Cho ý kiến về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Chiều 18/4, tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 7, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Theo Tờ trình về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Hợp tác xã đã được Quốc hội thông qua năm 2003, có hiệu lực thi hành từ năm 2004 đã bước đầu giúp cho việc tổ chức lại và khuyến khích thành lập mới hợp tác xã trên toàn quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, Luật Hợp tác xã năm 2003 chưa thể hiện rõ bản chất và sự khác biệt về bản chất giữa tổ chức hợp tác xã với doanh nghiệp, các tổ chức xã hội- từ thiện; Chưa thể hiện rõ tính chất phục vụ xã viên của tổ chức hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết 13 Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương khóa IX đã đề ra; Chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp trong việc giám sát, kiểm tra, thi hành Luật và chính sách đặc thù khuyến khích phát triển hợp tác xã cũng chưa được quy định cụ thể trong Luật…

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng còn ý kiến khác nhau như: Chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã; Quy định hợp tác xã góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty, Bản chất của tổ chức hợp tác xã; Tài sản và xử lý tài sản khi giải thể hợp tác xã; Xung quanh chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã có nhiều ý kiến khác nhau.

Tuy nhiên, qua thảo luận các đại biểu đã đề nghị quy định chính sách ưu đãi thuế đối với một số ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã, không quy định chính sách ưu đãi chung đối với tất cả các loại hình hợp tác xã, nhằm tránh sự lợi dụng danh nghĩa hợp tác xã, trá hình hợp tác xã để hưởng chính sách ưu đãi.

Liên quan đến bản chất của tổ chức hợp tác xã, cũng có nhiều ý kiến còn khác nhau. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã phải được thực hiện như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để hợp tác xã có thu nhập, tạo việc làm, mang lại lợi ích cho thành viên, nâng cao năng lực cạnh tranh của hợp tác xã, nhưng khác nhau căn bản về mục đích thể hiện, đó là hợp tác xã hoạt động mang lợi ích cho thành viên hiệu quả hơn so với từng thành viên đơn lẻ tự thực hiện, còn doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.

Về quy định hợp tác xã góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty, đa số các ý kiến nhất trí với dự thảo Luật cho phép hợp tác xã góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty trực thuộc, vì phù hợp với thực tiễn trong nước và nước ngoài. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần quy định rõ các tiêu chí để xác định việc thành lập công ty, nhằm mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ, cung cấp sản phẩm dịch vụ phục vụ hợp tác xã, tránh tình trạng những công ty hoạt động trái với mục đích thành lập và bản chất của hợp tác xã.

Liên quan đến tài sản và xử lý tài sản khi giải thể hợp tác xã, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc duy trì tài sản không chia là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại liên tục của hợp tác xã, ngăn ngừa các hành vi mua bán, chuyển nhượng hợp tác xã. Mặt khác, tài sản không chia là một trong những nguồn lực quan trọng để hợp tác xã khai thác, sử dụng, tích lũy để tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước, đây là tài sản không chia, dù có biến động về thành viên, tài sản đó vẫn cần được duy trì như tài sản chung của cộng đồng thành viên, trường hợp hợp tác xã giải thể, chấm dứt hoạt động sẽ phải chuyển tài sản cho các tổ chức phục vụ cộng đồng hoặc chính quyền địa phương quản lý.

Tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh và đối tượng tham gia hợp tác xã; sự khác nhau cơ bản giữa Luật hợp tác xã và Luật Doanh nghiệp./.

Khiếu Tư (TTXVN)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/cho-y-kien-ve-du-thao-luat-hop-tac-xa-sua-doi/20124/136414.vnplus