Chợ truyền thống khó khăn trong 'bão' chuyển đổi số

BHG - Chợ truyền thống từ xưa đến nay luôn được coi là nơi mua bán ưa thích của người dân, gắn liền với những nét văn hóa đặc sắc tại mỗi vùng miền, địa phương. Tuy nhiên, với nhịp sống ngày một phát triển, ngày càng có nhiều hình thức mua bán, trao đổi tiện lợi hơn. Đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số, chợ trực tuyến trở thành sự lựa chọn của nhiều người mua hàng, thì chợ truyền thống đang đứng trước thách thức rất lớn về thị phần.

Khung cảnh đìu hiu tại chợ trung tâm thành phố Hà Giang

Nhiều người cho rằng, muốn tìm hiểu về đời sống, văn hóa và tập tục của một vùng đất, một làng quê nào đó thì cứ đến chợ. Bởi chợ chính là biểu hiện đầy đủ nhất bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa của một vùng. Tuy vậy, đến chợ trung tâm thành phố Hà Giang vào thời gian này, sẽ thấy không khí ảm đạm bao quanh các gian hàng bởi lượng khách tới rất ít. Tầng 3 của khu chợ thậm chí còn không có một gian hàng nào mở cửa. Cả khu chợ yên tĩnh, không hề có sự náo nhiệt, ồn ã lẽ ra phải có ở một khu chợ nằm giữa thành phố.

Chị Nguyễn Thị Thương (tổ 2, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang) cho biết: “Do công việc bận rộn, tôi không còn thói quen trực tiếp đến chợ chọn mua đồ như trước. Thay vào đó, tôi thường tranh thủ khoảng thời gian rảnh vào buổi tối để mua hàng trên các trang chợ trực tuyến trên mạng. Ở đó có đầy đủ hình ảnh, chú thích về sản phẩm, đồng thời giá cả được niêm yết rõ ràng. Người bán hàng cũng có thể tư vấn thông qua tin nhắn và có dịch vụ giao hàng tận nhà. Tôi chỉ cần ngồi ở nhà với chiếc điện thoại hay máy tính là có thể mua được đồ dùng cần thiết. Do đó, tôi lựa chọn mua hàng trên chợ trực tuyến thay vì chợ truyền thống”.

Tiểu thương buồn bã chờ khách ghé thăm

Bà Phạm Thị Bạch Tuyết, 51 tuổi, tiểu thương buôn bán quần áo tại chợ trung tâm thành phố Hà Giang, chia sẻ: “Tôi đã buôn bán ở đây 25 năm rồi, cả cuộc đời tôi gắn với khu chợ này. Vài năm trở lại đây là thời kỳ khó khăn đối với những tiểu thương chúng tôi. Chợ truyền thống ngày càng ít khách lui tới, thậm chí có ngày tôi chỉ có 1-2 lượt khách. Một số tiểu thương đã phải lựa chọn thay đổi địa điểm buôn bán. Những tiểu thương trẻ tuổi thì kết hợp bán hàng trực tuyến trên mạng để tăng doanh số. Chỉ còn những người lớn tuổi như tôi, không thể bắt kịp xu thế, chỉ đành chấp nhận hoàn cảnh này”.

Đông đúc hơn những gian hàng thời trang, khu vực bán thực phẩm phần nào vẫn giữ được sự náo nhiệt của nó, bởi ưu thế hàng tươi, ngon, chất lượng mà các trang chợ trực tuyến không thể thay thế được. Người mua vẫn cần đến trực tiếp để lựa chọn những thực phẩm tươi, sống cho nhu cầu của mình.

Song song với đó, các tiểu thương cũng phải tận dụng nguồn khách quen, mở rộng dịch vụ giao hàng tận nhà nhằm giữ khách, đảm bảo doanh số. Từ đó mở ra cơ hội việc làm cho những đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ giao hàng, mua hàng hộ.

Cuộc sống càng phát triển, cách mạng công nghiệp, chuyển đổi số càng phát triển, bên cạnh những tiện ích thì chợ truyền thống cũng phải dần thay đổi cho phù hợp. Không còn cảnh trẻ em háo hức, sung sướng khi được mẹ đưa đi chơi chợ, hay cảnh náo nhiệt, rộn ràng kẻ mua, người bán. Đi chợ không chỉ đơn thuần là để mua sắm, đây còn là nơi gặp gỡ, giao lưu tình cảm, văn hóa. Để giữ vững vị thế của chợ truyền thống, cần có những biện pháp, thay đổi nhằm giúp chợ phát triển, song hành cùng những bước tiến của xã hội.

Bài, ảnh: Như Nguyệt

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202312/cho-truyen-thong-kho-khan-trong-bao-chuyen-doi-so-3f30bc0/