Chống phá giá trên thị trường vàng

Những bất ổn trên thị trường vàng trong nước hiện nay không chỉ nằm ở việc giá vàng đang bị đẩy lên quá cao, giao dịch trầm lắng và đôi lúc đi chệch với quy luật của thị trường khi thế giới hạ mà trong nước vẫn tăng mà còn ở những gian lận về tuổi vàng. Sự gian lận này là nguyên nhân chính tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong việ

CôngThương - Sau khi đạt mức 30 triệu đồng/lượng, nương theo đà tăng của thế giới, thị trường vàng trong nước không có dấu hiệu sụt giảm mà đều đặn tăng mỗi ngày vài chục ngàn đến trên dưới 100 ngàn đồng/lượng và đích 31 triệu đồng/lượng đã bị cán phẳng khi ngày 29/9 giá vàng đã lên tới 31,30 triệu đồng/lượng và đến ngày 1/10 giá của kim loại quý này vẫn trên 31,25 triệu đồng/lượng. Theo giới kinh doanh vàng bạc, thị trường trong nước đang có dấu hiệu mua vào nhiều hơn bán ra và không có sự lưu thông với thế giới bằng việc nhập khẩu về khiến các doanh nghiệp phải nâng giá mạnh để cân đối thị trường. Tại Hà Nội ngày 1/10, giá vàng Rồng Thăng Long và SJC vào lúc 9 giờ được giao dịch ở mức 3,20 - 31,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Một số thương hiệu vàng lớn như Rồng Thăng Long, SJC, SBJ… trong những ngày này lượng vàng bán ra áp đảo lượng vàng mua vào. Các doanh nghiệp này cho rằng, việc giá vàng leo thang liên tục thời gian qua đã bắt đầu tác động mạnh tới tâm lý người dân sau một thời gian thị trường phản ứng thận trọng trước sự tăng giá này. Với tâm lý thị trường vàn sẽ còn nhiều biến động nên không ít người đẩy mạnh mua vào dù giá bán đang ở vùng rất cao so với giá vàng thế giới quy đổi, đã tính thuế và các chi phí khác, giá vàng trong nước đang rẻ hơn giá thế giới tới 400 ngàn đồng/lượng. Cửa nhập thị trường vàng chưa mở, do các cơ quan quản lý nhà nước cần điều chỉnh cân đối cán cân thanh toán, hạn chế nhập siêu. Hơn nữa, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu: “Vàng không phải là một nhu cầu cấp thiết của xã hội, mức chênh lệch giá trong nước và thế giới không ổn định thì nhập khẩu về làm gì? Không thể tùy tiện nhập vàng để gây bất ổn cho nền kinh tế”. Trong khi thị trường vàng thế giới có những diễn biến đáng ngại về giá thị thị trường trong nước lại bước vào mùa cao điểm tiêu thụ vàng trang sức và không ít DN, cửa hàng đều trông vào khoản lợi nhuận bán mặt hàng này chứ không phải tiêu thụ vàng miếng. Có một thực tế đang diễn ra là giá vàng càng lên cao thì người kinh doanh vàng càng có cơ hội kiếm lợi nhuận bằng việc gian lận tuổi vàng. Đặc biệt, mức chênh lệch đôi khi không hợp lý ở khoảng cách mua vào - bán ra (thường được niêm yết giá chênh rất thấp) tái diễn để cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Thực tế, việc một số doanh nghiệp đã thu hẹp khoảng cách chênh lệch mua vào- bán ra, nhất là trong thời điểm giá vàng hạ, đã làm ảnh hưởng xấu đến thị trường kinh doanh vàng Việt Nam. Ông Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu chia sẻ: có thể nói chưa bao giờ thị trường vàng có hiện tượng cạnh tranh dẫn đến phá giá gay gắt như thời gian vừa qua, có DN bỏ ra gần 3 triệu đồng để mua một chỉ vàng mà chỉ thu lãi có 3.000 - 5.000 đồng, đây là một mức lãi gộp quá thấp chưa từng có từ trước đến nay. Trong khi đó trước đây, tại thời điểm giá vàng là 500.000đ/chỉ, mức lãi trung bình là 6.000 đến 10.000đ/chỉ. Nếu cứ thu hẹp khoảng cách như trên, sẽ gây thất thu lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là DN chỉ kinh doanh vàng miếng và vàng trao đổi. Thực tế trên thị trường kinh doanh vàng có những thời điểm đã từng đạt mức lãi gộp từ 20 đến 25 ngàn/1 chỉ, hay đơn cử như mấy ngày qua giá vàng lên cao thì sự chênh lệch giữa mua và bán được giãn rộng nhưng cũng chỉ ở mức 7.000 đồng/chỉ. Nguyên nhân chính của việc thu hẹp khoảng cách chênh lệch mua vào - bán ra của không ít cửa hàng kinh doanh vàng là để phá giá thị trường, đánh lừa người tiêu dùng bằng việc bán vàng trang sức thấp tuổi. Đơn cử, với mức chênh lệch thấp chỉ vài chục ngàn đồng/lượng vàng thì sẽ không đủ chi phí cho sản xuất, kinh doanh và nộp thuế nhưng các cửa hàng hay DN nhỏ vẫn đủ sức cạnh tranh với thương hiệu lớn bằng việc làm giảm tuổi vàng trang sức và sẽ thu được nguồn lợi nhuận lớn hơn nhiều so với việc niêm yết giảm giá chênh lệch bán - mua. Hành vi này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn khiến người tiêu dùng không tin tưởng và quay lưng lại với hàng nội địa, chuyển sang dùng hàng ngoại nhập, và là điều kiện để hàng nhập lậu gia tăng. Thực trạng này đã khiến các DN kinh doanh vàng bạc trên thị trường Hà Nội đã soạn thảo công văn về chống bán phá giá thị trường vàng, dự kiến gửi tới các cơ quan chức năng trong thời gian tới nhằm lành mạnh thị trường. Theo đó, với mong muốn cùng giữ gìn một thị trường vàng lành mạnh và thịnh vượng, không mua bán phá giá làm ảnh hưởng xấu đến thị trường vàng, các DN này đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp tích cực ngăn chặn tình trạng mua bán phá giá này. Cách giải quyết có thể là thống nhất giá và giãn rộng khoảng cách hợp lý giữa giá mua bán buôn và mua bán lẻ để bảo đảm lợi nhuận và sự tồn tại chung cho các doanh nghiệp. Được biết, sau khi đã tham khảo mức giãn giá (chênh lệch giữa giá mua và bán) qua những năm gần đây, nguyện vọng chung của các doanh nghiệp là đề nghị giãn khoảng cách giữa giá mua và giá bán là khoảng 1% (căn cứ từ thời điểm giá vàng 500.000đ/chỉ thì khoảng cách giãn giá giữa mua và bán là 5.000đ - 10.000đ/chỉ, tức là mức lãi gộp đạt 1% - 2% doanh thu). Duy Minh

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/tai-chinh-chung-khoan/chong-pha-gia-tren-thi-truong-vang/32/0/38775.star