Chồng lôi kéo vợ và con gái thành… 'cát tặc'

Nguyễn Bá Quốc là người dân địa phương, có bãi tập kết vật liệu xây dựng tại đây. Khoảng cuối tháng 9, Quốc lợi dụng ban đêm, lén lút khai thác cát trái phép trên sông Đà.

Các bị cáo tại tòa.

TAND Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Bá Quốc, SN 1973, trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội, về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”. Cùng về tội danh, hầu tòa có các bị cáo: Nguyễn Thị Yến, SN 1974, ở Hà Nội, vợ bị cáo Quốc; Nguyễn Thị Sỹ, SN 1994, con gái Quốc; Đỗ Đăng Biển, SN 1992, trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội; Định Đức Soạn, SN 1981 - đều trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội; Kiều Văn Hoàng, SN 1995, trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội; Ngọ Văn Thỉnh, SN 1980, quê Bắc Giang; Trần Văn Hưng, SN 1976, quê Bắc Giang; Nguyễn Văn Tác, SN 1970, quê Hải Dương.

Theo cáo trạng, Nguyễn Bá Quốc có một phần diện tích trồng cây hàng năm ở bãi ngoài đê Minh Khánh và một phần diện tích đất công ích giao thầu để trồng cây hoa màu thuộc địa bàn xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Từ năm 2020, bị cáo không sử dụng để trồng cây mà sử dụng để kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng. Ban đầu, bị cáo mua cát đen của Cty TNHH Xây dựng và thương mại Phùng Hải (trụ sở ở Phú Thọ), dùng tàu hút cát đưa về bến, sử dụng máy xúc cát lên điểm tập kết rồi bán lại cho khách có nhu cầu.

Từ tháng 9/2022, mỏ cát trên lòng sông Đà của Cty Phùng Hải dừng hoạt động khai thác cát. Do có nhiều khách hàng muốn mua cát đen nên bị cáo đã chỉ đạo sáu lái tàu, phụ tàu gồm Hưng, Tác, Biển, Soạn, Hoàng, Thỉnh để điều khiển tàu ra giữa sông hút cát trái phép vào ban đêm. Thời gian khai thác thường là từ 8h tối hôm trước đến 4h30 sáng hôm sau. Cát khai thác được đưa về bến, rồi dùng máy xúc lên bờ, đổ vào xe ô tô của khách. Mỗi ngày các tàu hút được 2-3 chuyến cát, có thể nhiều hơn hoặc ít hơn phụ thộc vào thời tiết, số lượng khách đến mua.

Bị cáo Quốc không có giấy phép khai thác khoáng sản nhưng vì hám lợi, bị cáo đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Hưng, Tác, Biển, Hoàng, Thỉnh thực hiện hành vi khai thác cát trái phép tại lòng sông Đà. Vợ bị cáo là Nguyễn Thị Yến giúp chồng chỉ đạo nhân viên lái, hút, xúc cát, nhận tiền của khách rồi chuyến đến tài khoản của con gái là Nguyễn Thị Sỹ. Sỹ giúp bị cáo Quốc tổng hợp số lượng tàu hút cát, theo dõi thu chi, sổ công nợ hàng ngày, hàng tháng.

Đêm 5/11/2022, Tổ công tác của CQĐT CA Hà Nội và các đơn vị chức năng kiểm tra tàu HN 1720 đang hút cát do Nguyễn Văn Tác lái, Kiều Văn Hoàng phụ tàu. Thời điểm kiểm tra, Tác và Hoàng không có giấy phép khai thác cát nên tổ công tác lập biên bản rồi yêu cầu các đối tượng về CQĐT để làm rõ.

Quá trình điều tra, CQCA làm rõ, từ ngày 15/9 đến ngày 5/11/2022, bị cáo Quốc cùng Yến, Sỹ chỉ đạo khai thác 306 chuyến tàu cát, tổng khối lượng gần 91.000m3, tương đương với gần 5,9 tỉ đồng. Số tiền thu lời bất chính là 577 triệu đồng.

CQĐT thu giữ sổ chấm công của các bị cáo, trong đó thể hiện bị cáo Ngọ Văn Thỉnh khai thác ít nhất là 28 chuyến, bị cáo Trần Văn Hưng khai thác nhiều nhất là 130 chuyến, bị cáo Nguyễn Văn Tác tham gia khai thác 125 chuyến…

Do đó, tòa tuyên: Nguyễn Bá Quốc 4 năm 6 tháng tù, Trần Văn Hưng 36 tháng tù, Nguyễn Văn Tác 30 tháng tù, Đỗ Đăng Biển 24 tháng tù, Định Đức Soạn 18 tháng tù, Kiều Văn Hoàng 18 tháng tù, Ngọ Văn Thỉnh 9 tháng tù (nhưng cho hưởng án treo); Nguyễn Thị Yến và Nguyễn Thị Sỹ - mỗi bị cáo 30 tháng tù (nhưng cho hưởng án treo) về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.

Khi CQCA khám xét khẩn cấp các bãi tập kết vật liệu xây dựng và các địa điểm chiếm dụng để tập kết cát được khai thác trái phép, Quốc không xuất trình được giấy tờ, hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số lượng lớn cát hiện đang có dưới các tàu và trên các bãi tập kết và các phương tiện, máy móc mà Quốc đang quản lý và dùng để thực hiện hành vi vi phạm.

Bảo Lâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chong-loi-keo-vo-va-con-gai-thanh-cat-tac-343006.html