Chọn giờ cúng Rằm tháng Giêng để có một năm bình an và no đủ

Người Việt luôn có quan niệm 'Giỗ Tết cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng'. Vào ngày này người dân thường đi lễ chùa, đồng thời làm lễ cúng Phật và gia tiên để cầu mong những điều tốt lành cho bản thân và gia đình.

Cúng Rằm tháng Giêng vào giờ nào tốt nhất?

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Lý Khắc Cung trong sách Hà Nội văn hóa và phong tục (Nhà xuất bản Hồng Đức, 2014), vào Rằm tháng Giêng, tất cả đình, chùa, đền, miếu… đều thắp đèn nến sáng trưng.

Người ta thường cúng Rằm tháng Giêng trước đó mấy ngày, trong đó ngày 14 là ngày tưng bừng nhất.

Người Việt luôn có quan niệm "Giỗ Tết cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng" (Ảnh: Trần Huyền).

"Không phải ngẫu nhiên tập tục coi ngày Rằm tháng Giêng là ngày đẹp nhất trong một năm, coi lễ vật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng… Nó tồn tại với tinh thần cao cả và với vẻ đẹp thiêng liêng ăn sâu vào lòng người dân Việt", ông Cung nhận định.

Năm nay, Rằm tháng Giêng (hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu) vào thứ bảy, ngày 24/2. Cụ thể, diễn ra từ giữa đêm 14 (đêm trước trăng Rằm) đến hết ngày 15 (đêm trăng Rằm) của tháng Giêng âm lịch.

Về thời gian cúng Rằm thì tốt nhất nên thực hiện vào sáng 24/2 (tức ngày 15 âm lịch). Tuy nhiên, tùy vào điều kiện mỗi gia đình có thể cúng trước vào ngày 23/2 (tức ngày 14 âm lịch).

Mâm cỗ cúng Rằm thịnh soạn và đầy đủ hơn

Rằm tháng Giêng cũng được người Việt quan niệm như ăn Tết lần 2, vậy nên các gia đình đều chuẩn bị mâm cúng thịnh soạn, đầy đủ hơn, cầu một năm bình an, no đủ.

Cụ thể, mâm cỗ cúng hầu như không thể thiếu thịt gà, xôi gấc và các món khác để tạo thành một mâm cỗ truyền thống của người Việt.

Mâm cỗ cúng ngày Rằm tháng Giêng (Ảnh minh họa).

Chia sẻ về truyền thống chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng của gia đình, chị Lê Thị Thủy (công chức về hưu tại Hà Nội) nói: "Đã nhiều năm nay, gia đình tôi luôn làm một mâm cỗ chay cúng Phật và mâm cỗ mặn cúng gia tiên trong ngày Rằm tháng Riêng".

"Mỗi năm gia đình tôi chuẩn bị các Lễ vật khác nhau. Tuy nhiên, ngoài chuẩn bị hương, hoa tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu thì gia đình chuẩn bị một mâm cỗ chay cúng Phật thường gồm các món: Hoa quả, chè, xôi, rau xào, bánh trôi nước...

Mâm cỗ mặn cúng gia tiên có tổng cộng tròn 10 món (4 bát, 6 đĩa). 4 bát gồm bát canh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc. 6 đĩa gồm thịt gà trống (hoặc thịt lợn, chân giò nguyên cái), giò (hoặc chả), nem rán, rau xào, dưa góp, xôi (hoặc bánh chưng), nước chấm", chị Thủy chia sẻ thêm.

Trần Huyền

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/chon-gio-cung-ram-thang-gieng-de-co-mot-nam-binh-an-va-no-du-20240223083118772.htm