Chống buôn lậu: Xử lý tận gốc rễ

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2010 đến hết 2013, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ xử lý hơn 828.000 vụ buôn lậu và hàng giả.

CôngThương - Trong nhiều năm qua, các lực lượng chức năng đã thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, tuy nhiên công tác phòng, chống buôn lậu còn gặp nhiều khó khăn do khối lượng công việc nhiều, lực lượng quá mỏng, trang thiết bị hỗ trợ thiếu thốn, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh...

Riêng lực lượng quản lý thị trường (QLTT) của Bộ Công Thương có khoảng 5.200 cán bộ, nhưng lại thực hiện nhiều công việc chuyên môn như chống sản xuất buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; hàng cấm, hàng kinh doanh có điều kiện; gian lận thương mại và hàng nhập lậu. Trong khi đó cả nước có tới khoảng gần 4 triệu tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, tính trung bình mỗi cán bộ phụ trách khoảng trên 600 đơn vị.

Mặt khác, chi cục QLTT các tỉnh trực thuộc Sở Công Thương, chịu sự quản lý hành chính và phân công công việc của địa phương, cho nên công tác chỉ đạo từ Trung ương nhiều khi gặp khó khăn.

Để thực thi công tác chống buôn lậu có hiệu quả, cần phải có nhân lực, công cụ hỗ trợ, sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan, đặc biệt là sự vào cuộc của chính quyền địa phương và nhân dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Thanh Lam- Phó Cục trưởng Cục QLTT- cho biết: Tình hình buôn lậu ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi, trong đó có cả các yếu tố nước ngoài. Mặc dù biết là vi phạm pháp luật nhưng vì lợi nhuận cao nên các đối tượng tìm mọi cách thức để buôn lậu.

Ngoài các chỉ thị, chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Ban 127, Cục QLTT đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, tập trung vào những mặt hàng quan trọng. Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng các đề án phòng chống buôn lậu thuốc lá, thủy sản, phân bón và nhiều mặt hàng quan trọng khác. Tuy nhiên, để thực thi công tác chống buôn lậu có hiệu quả, cần phải có nhân lực, công cụ hỗ trợ, sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan, đặc biệt là sự vào cuộc của chính quyền địa phương và nhân dân.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để công tác phòng chống buôn lậu có hiệu quả cần xử lý tận gốc rễ. Cần ngăn chặn các hoạt động buôn lậu diễn ra ở các tỉnh giáp biên giới và qua các cảng hàng không, cảng biển quốc tế. Hoạt động buôn lậu thường liên quan đến một số “trùm”, tổ chức thành đường dây, nên tập trung “đánh” vào đối tượng này. Cần phải có chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho cư dân vùng biên. Đặc biệt, cần hoàn thiện thể chế pháp luật, có chế tài đủ sức răn đe đối với tất cả các đối tượng vi phạm, đồng thời đầu tư cho lực lượng phòng chống buôn lậu như: Tăng thêm nhân sự, công cụ hỗ trợ công tác, tăng thêm quyền hạn và các chế độ khác, tránh những tiêu cực xảy ra.

Vũ Sơn

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/quan-ly-thi-truong/48582/chong-buon-lau-xu-ly-tan-goc-re.htm