Chồng giỏi kiếm tiền, mẹ chồng đối xử tốt nhưng tôi 5 lần 7 lượt đòi ly hôn, đến lúc chồng đồng ý, tôi lại bối rối

Hà lại đòi ly hôn, nhưng lần này chồng cô không níu kéo, khiến Hà rất bối rối, không biết làm thế nào cho đúng.

Cuộc hôn nhân 6 năm của Hà khiến ai cũng ngưỡng mộ. Họ nói cô lấy được chồng tốt, nhà chồng giàu, chồng lại giỏi kiếm tiền, cũng không có mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, cả nhà đối với nhau tôn trọng như khách. Thế nhưng Hà lại luôn cảm thấy đau khổ và nhiều lần đòi ly hôn. Lần gần đây nhất, cuối cùng chồng cô cũng đồng ý, đó lại là lúc Hà bối rối vô cùng, không biết phải làm gì.

Hà năm nay 33 tuổi, là con gái duy nhất trong một gia đình bình thường ở thành thị. Cô là Giám đốc nhân sự của một công ty nước ngoài. Giả sử nếu ly hôn, với mức thu nhập của Hà thì chuyện nuôi sống bản thân và con gái 3 tuổi không thành vấn đề. Bố mẹ đẻ cũng tương đối nhàn rỗi nên có thể trông con giúp Hà. Chồng Hà có một công ty, thu nhập không hề nhỏ, gia cảnh tốt hơn gia đình Hà rất nhiều. Trong mắt người ngoài, cuộc hôn nhân của Hà cũng gọi là “chòi mâm son”.

Nhưng cuộc sống hôn nhân trong những năm qua lại khiến Hà không cảm nhận được hạnh phúc. Tính khí của chồng Hà rất kỳ quặc, Hà luôn là người nhường nhịn anh trước. Mỗi lần cãi nhau là Hà lại phải dỗ dành, cô nghĩ mình sẽ dần “cảm hóa” và thay đổi được anh. Nhưng Hà đã lầm, dù cố gắng thế nào cô cũng có cảm giác mình không thể đến gần chồng. Anh hầu như không thể hiện cảm xúc của mình, không bao giờ nói "Anh yêu em", và thậm chí, muốn một cái ôm của chồng khi buồn là một hy vọng hão huyền. Vào dịp kỷ niệm ngày cưới hay sinh nhật chồng, Hà đều chuẩn bị quà cẩn thận, cố gắng tạo cảm giác ấm áp và lãng mạn, nhưng biểu hiện của chồng luôn mờ nhạt, chỉ nói “Cảm ơn em", dường như không cảm động cũng không đáp lại. Đôi khi, Hà nghĩ chồng cô, bên ngoài là một người giàu có và hạnh phúc nhưng bên trong thì lạnh giá như băng.

Bố mẹ chồng cùng nhau lập nghiệp từ những năm đầu, giống như quan hệ đồng nghiệp thuần túy, ngủ phòng riêng, nói chuyện với nhau khách khí; hầu như không bao giờ cãi nhau. Chuyện mẹ chồng - nàng dâu thì mẹ chồng thỉnh thoảng phàn nàn vài câu, cũng nhanh chóng qua đi.

Thất vọng, Hà đã đề cập đến chuyện ly hôn một vài lần nhưng chồng kiên quyết cứu vãn nên cô đành bó tay. Sinh nhật Hà vào tháng trước, chồng cô nói công ty có việc quan trọng nên không tham gia được bữa tiệc mừng, lúc trở lại cũng không có bất kỳ biểu hiện nào. Trước khi đi ngủ, Hà thấy buồn nên ôm chồng, muốn anh an ủi mình, anh lại nói ngày mai công ty có cuộc họp, cần phải ngủ sớm. Đến lúc này, sự ấm ức trong lòng Hà bấy lâu nay bùng nổ, cô không chịu đựng được nữa và lại đòi ly hôn. Lần này chồng Hà không níu kéo, điều này lại khiến Hà bối rối, không biết làm thế nào cho đúng. Cả tháng nay hai vợ chồng cô bàn bạc chi tiết chuyện ly hôn. Hà đưa ra các điều kiện khắc nghiệt, muốn chồng giữ mình lại như những lần trước nhưng đồng thời cũng sợ phải trở lại cuộc hôn nhân nghẹt thở. Rốt cuộc Hà nên quyết định thế nào?

