Chợ truyền thống 'ảm đạm' tháng cận Tết

Bắt đầu bước vào tháng Chạp - tháng cuối cùng của năm, bên cạnh các siêu thị lớn, các chợ truyền thống cũng bắt đầu rộn rã 'kẻ mua' 'người bán' đa dạng các mặt hàng Tết như mứt, bánh kẹo, hoa quả, măng khô, đồ thờ, hoa Tết….

Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường chợ truyền thống bớt nhộn nhịp đi nhiều.

Mở hàng từ 7 giờ sáng nhưng đến hơn 10 giờ trưa cô Nguyễn Thu Linh - chủ gian hàng đồ mỹ nghệ chợ Cầu Diễn (Hà Nội) vẫn chưa bán được mặt hàng nào.

Cô Linh cho biết, gia đình có xưởng gia công đồ mỹ nghệ ở Ứng Hòa (Hà Nội), các mặt hàng chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Hàng năm, về dịp cuối năm âm lịch giao thương rất nhộn nhịp, tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, bên Trung Quốc tắc biên, khách sỉ không có, làng nghề đã phải đóng cửa 2 tháng nay. Nguyên liệu đã nhập về mà hàng hóa không bán được khiến cô rất lo lắng.

Để cải thiện nguồn thu cô Linh "tập tành" đăng bài bán hàng trên mạng nhưng do không am hiểu nhiều về công nghệ nên tiếp cận khách hàng khó khăn. Nguồn thu trông chờ vào gian hàng bán lẻ nhưng lượng khách cũng rất thưa thớt, chỉ bằng 1/10 năm trước.

Ngồi hơn 3 tiếng đồng hồ nhưng cô Linh vẫn chưa bán được mặt hàng nào.

Cô Trương Thị Tuyết - Tiểu thương chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy) chia sẻ, mọi năm tầm giờ các mặt hàng bánh kẹo, mứt, rượu, bia đã chật kín kho, hàng nhập về ngày nào lên đơn cho khách sỉ, lẻ gần như là hết ngày đó. Năm nay lượng hàng hóa khan hiếm, giá tăng, lượng khách hàng ít, số lượng hàng nhập chỉ bằng 1/3 năm trước nhưng cô cũng đang lo lắng không biết bán có hết hàng không. Hiện cửa hàng mới chỉ nhận được vài đơn sỉ số lượng hạn chế, khách mua lẻ rất ít.

"Tuy nhiên, đồ thực phẩm khô may mắn còn để lâu được, như mặt hàng hoa quả, bán không hết chỉ 1,2 hôm là bị hỏng" vừa nói cô Tuyết chỉ sang gian hàng hoa quả đối diện.

Lương khách ít, năm nay cô Tuyết chỉ nhập lượng hàng Tết chỉ bằng 1/3 so với mọi năm.

Sáng qua (mùng 1 tháng Chạp), cô Ngà nhập hơn 10 triệu tiền hoa quả, nhưng đến chiều nay (đã 2 ngày trôi qua) cô mới bán được gần 3 triệu tiền hàng, một số loại quả đã bắt đầu xuất hiện các nốt thâm, ủng. "Ngày mai bán không hết là phải vứt bỏ. Chỉ mong gỡ được vốn nhưng e là khó" cô Ngà buồn bã.

Gần quầy hoa quả của cô Ngà là sạp hàng bán hoa giả, nhưng cô Ngà cho biết, cả ngày hôm nay chủ cửa hàng chưa bán được mặt hàng nào.

Nhập hơn 10 triệu tiền hoa quả nhưng sau 2 ngày bán, cô Ngà mới thu được gần 3 triệu tiền vốn ban đầu.

Tương tự như chợ Đồng Xa, tại chợ Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) gần 5 giờ chiều, bắt đầu giờ bán hàng buổi chiều nhưng chỉ thưa thớt vài lượt khách, các quầy bán thực phẩm tươi lèo tèo vài cân thịt trên bàn không được ắp đầy như mọi khi.

Chị Hường cho biết, mọi năm mỗi ngày chị bán hơn 1 tạ thịt lợn, năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh chỉ bán được 40-50 kg, lượng hàng giảm một nửa mà trong khi đó lượng người bán cũng giảm rất nhiều. Cứ thời gian này mọi năm, chồng chị bắt đầu tìm mua các đàn lợn ngon, đặt hàng cho gần Tết, nhưng năm nay chị chưa nhận được đơn bánh chưng, giò, chả nào. Thị trường "ảm đạm" như vậy anh chị cũng không dám đặt hàng trước.

Chợ Cầu Diễn thưa thớt khách mua hàng.

"Nhà chị ở đây nên mới tiếp tục được với nghề, chứ nhiều tiểu thương ở quê đã trả lại gian hàng để về quê sinh sống" chị Hường tâm sự.

Tại khu vực bán hàng khô, không có khách một số tiểu thương quay sang nói chuyện với nhau. Chị Nhung buồn bã, năm nay chị không nhập dư hàng, bán đến đâu nhập đến đó vì lượng khách ít, với lại dịch bệnh cứ diễn thế này nhỡ đâu vài hôm lại đóng cửa không cho bán nên tiểu thương cũng phấp phỏng không dám nhập hàng.

Chị Nhung cho biết, nhiều người dân lo ngại lây lan dịch bệnh nên cũng hạn chế đi chợ truyền thống mà chuyển sang mua hàng online nhiều, hơn nữa nhiều người mất việc trở về quê sinh sống khiến lượng khách cũng suy giảm nhiều, do vậy tiểu thương chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn.

Ngọc Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//cho-truyen-thong-am-dam-thang-can-tet-1692201042019177.htm