Chọn hình thức tuyên truyền phù hợp để nâng cao nhận thức, đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới

Thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ trên toàn quốc đã lựa chọn những hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả để nâng cao nhận thức, chung tay đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em.

Bà Dương Ngọc Linh (giữa) tại chương trình giao lưu kết nối mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế cho phụ nữ ở TP Cần Thơ.

Nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, diễn ra từ ngày 15/11 đến ngày 15/12/2023, Báo PNVN đã có cuộc trò chuyện cùng bà Dương Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, xung quanh vấn nội dung nâng cao nhân thức, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

- Có thể thấy bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em được tồn tại theo hình cách thức khác nhau, luôn âm ỉ trong đời sống. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về thực trạng này?

Bà Dương Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển

Bà Dương Ngọc Linh: Theo số liệu từ Báo cáo Điều tra Quốc gia năm 2019 về tình hình bạo lực đối với phụ nữ, cứ 3 phụ nữ thì có 2 phụ nữ chịu ít nhất một hình thức bạo lực. Đấy là con số mà chúng ta công bố rất rõ và phải công khai để thấy tình hình bạo lực đang có chiều hướng gia tăng.

Ngôi nhà Bình yên của Hội LHPN Việt Nam bắt đầu vận hành từ năm 2007 với nhiều hoạt động miễn phí, đầy đủ các dịch vụ toàn diện cho phụ nữ và trẻ em nằm trên cơ sở. Trong suốt 16 năm hoạt động, đến nay đã có gần 1700 chị em đến với Ngôi nhà Bình yên Trong đó số chị em bị bạo lực gia đình chiếm gần 80%, còn lại là các chị em bị mua bán người. Đau lòng nhất là số chị em đến với Ngôi nhà Bình yên bị đến ¾ hình thức bạo lực trên cơ sở giới, có nghĩa và mức độ về bạo lực càng ngày càng gia tăng.

Qua tất cả những số liệu trên, chúng tôi muốn nói rằng: Với sự vào cuộc của các cơ quan, tình hình về bạo lực trên cơ sở giới đã có kết quả khích lệ. Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều điều còn phải tiếp tục thực hiện. Chúng tôi nhận thấy bạo lực hiện nay không dừng lại ở đối tượng là phụ nữ nông thôn hay người có trình độ văn hóa thấp mà tất cả mọi phụ nữ từ người có trình độ văn hóa cao, đến các em nhỏ, phụ nữ lớn tuổi.. đều có nguy cơ bị bạo lực giới.

- Đây thực sự là những con số đáng báo động về thực trạng bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em. Vậy những nguy cơ gì có thể xảy ra đối với các nạn nhân bạo lực?

Bà Dương Ngọc Linh: Chúng tôi nhận thấy rất rõ: Khi bạo lực xảy ra sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cả người bị bạo lực và người gây ra bạo lực và đặc biệt là ảnh hưởng đến cả con cái trong gia đình.

Xét về khía cạnh vĩ mô, trong báo cáo Điều cho quốc gia cho thấy GDP của chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng bạo lực và con số công bố là bạo lực làm GDP bị ảnh hưởng giảm đi 1,6%.

Còn đối với phạm vi của xã hội và gia đình, tôi thấy khi xảy ra tình hình bạo lực sẽ gây ra các vấn đề tâm lý cần thời gian điều trị. Người bị bạo lực có thể điều trị về thể chất rất nhanh nhưng vấn đề tâm thần, tâm lý hoảng loạn thì kéo dài không phải chỉ 1 năm, 2 năm mà thậm chí suốt cuộc đời. Đặc biệt là con cái trong một gia đình chứng kiến cảnh bố mẹ xảy ra bạo hành sẽ bị ảnh hưởng đến việc hình thành một nhân cách sau này.

Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy thêm một việc nữa về mặt tâm lý đối với xã hội. Những người bị bạo lực bị ảnh hưởng về mặt thể chất thì rõ ràng cũng ảnh hưởng đến tinh thần, công việc của họ. Họ không còn muốn hòa nhập, họ luôn luôn thu mình lại vì mặc cảm, vì cảm thấy không yên tâm. Vì thế năng suất lao động cũng bị ảnh hưởng.

Cấp Hội đã và đang có những chương trình hành động hiệu quả để truyền thông nâng cao nhận thức, ngăn ngừa bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ quyền và lợi ích cho phụ nữ và trẻ em.

- Về phía Hội LHPN Việt Nam, các cấp Hội đã và đang có những chương trình hành động gì để ngăn ngừa bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ quyền và lợi ích cho phụ nữ và trẻ em, thưa bà?

