Chọn lọc vấn đề bức xúc, hiểu rõ thẩm quyền, thực tiễn giải quyết

Lắng nghe để thu thập ý kiến cử tri là khâu tiếp nhận thông tin từ cuộc sống, tiếp nhận ý chí, nguyện vọng của nhân dân; đây là khâu đầu trong quy trình giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri nhưng là khâu hết sức quan trọng. Không bỏ sót, không hiểu sai và đặc biệt là chọn lọc vấn đề bức xúc, vấn đề lớn, hiểu rõ thẩm quyền, trách nhiệm, thực tiễn giải quyết của các cấp, các ngành... để có hướng xử lý đúng đắn. Tránh việc tiếp nhận ào ào, không có sự chọn lọc, dễ dẫn đến không có trọng tâm, trọng điểm, trở thành hình thức.

Lắng nghe để thu thập ý kiến cử tri là khâu đầu trong quy trình giải quyết kiến nghị của cử tri nhưng là khâu hết sức quan trọng. Ảnh: Thu Dịu

Đa dạng cách thức thu thập ý kiến, kiến nghị

Trên thực tế, việc thu thập ý kiến, kiến nghị cử tri của đại biểu HĐND được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và rất phong phú. Ngoài tiếp xúc cử tri (TXCT) theo định kỳ trước và sau kỳ họp, các đại biểu HĐND cần chủ động tăng cường mối liên hệ mật thiết với cử tri, thông qua các hoạt động của mình, kết hợp với hoạt động của cơ quan, tổ chức khác, hoạt động chuyên môn; thông qua các ý kiến trực tiếp của cử tri, qua sinh hoạt và các hoạt động tại cộng đồng khu dân cư nơi đại biểu cư trú và công tác; thông qua các cơ quan thông tin đại chúng; thông qua các cơ quan có chức năng nghiên cứu dư luận xã hội, thông qua các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp…

Quá trình TXCT, đại biểu cần lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải thích, tuyên truyền cho cử tri biết về đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước và trả lời những ý kiến, kiến nghị của cử tri; ghi nhận, thu thập những ý kiến xác đáng của cử tri gửi đến HĐND để tổng hợp chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh trong báo cáo gửi HĐND bao gồm cả ý kiến, nguyện vọng trong hoạt động thu thập ý kiến của cử tri mọi lúc, mọi nơi và hoạt động TXCT của đại biểu HĐND theo quy định. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được các đại biểu thu thập, tổng hợp để phản ánh với UBND và các cơ quan hữu quan. Đại biểu có thể sử dụng những thông tin thu thập, kiểm chứng được để bày tỏ quan điểm của mình khi thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết và các vấn đề quan trọng khác của địa phương trong hoạt động giám sát và chất vấn UBND, các thành viên của UBND, Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND tỉnh.

Để kiến nghị của cử tri không “chạy lòng vòng”

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp, chắt lọc để đại biểu xử lý kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, HĐND không phải là cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vụ việc, ý kiến cụ thể mà thực hiện trách nhiệm đại diện, trách nhiệm giám sát. Kết quả giải quyết cần được tổng hợp bằng văn bản gửi về Thường trực HĐND tỉnh để theo dõi tổng hợp chung phục vụ hoạt động giám sát và trả lời cử tri. Đối với những ý kiến, kiến nghị của cử tri đại biểu nhận thấy là vấn đề xác đáng, cần chuyển đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì làm văn bản chuyển ý kiến, kiến nghị đến cơ quan thẩm quyền giải quyết và tự mình theo dõi, đôn đốc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, trả lời cử tri.

Để việc chuyển ý kiến đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, HĐND cần nắm rõ chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành chuyên môn trực thuộc UBND. Mặt khác, những ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh đến, đại biểu cần theo dõi, đôn đốc xem xét giải quyết và trả lời cử tri; tránh tình trạng “rơi vào quên lãng”. Đối với những văn bản trả lời mà đại biểu cũng như cử tri chưa đồng tình thì cần tiếp tục yêu cầu các cơ quan đó làm rõ những vấn đề cử tri nêu. Như vậy, việc tổng hợp, phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri có vai trò rất quan trọng trong việc xem xét, giải quyết kịp thời, có hiệu quả và để kiến nghị của cử tri không “chạy lòng vòng”. Đồng thời, nâng cao vị thế, vai trò trách nhiệm của người đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân.

Đối với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, để việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri có chất lượng cần phối hợp với cơ quan hữu quan nắm bắt được những vấn đề bức xúc liên quan. Những ý kiến, kiến nghị được tổng hợp trong báo cáo cần rà soát, đối chiếu với các văn bản trả lời tại các kỳ họp trước; nội dung báo cáo tổng hợp cần có sự phân loại ý kiến là tâm tư, nguyện vọng, mong muốn với các ý kiến, kiến nghị về những vấn đề cụ thể. Những ý kiến, kiến nghị về vấn đề cụ thể, cần nhóm thành các đề nghị theo thẩm quyền và trình bày rõ ràng, mạch lạc.

Những ý kiến, kiến nghị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lời, nhưng việc thực hiện chưa có chuyển biến đáng kể, hoặc chưa đáp ứng được nội dung cử tri đề nghị thì tiếp tục kiến nghị, nhưng cần nói rõ ý kiến, kiến nghị đó đã được trả lời, nhưng cử tri tiếp tục yêu cầu để các cơ quan có trách nhiệm giải quyết trả lời trực tiếp. Những vấn đề cử tri kiến nghị trong báo cáo của Thường trực HĐND phải nêu rõ địa chỉ của nơi cử tri có ý kiến.

Hạnh Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/chon-loc-van-de-buc-xuc-hieu-ro-tham-quyen-thuc-tien-giai-quyet-i363742/