Lời khuyên:

Có thể hiểu được cảm giác của Hà trong tình huống này. Tất cả những gì cô muốn là một ngôi nhà ấm áp yêu thương, một người chồng ấm áp có thể đáp lại nhu cầu cảm xúc của mình, có thể ôm cô vào lòng để an ủi khi cô buồn. Nhưng đối mặt với người chồng luôn lý trí và biết kiềm chế, những mong muốn giản đơn ấy lại trở thành hy vọng xa vời; thế là Hà thấy buồn, hụt hẫng, giận, thậm chí tuyệt vọng, không cảm nhận được tình yêu của chồng và liên tục nghĩ đến chuyện ly hôn.

Nhưng Hà có thực sự muốn ly hôn? Hà chỉ đang bày tỏ sự không hài lòng của mình với chồng, chưa thực sự sẵn sàng để ra đi chứ đừng nói đến việc hạ quyết tâm. Xét cho cùng, Hà đã kết hôn nhiều năm, có với chồng một con gái chung, dành tình cảm cho chồng và vẫn còn nhiều tưởng tượng, kỳ vọng vào cuộc hôn nhân. Điều Hà muốn được chồng chứng minh là anh vẫn yêu cô, không muốn mất cô nên thường xuyên dùng “ly hôn” để “thử” tình cảm và nhu cầu của chồng đối với mình. Nhưng điều này tương đương với việc uống thuốc độc để làm dịu cơn khát, nhiều lần “thử” cuối cùng thành “thật”; mang lại cho Hà sự cay đắng lớn và đẩy Hà vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi không thể ly hôn. Nhưng trên thực tế, những gì chồng Hà thể hiện có thực sự cho thấy anh không yêu vợ?

Cách đối mặt với cảm xúc của một người phần lớn học được từ gia đình nơi anh ta được sinh ra. Như Hà đã nói, bố mẹ chồng hòa thuận như tình đồng nghiệp, sống có cảm giác hơi xa cách; cách cư xử, ngôn ngữ họ dùng với nhau cũng rất khách khí. Có thể vì từ nhỏ đã luôn chứng kiến cuộc hôn nhân của bố mẹ như vậy nên tự nhiên chồng Hà cũng sẽ thể hiện những đặc điểm này trong mối quan hệ nam - nữ:

1. Giữa vợ chồng có một chút khoảng cách, không đủ gần gũi;

2. Biểu hiện tình yêu tương đối kém và không giỏi bộc lộ cảm xúc;

3. Sẽ kìm nén ham muốn nội tâm đối với mối quan hệ nam nữ, đặc biệt là không giỏi thể hiện sự tiếp xúc cơ thể thân mật.

Khi hiểu được điều này, Hà sẽ hiểu rằng khi cô liên tục đòi hỏi chồng về những biểu hiện rõ ràng và đáp lại tình yêu thực sự chẳng khác nào đang xin nước ở nơi không có nguồn và sẽ phải thất vọng vì chồng không có khả năng này. Để cứu vãn cuộc hôn nhân, Hà nên học cách hướng dẫn và phát triển khả năng của chồng một cách từ từ, đúng đắn, có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia.

5 cách giải rượu 'thần tốc' cho người say

Theo Bảo Châu

Vietnamnet

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/chong-gioi-kiem-tien-me-chong-doi-xu-tot-nhung-toi-5-lan-7-luot-doi-ly-hon-den-luc-chong-dong-y-toi-lai-boi-roi-17222010708264853.htm