Bà Dương Ngọc Linh: Thực tế có một con số rất đáng phải suy nghĩ là chỉ có 10% những phụ nữ bị bạo lực tìm đến các cơ quan chức năng hoặc tìm đến các nơi cung cấp hỗ trợ cho mình để giải quyết vấn đề bạo lực. Còn lại 90% không tìm đến trợ giúp. Điều này thể hiện là họ không yên tâm nên họ không tìm đến một sự trợ giúp để giải quyết vấn đề bạo lực mà họ đang gặp phải.

Trước thực trạng đó, Hội LHPN Việt Nam cũng đã vào cuộc. Chúng tôi đặt ra chỉ tiêu trong nhiệm kỳ là 70% số vụ bạo lực sẽ tìm đến tổ chức Hội phụ nữ cấp cơ sở để nhận được sự trợ giúp. Và trong nhiệm kỳ này, chỉ tiêu đã tăng lên là 80%. Đây là chỉ tiêu để chúng tôi đánh giá hoạt động của các cấp hội trên cơ sở.

Để thực hiện nội dung này, đầu tiên, chúng tôi tập trung vào tuyên truyền, giúp cho chính bản thân chị em phụ nữ nhận diện được thế nào là bạo lực trên cơ sở giới và vai trò của Hội phụ nữ trong việc cùng với chị em mình giải quyết những vấn đề này. Cách thức tuyên truyền của chúng tôi cũng có nhiều đổi mới. Chúng tôi nhận thấy: Nếu hội phụ nữ đi nói về vấn đề bạo lực mà trong đó đối tượng bị bạo lực nhiều nhất chính là phụ nữ thì hiệu quả không cao. Chúng tôi đã có rất nhiều các hình thức tuyên truyền đặc biệt. Ví dụ, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã học tập mô hình Bữa sáng Ruy-băng trắng của Úc. Chúng tôi mời các vị nam giới đến cùng ăn sáng, cùng trao đổi về một chủ đề nào đó về vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, để chính những người đàn ông người bàn luận đưa ra các giải pháp phòng chống bạo lực giới. Chúng tôi thấy đây là cách làm rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, tại các phiên chợ, chúng tôi cũng tổ chức tuyên truyền về vấn đề phòng chống bạo lực, hướng tới đối tượng là những người vùng sâu, vùng xa, vùng cao để phụ nữ hiểu về vấn đề bạo lực.

Qua các ví dụ trên, tôi muốn nhấn mạnh: Tuyên truyền là đúng nhưng phải chọn hình thức tuyên truyền phù hợp và đưa được cả hệ thống chính trị tham gia.

Các chương trình tuyên truyền về vấn đề phòng chống bạo lực, hướng tới đối tượng là những người vùng sâu, vùng xa, vùng cao.

Thứ hai, chúng tôi tập trung vào vấn đề chính sách để các văn bản hoặc chính sách pháp luật được ban hành trong thời gian tới sẽ lưu tâm đến bạo lực trên cơ sở giới.

Thứ ba mà chúng tôi cũng đang rất tập trung là nâng cao dịch vụ các dịch vụ hỗ trợ cho những phụ nữ đã bị bạo lực. Cụ thể, Tổng đài của Ngôi nhà Bình yên hiện được nâng cấp lên, có thể tiếp nhận 100 cuộc gọi cùng thời điểm. Hiện nay chúng tôi đã mở rộng thêm một cơ sở Ngôi nhà bình yên tại Cần Thơ và có kế hoạch mở tại Quảng Bình cho phụ nữ miền Trung. Ngoài ra còn có Văn phòng dịch vụ một điểm đến OSSO tư vấn cho những phụ nữ di cư…

Các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế được triển khai tại nhiều địa phương

Thứ tư, Hội LHPN Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động để tuyên truyền, hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới. Đặc biệt trong đó phải kể đến việc tập trung giúp cho phụ nữ tăng quyền năng của họ. Phụ nữ phải chủ động trong gia đình, từ thu nhập, từ việc ra quyết định... Chúng tôi đang triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, vận động thành lập các hợp tác xã, hướng dẫn cách thức kinh doanh tạo sinh kế hay chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số… nhằm mục tiêu là tăng quyền năng cho phụ nữ , để họ có thể chủ động ra quyết định và là người quyết định thu nhập cho gia đình. Có như thế bạo lực mới dần bị xóa bỏ.

- Xin cảm ơn bà!

Nhóm PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chon-hinh-thuc-tuyen-truyen-phu-hop-de-nang-cao-nhan-thuc-day-lui-bao-luc-tren-co-so-gioi-20231126110701317.htm