Cho tôi lại ngày nào...

Đối với tôi, mùa Giáng sinh bắt đầu trở về khi đất trời chuyển mình, se lạnh. Buổi sáng đi làm ngang qua cầu Rồng (Đà Nẵng), tôi phải khoác thêm áo ấm trước những cơn gió lùa. Thích nhất là khi trời lạnh mà không mưa. Nó cho mình cảm giác lãng đãng mơ mộng, thoát khỏi những phiền muộn, áp lực đeo đẳng.

Tác giả bài viết (giữa) trong dịp văn nghệ thời sinh viên.

Giáng sinh về cũng là lúc tôi lục lọi tủ đựng CD của mình, tìm nghe những CD Giáng sinh cũ. Trong tủ CD của tôi có “The Gift” của Susan Boyle, có “The Christmas” của Richard Clayderman và vài CD Giáng sinh khác…

Nhưng cái CD gợi cho tôi không khí Giáng sinh nhiều nhất lại là CD không có bài hát Giáng sinh nào cả. Nó có Skeeter Davis & Bobby Bare hát “A Dear John Letter”, Patti Page hát “Tennessee Waltz”, The Brothers Four hát “Greenfields”… Những bài hát nhắc tôi nhớ lại thời đi học của mình, nhớ những cơn mưa rả rích lạnh ngắt của mùa Giáng sinh ở Huế, vào một thời đã xa lắm rồi.

Hồi đó, cứ sắp đến dịp Giáng sinh và Tết Tây, lớp tôi thường xúm nhau tập văn nghệ, tập hát múa, tập diễn kịch mừng năm mới. Năm nào cũng vậy, có năm làm lớn, có năm làm vừa vừa, nhưng năm nào cũng thu hút lượng khán giả khá đông đảo, là thầy cô và sinh viên từ các khoa khác trong trường, cả khán giả đến từ bên ngoài, từ các trường khác.

Người dân đến nhà thờ đón Giáng sinh. Ảnh tư liệu

Có một năm đêm văn nghệ được tổ chức ở hội trường Giảng đường 1, khán phòng rộng như nhà hát mà tới giờ diễn là kín mít người. Hồi đó, cây văn nghệ trong lớp cũng nhiều.

Trưởng đảm nhận đàn guitar và viết ca khúc; Ngọc Dung kéo violin; Dũng, Ngọc, Ánh, Thao, Đài… hát; dựng kịch thì có Ánh; Đài đóng vai Juliet, đóng vai Lọ Lem; trai đẹp Dũng, Lộc làm Romeo, làm hoàng tử; đóng vai dì ghẻ, vai gái ác thì có Mỹ Linh, Đồng Ngọc Anh… Hồi đó, tôi nhỏ con ốm nhách, lí nhí mở miệng không ra nên chỉ được lăng xăng ở trong hậu trường đứng hóng.

Tôi chưa bao giờ được ra sân khấu hát hay làm hoàng tử. Chỉ năm cuối cùng trước khi ra trường, thầy Thảo dựng kịch câm, tôi được phân đóng vai thằng bé lóc chóc giả làm tượng đá chọc phá mọi người trong công viên. Tình tiết kịch có một đoạn tôi bị tay quản lý công viên phát hiện, đuổi bắt, tôi nhảy xuống từ một cái bục cao chạy thẳng từ sân khấu vô trong hội trường, là hết kịch.

Lúc tập thì không sao, lúc diễn thật trên sân khấu, khi nhảy xuống, tôi bị té sưng vù đầu gối, vẫn ráng đứng dậy chạy vô trong cho tròn vai. Cả hội trường la hét như vỡ chợ. Sáng hôm sau, ghé qua ký túc xá, tôi được mấy em khóa dưới khen: đêm qua anh đóng kịch hay ghê, đóng đạt nhất là lúc giả đò té, té y như bị té thiệt.

Chuyện này có lúc tôi tưởng đã quên mất rồi, bạn bè cũng ít khi nhắc lại, mấy chục năm rồi còn gì. Cho đến khi nhìn thấy tấm ảnh cũ mà bạn bè đăng trong nhóm facebook của lớp, mọi thứ như được sống lại, tôi mới nhận ra thời đi học của mình cũng không đến nỗi quá tẻ nhạt. Hồi đó, tôi vẫn nghĩ là mình vụng về nên những lúc ngồi giữa đám đông, tôi thường chẳng biết nói gì, vì chẳng dám nói, thấy mình nói gì ra nghe cũng vô duyên.

Kỷ niệm với Giáng sinh, không hiểu sao bữa nay ngồi đây, nhìn khoảng sân đầy rêu bám trước nhà, nghe lại mấy bài hát cũ, tự nhiên tôi nhớ đến ngẩn ngơ chuyện xưa. Nhớ đúng đoạn này thôi, đoạn những đêm văn nghệ náo nhiệt của Câu lạc bộ tiếng Anh ngày đó, ngày chúng tôi còn hồn nhiên, vô tư, chưa biết toan tính gì xa đến tương lai…

Kỷ niệm, suy cho cùng, là những gì từng xảy ra trong đời, khi nó qua đi rồi, còn lưu lại những cảm giác, những ý nghĩ, những dư âm ngọt ngào... Ai cũng biết là nó sẽ chẳng bao giờ quay lại với mình đâu, nhưng đôi khi, nó lại làm mình quay quắt khôn nguôi.

ĐINH LÊ VŨ

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/tap-but-tap-van/cho-toi-lai-ngay-nao-153567.html