Chống buôn lậu sẽ không hiệu quả nếu không ngăn chặn từ biên giới

'Ở đâu bây giờ nhìn cũng ăn mặc đẹp, dùng đồ toàn hàng hiệu nhưng đều dễ dàng nhìn ra đa số là hàng giả. Một đất nước đang hội nhập sâu rộng, đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền, trên đà phát triển thì không thể dựa trên tư tưởng dễ dãi cho các vi phạm sở hữu trí tuệ mà nói trắng ra là dùng hàng giả, hàng nhái'...

Ông Trần Tuần Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho hay trong buổi làm việc với Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn hôm nay (23/1). Đồng thời nhấn mạnh, đây là trách nhiệm chung của chúng ta và không thể thờ ơ được.

Theo ông Trần Tuấn Anh, phòng chống buôn lậu là trach nhiệm chung, không thể thờ ơ ( ảnh: Minh Nhật)

Còn theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 Lạng Sơn, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2019 nhìn chung giảm so với năm 2018, nguyên nhân do các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, theo quy luật hàng năm, từ tháng 10/2019 đến nay, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến tăng so với các tháng trong năm.

Phương thức thủ đoạn mà các đối tượng thường áp dụng đó là mang vác nhỏ lẻ hàng hóa qua một số đường mòn lối mở biên giới, sau đó sử dụng hóa đơn bán hàng, hóa đơn GTGT để lưu thông trên thị trường… Hàng hóa nhập lậu chủ yếu là đồ điện, hàng may mặc, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em…Trong đó có nhiều mặt hàng là hàng giả, hàng cấm trà trộn với các loại hàng hóa lưu thông khác.

Về tình hình gian lận thương mại tại khu vực biên giới, ông Đặng Văn Ngọc, quyền Cục trưởng Cục QLTT Lạng Sơn cho hay, các đối tượng lợi dụng kẽ hở liên quan đến thủ tục hải quan khai báo sai về số lượng, chủng loại, lợi dụng chính sách hàng hóa chuyển cảng, chuyển khẩu…để thực hiện các hành vi nhập lậu, gian lận thương mại hàng hóa…

Còn trong khu vực nội địa các đối tượng thường thực hiện các hành vi gian lận về số lượng, chất lượng, giả hàng hóa ghi trên hóa đơn, gian lận trong kinh doanh đa cấp, giới thiệu sản phẩm, bán hàng qua ứng dụng thương mại điện tử sau đó lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để vận chuyển hàng lậu, hàng giả qua đường chuyển phát nhanh.

Theo đó, trong năm 2019, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra trên 6.300 vụ, xử phạt hành chính trên 131 tỉ đồng. Riêng trong tháng 1/2020, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 626 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 463 vụ với tổng số tiền xử phạt trên 24 tỉ đồng. Đã khởi tố 65 vụ và 81 đối tượng.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa

Với sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng, hoạt động buôn lậu đã giảm đáng kể so với thời gian trước. Song ông Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, năm 2020 chưa thể nói được buôn lậu sẽ giảm đi, bởi cơ cấu kinh tế thương mại của 2 nước Việt Nam và Trung Quốc vẫn duy trì tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại. Vì vậy, năm 2020 cần xác định những nhiệm vụ trọng tâm, nhất là khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế.

“Nếu lực lượng Biên phòng mà để lọt buôn lậu thì đến nội địa thì sẽ mở rộng ra chân rết của nó thì 100 ông QLTT cũng không bằng 1 đồng chí Biên phòng làm tốt ngăn chặn ngay từ đầu, và nếu 100 ông QLTT không làm tốt thì ảnh hưởng đến cả 1.000 doanh nghiệp trong sản xuất vì nó đánh thẳng vào khẩu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”- Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho hay.

Do đó, ông cho rằng, cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ 2020, đó là thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, của BCĐ 389 quốc gia trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tiếp tục từ thực tiễn của mình đóng góp cho các chính sách của nhà nước để hoàn thiện, cập nhật bổ sung đảm bảo công tác quản lý, điều hành.

Cùng với đó, sự phối hợp với các lực lượng chức năng cần cụ thể để tăng cường hơn nữa sự phối hợp, kể cả trong việc chia sẻ dữ liệu, thông tin…

Minh Nhật

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-phap-luat/chong-buon-lau-se-khong-hieu-qua-neu-khong-ngan-chan-tu-bien-gioi-81899.html