Chơi bài ăn tiền là vi phạm pháp luật

Trong dịp Tết, người dân chỉ nên chơi tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, cờ thế… mang tính chất giải trí, không kèm theo được, mất lợi ích vật chất, để tránh vi phạm pháp luật.

Tết Nguyên đán là thời gian được nghỉ ngơi, mọi người gặp gỡ, sum họp đông vui. Dịp này, không ít nhóm bạn hoặc anh em trong các gia đình rủ nhau chơi tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc… để giải trí. Tuy nhiên, nếu chơi kèm theo “được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật” thì những người chơi đã vi phạm pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, đánh bạc là (hành vi) tham gia vào trò chơi được tổ chức bất hợp pháp mà sự được (hoặc thua) kèm theo việc được (hoặc mất) lợi ích vật chất đáng kể (tiền, hiện vật hoặc các hình thức tài sản khác).

Người dân chỉ có thể chơi tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ… mang tính chất giải trí, không kèm theo được, mất lợi ích vật chất.

Theo điểm a khoản 2 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, thực hiện một trong các hành vi “đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật”, người vi phạm bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Như vậy, nếu chơi tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, cờ thế... dù giữa các thành viên trong gia đình với nhau nhưng có được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật, đều là hành vi đánh bạc trái phép và bị phạt tiền đến 2.000.000 triệu đồng.

Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép; dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc. Như vậy, chủ nhà nơi diễn ra hành vi chơi tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, cờ thế… ăn tiền cũng bị xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Đồng thời, phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Đáng lưu ý, nếu tính chất, mức độ và hậu quả đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể bị xử lý về Tội đánh bạc theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt thấp nhất là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tù giam.

Vậy nên, trong dịp Tết, người dân chỉ nên chơi tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, cờ thế… mang tính chất giải trí, không kèm theo được, mất lợi ích vật chất, để tránh vi phạm pháp luật.

H.L

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/choi-bai-an-tien-la-vi-pham-phap-luat-166033.html