 305 km đang trong tình trạng sạt lở nguy hiểm và có nguy cơ sạt lở.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý Ðê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là tác động của BÐKH đã ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia thượng nguồn cũng như nội vùng ÐBSCL. Ðặc biệt là tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nội vùng ÐBSCL nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng diễn ra rất phức tạp và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới sạt lở ven biển, ven sông sẽ tiếp tục làm mất thêm rất nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ, sạt lở tiếp tục tiến sâu vào đất liền, uy hiếp đến nhiều công trình hạ tầng đã xây dựng bên trong.

Trong 5 năm gần đây, đê biển Tây nhiều lần bị sóng biển uy hiếp nhưng không đoạn nào bị phá vỡ, đó là thành quả từ sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền các cấp, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Công sức ấy đã được đền đáp bằng việc vừa bảo vệ được tính mạng và tài sản của Nhân dân, vừa bảo vệ trên 10.000 ha sản xuất ven biển.

Nguyễn Phú

Bài 2: Nhiều cách làm hay

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chong-sat-lo-bang-nhieu-giai-phap-thiet-thuc-bai-1-hiem-hoa-de-doa-cuoc-song-a31511.html