Chợ Tết ông Công ông Táo: Người bán 'sốt ruột' đợi khách

Ngày mai (23 Âm lịch) là chính lễ ông Công, ông Táo và chỉ còn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng thời điểm này, chợ Tết vẫn khá vắng vẻ.

Người bán hàng lo lắng vì sức mua vẫn chậm

Dịp Tết năm nay, chị Hoàng Xuân Hoa (Mỹ Đình- Hà Nội) nhập thêm đồ lễ về bán dịp ông Công ông Táo và gần Tết. Nhưng đến sát ngày lễ mà hàng vẫn tồn nhiều.

“Năm nay tôi mới nhập thêm đồ lễ về bán vì mặt hàng này gia đình nào cũng cần nhưng đến giờ vẫn vắng khách quá. Hàng tồn nhiều không biết đến Tết có hết không”- chị Hoa cho biết. Vừa trả lại tiền khách, người bán hàng này vừa rối rít cảm ơn vì đã mua hàng.

Cùng có nỗi lo lắng ế hàng, bà Minh Nguyệt (tiểu thương chợ Thành Công) cho hay: “Các loại bánh kẹo, hạt, đồ thắp hương năm nay ế lắm. Ông Công, ông Táo rồi mà vẫn còn ê chề hay là người dân chưa được nghỉ Tết nên chưa sắm?”.

Trong khi đó, bà Nguyệt cho rằng, giá nhiều mặt hàng Tết hiện cũng đứng ở mức khá cao nên người mua cũng phải cân nhắc xem tính thiết thực thế nào. Chẳng hạn mứt Tết truyền thống loại vừa rẻ nhất cũng 85.000 đồng/hộp, loại to 130.000 đồng/hộp; oản lễ 60.000- 110.000 đồng/hộp. Các loại kẹo, bánh bình dân cũng 50.000- 60.000 đồng/hộp.

Những năm trước, oản lễ, mứt Tết, bánh kẹo bán chạy. Nhà nhà mua về đặt lễ nhưng vài năm gần đây, khách có nhiều lựa chọn sản phẩm có giá tương đồng, bao bì đẹp hơn và hương vị đa dạng hơn.

Trái cây thắp hương đa dạng và giá ổn định. Chuối xanh 30.000-40.000 đồng/nải, đu đủ 25.000 đồng/kg; xoài 40.000 đồng/kg; thanh long 40.000 đồng/kg…

Năm nay, tại các chợ dân sinh, hoa Tết cũng rất dồi dào. Hoa cúc mai cam, cúc đại đóa… giá mềm. Tuy nhiên, cành đào nhỏ để đặt trên bàn thờ lại khá đắt, khoảng 130.000- 150.000 đồng/cành.

Tại chợ Thành Công, đến sáng nay (22 Âm lịch), các hàng trái cây, hoa cảnh mới bày bán bên ngoài chợ, không khí mua sắm có sôi động hơn nhưng không có cảnh chen lấn, xô đẩy hay xếp hàng để mua đồ. Tại các chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa tại khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm cho thấy sức mua bắt đầu tăng.

Thời điểm này, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng bắt đầu tăng. Điển hình là rau xanh, do cận Tết và ảnh hưởng của thời tiết, rét đậm và sương muối nên nguồn cung rau hạn chế, dẫn đến giá tăng từ 5.000-7.000 đồng/kg (củ).

Rau cần 15.000 đồng/1 bó; dưa chuột 30.000 đồng/1kg; su hào 8.000 đồng/củ; súp lơ xanh, trắng lên 15.000 đồng/1 cây; Nấm hải sản tăng 20.000/kg, lên 80.000 đồng/1kg;

Cùng với rau xanh, thịt lợn thời điểm này cũng tăng giá hơn trước, theo đó, tại các chợ dân sinh, giá thịt nạc vai, nạc mông, sườn thăn dao động từ 130 – 150 nghìn đồng/kg, tăng 10.000-15.000 đồng/kg tùy loại; gà lông 150-180 nghìn đồng/1kg.

Sức mua tại các chợ hiện khá chậm so với Tết các năm trước. Người bán hàng “đứng ngồi không yên” vì khách hàng chi tiêu rất dè dặt.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cho-tet-ong-cong-ong-tao-nguoi-ban-sot-ruot-doi-khach-post566202.antd