Chơi bóng cười ảnh hưởng sức khỏe thế nào?

Khác với các loại bóng thông thường, loại bóng cười đang được giới trẻ, thanh thiếu niên ưa thích vì khi thổi bóng, nó sẽ tạo ra những tràng cười sảng khoái. Ngày càng có nhiều em nghe lời rủ của bạn bè thử chơi loại bóng kỳ lạ này. Thế nhưng, các em có biết mức độ nguy hại đến sức khỏe của loại bóng này không?

Em Nguyễn Khánh Hoa (Lớp 9G, Trường THCS Ái Mộ):

- Em thấy người ta bán loại bóng này khá nhiều tại các cửa hàng, quán cafe buổi tối ở khu vực phố cổ. Thậm chí, ăn theo trào lưu bóng cười, ngày càng có nhiều quán bán hàng cho trẻ em cũng cung cấp bóng cười. Giá bóng khá rẻ, chỉ vài chục nghìn một quả nên các bạn cũng dễ dàng mua được để chơi. Em thấy nhiều bạn đã chơi bóng cười cho biết loại bóng này khá dễ chơi. Chỉ cần dùng miệng ngậm vào đầu bóng, hít ngược khí trong bóng vào, rồi thổi lại cho quả bóng to lên, làm bốn, năm lần như vậy cho đến khi bóng xẹp thì sẽ cảm thấy buồn cười, nổ những tràng cười thoải mái. Thú thực là nghe khá hấp dẫn nên bạn nào cũng muốn thử chơi một lần cho biết, em cũng đã có ý định chơi thử. Nhưng khi nhìn những quả bóng xanh đỏ, các bạn chơi thổi bóng xong rồi cứ cười rũ rượi như... điên, em lại thấy sợ quá. Dù không biết tác hại của nó như thế nào, nhưng em sẽ không chơi thử.

Em Đỗ Tiến Lợi (Lớp 8A, Trường THCS Đoàn Kết):

- Tuần trước, trong buổi sinh nhật bạn em, bạn ấy cũng mua bóng cười để mọi người thử chơi. Nhiều bạn cũng chơi thử vì nghĩ thổi loại bóng cười này cũng không gây hại. Em thấy cứ thổi lên như bóng bình thường thôi, có bạn thổi xong thấy buồn cười nhưng cũng có bạn thổi lên không thấy cười được. Nhưng sau khi chơi xong, các bạn đều cảm thấy khá mệt mỏi, có bạn thổi nhiều còn thấy bị đau đầu. Về nhà kể lại cho bố mẹ nghe, em mới biết hóa ra loại khí trong bóng cười rất độc hại, nó gây ra ảo giác, gây cười nhưng có ảnh hưởng đến sức khỏe. Bố mẹ đã cấm em chơi loại bóng nguy hiểm này.

Cô Nguyễn Thu Thủy (29 Lý Thường Kiệt, Hà Nội):

- Là người làm trong Ngành Y tế, tôi hiểu loại bóng có chứa khí gây cười này có tác hại lớn tới sức khỏe như thế nào. Hít khí này vào cảm giác tê tê, sau đó sẽ gây phấn khích, cười ngả nghiêng. Việc hít bóng cười hay khí cười ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch, hệ thần kinh mà hậu quả xấu nhất nếu lạm dụng là dẫn tới trầm cảm hoặc nhập viện cấp cứu. Nguy hiểm hơn, hít bóng cười quá nhiều dễ dẫn tới bị ngộ độc khí N2O dẫn đến ức chế thần kinh, gây đột quỵ dạng nhẹ. Và nếu lạm dụng chất gây ảo giác lâu ngày sẽ rất dễ dẫn đến nghiện thật sự, giống như các em nghiện hít keo vài năm trước đây. Do đó, tôi cũng như nhiều phụ huynh rất mong thầy cô giáo và nhà trường sẽ giáo dục cho học sinh tác hại của bóng cười, nghiêm cấm các em dùng loại bóng nguy hiểm này. Tôi cũng mong cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý việc bán tràn lan loại bóng này.

Thanh Phong thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Thieu-nhi/854196/choi-bong-cuoi-anh-huong-suc-khoe-the-nao