Chống nóng cho người dân ở cơ sở khám chữa bệnh

Ngày 21/5, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi tới các bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước về việc phòng, chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế

Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây, thời tiết tại nhiều vùng trên cả nước có nắng nóng diện rộng, ảnh hưởng tới sinh hoạt người dân và môi trường làm việc.

Chuyên gia khuyến cáo để phòng chống bệnh do nắng nóng cần thực hiện các khuyến cáo các biện pháp bảo vệ sức khỏe do ngành Y tế đưa ra

Chuyên gia khuyến cáo để phòng chống bệnh do nắng nóng cần thực hiện các khuyến cáo các biện pháp bảo vệ sức khỏe do ngành Y tế đưa ra

Để phòng, chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu tại viện và ngoại viện.

Đồng thời, tập huấn lại kỹ năng cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt và đặc biệt là đột quỵ; sẵn sàng cấp cứu kịp thời người bệnh.

Mặt khác, phối hợp với các đơn vị truyền thông, trung tâm y tế dự phòng... trên địa bàn tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng, chống nắng nóng và thay đổi môi trường nhiệt độ đột ngột.

Các cơ sở y tế cần khẩn trương lắp đặt ngay mái che lối đi giữa các khối nhà và tại các khu vực ngoài trời có tập trung đông người nhà người bệnh.

Mặt khác, rà soát thực trạng thông khí tại các khu vực có nhiều người bệnh như sảnh chờ, hành lang... và các khoa điều trị, buồng bệnh, phòng hành chính...

Theo yêu cầu của Cục Quản lý khám chữa bệnh, các cơ sở y tế phải lập kế hoạch bổ sung quạt, điều hòa cho các khu vực cần thiết. Huy động các nguồn kinh phí mua quạt trần, quạt thông gió, quạt hơi nước hoặc máy điều hòa trong khả năng nguồn lực của bệnh viện.

Cùng với đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm cung cấp đầy đủ nước uống miễn phí cho người bệnh và người nhà người bệnh tại các khoa lâm sàng, sảnh chờ. Bổ sung cây nước uống tại các vị trí còn thiếu hoặc có nhu cầu tăng cao trong ngày nắng nóng.

Đối với bệnh viện có nguồn lực hạn chế hoặc gặp khó khăn trong công tác đấu thầu, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị phân công lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa phòng và phòng/tổ xã hội huy động các nguồn lực xã hội hóa, nhà hảo tâm, doanh nghiệp... chung tay chia sẻ khó khăn cùng bệnh viện; đầu tư, tài trợ các phương tiện quạt, điều hòa, cây nước uống... nhằm phục vụ, nâng cao sự hài lòng người bệnh và nhân viên y tế.

Liên quan đến tình hình sức khỏe của người dân trong thời tiết nắng nóng theo phản ánh của một số cơ sở y tế, hiện bệnh nhân nhập viện liên quan tới hô hấp tăng cao.

PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt cho biết thời tiết nắng nóng số bệnh nhân đến viện kiểm tra các bệnh lý tai mũi họng ngày càng tăng.

Trong số đó có nhiều bệnh nhân đến viện khi đã gặp biến chứng của bệnh do không chẩn đoán sớm được triệu chứng ban đầu.

Với căn bệnh viêm mũi dị ứng theo PGS.TS Hoài An cho biết, bệnh thường gặp nhất trong thời tiết chuyển mùa là viêm mũi dị ứng với các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi, nước mắt.

Viêm mũi dị ứng gây khó chịu và phiền toái cho người bệnh tuy nhiên nhiều người hay có thói quen tự mua thuốc về uống vì các triệu chứng giống như bệnh hô hấp. Đây là sai lầm hại sức khỏe vì khi bị viêm mũi dị ứng bác sĩ sẽ điều trị thuốc khác chứ không phải là kháng sinh.

Về bệnh viêm họng, theo đại diện Bệnh viện An Việt, triệu chứng đầu tiên của bệnh là đau họng khi nuốt nước bọt hay khi ăn, khàn tiếng, có những cơn ho do bị kích ứng ở đường hô hấp và có thể kèm theo cả sổ mũi.

Nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn hoặc do virus gây nên. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ dần nặng thêm và có thể dẫn đến viêm phổi, có những biến chứng cho cơ tim và van tim.

Do vậy chuyên gia cho rằng trong thời tiết nắng nóng này, cần bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, người già, người mắc bệnh mạn tính.

Cụ thể, với trẻ em, do đây là đối tượng dễ mắc các bệnh lý viêm đường hô hấp, cần áp dụng các biện pháp sau đây để phòng bệnh cho trẻ cần nuôi dưỡng trẻ tốt, dinh dưỡng đầy đủ.

Bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ càng lâu càng tốt, giúp trẻ giảm được nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp, viêm phổi, giảm độ nặng khi mắc bệnh viêm tiểu phế quản và hen suyễn.

Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và tự nguyện (phòng cúm, phế cầu, đặc biệt khi trẻ có bệnh mạn tính như hen suyễn). Uống vitamin A và các nguyên tố vi lượng khác (sắt, kẽm,...) theo hướng dẫn.

Tránh khói thuốc lá vì khói thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp và tăng nguy cơ viêm phổi, viêm tai giữa, tăng độ nặng và biến chứng lâu dài khi trẻ bị viêm tiểu phế quản.

Rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ - một biện pháp đơn giản, đã được chứng minh hiệu quả trong giảm nguy cơ mắc nhiễm khuẩn hô hấp. Không để trẻ tiếp xúc gần người bệnh.

Với người trưởng thành theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cần bảo đảm chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối để có sức đề kháng tốt: Thường xuyên vệ sinh răng miệng, giữ đều nếp đánh răng sau khi ăn và trước khi ngủ để tránh nhiễm trùng răng miệng. Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn ở răng, hàm, miệng, tai, mũi, họng để tránh vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới.

Nếu thấy có những biểu hiện khác thường như sốt, ho khạc đờm, khó thở, đau ngực... thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám xác định bệnh, điều trị kịp thời và tư vấn chăm sóc, tránh không để bệnh tiến triển nặng, gây các biến chứng nguy hiểm.

Tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột: Không tắm ngay sau khi vừa đi ngoài trời nóng về. Khi bật điều hòa, không nên để nhiệt độ trong phòng quá lạnh, nên bật điều hòa ở 25-26 độ C vào ban ngày và 27-28 độ C vào ban đêm khi đi ngủ, hạn chế ra vào thường xuyên phòng đang bật điều hòa.

Những ngày nắng nóng, nên tập thể dục buổi sáng sớm hoặc chiều muộn, hạn chế ra ngoài đường khi trời nắng cao điểm.

Đồng thời tránh một số thói quen có hại như: hút thuốc lá, thuốc lào. Khi hút thuốc, các lông chuyển trên bề mặt các tế bào biểu mô phế quản bị tê liệt, chuyển động rối loạn không đẩy chất nhầy lên được, các tế bào bảo vệ khác như các tế bào bạch cầu, đại thực bào cũng hoạt động không hiệu quả làm đường hô hấp dễ bị nhiễm khuẩn.

Nghiện rượu cũng làm suy giảm sức đề kháng chung của cơ thể. Khi uống rượu, người ta có cảm giác nóng, nên thường cởi bớt quần áo, khăn mũ và bật quạt mạnh, thậm chí có người tắm ngay sau khi uống rượu hoặc nằm phòng quá lạnh nên dễ bị viêm phế quản phổi.

Chưa kể các trường hợp uống rượu say quá bị nôn ra thức ăn, trong lúc nôn người đó dễ bị sặc các thức ăn, chất dịch dạ dày vào phế quản gây viêm phổi nặng.

Điều trị sớm và triệt để nhiễm khuẩn hô hấp trên: Khi bị viêm nhiễm đường hô hấp trên cần điều trị sớm và triệt để, tránh lan xuống phế quản, phổi.

Viêm phổi thường có xu hướng nặng hơn ở người trên 65 tuổi, hoặc ở những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh gan...

Do vậy, cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, tuân theo chế độ điều trị bệnh đang mắc. Tiêm phòng cúm hằng năm cũng giảm thiểu mắc các bệnh viêm đường hô hấp.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chong-nong-cho-nguoi-dan-o-co-so-kham-chua-benh-d190226.html