Cho ngày của mẹ: Những người nổi tiếng thế giới đã được mẹ truyền cảm hứng ra sao?

Tổng thống Abraham Lincohn, thiên tài vật lý Albert Einstein, nhà bác học Thomas Edison hay vợ chồng tỷ phú Bill và Melinda Gates đều là những người nổi tiếng.

Nhưng đằng sau những ánh hào quang đó là mẹ - người ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách và sự nghiệp của họ.

Tổng thống Mỹ Abraham Lincohn: Mẹ kế là người truyền đam mê đọc sách

Abraham Lincoln (1809 – 1865), người giải phóng vĩ đại, là Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng biên thùy phía Tây Hoa Kỳ, mẹ ông mất năm ông lên chín, người cha tái hôn một năm sau đó và may mắn thay khi ông có một người mẹ kế tuyệt vời. Abraham thỉnh thoảng nhắc đến mẹ kế Sarah như một người bạn tốt nhất mà ông từng có với tên gọi trìu mến 'người mẹ thiên thần.'

Mẹ kế Sarah lúc nào cũng khuyến khích niềm đam mê đọc sách và tinh thần hiếu học của ông, trong khi cha ông cho rằng việc mê chữ nghĩa, sách vở là biểu hiện của kẻ lười biếng. Chưa bao giờ ông hòa hợp được với cha mình, nhưng ông lại dành tình thương yêu đặc biệt cho mẹ kế, bởi bà hiểu ông ham học đến nhường nào và luôn động viên ông đọc càng nhiều càng tốt.

Abraham Lincoln sinh thời từng nói: Bạn có thể không có của cái hay sức khỏe, thậm chí bạn còn bị mang tiếng xấu nhưng dù thế nào thì hãy luôn có lòng tự trọng. Và ông đã sống một cuộc đời đầy kiêu hãnh trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Mẹ kế Sarah đã dạy ông rằng: 'Người khác có thể chế giễu, nhạo báng con nhưng đừng bao giờ dao động con trai. Hãy luôn ngẩng cao đầu.' Sau này ông đã làm theo đúng như lời mẹ dạy. Và chính nhờ bồi dưỡng lòng tự tin, kiêu hãnh trong con người mình như vậy mà sau này ông trở thành một trong những người lãnh đạo vĩ đại nhất nước Mỹ.

Thiên tài vật lý Albert Einstein: Mẹ là cô giáo

Thời thơ ấu, Einstein là một đứa trẻ kém phát triển và thường trở thành trò cười cho chúng bạn. Thầy cô giáo cũng không mấy thiện cảm với cậu bé chậm chạp và hay đặt ra những câu hỏi vô nghĩa. Thậm chí, chính cậu cũng cho rằng mình đúng là đứa trẻ ngốc nghếch thật sự.

May mắn thay, cậu bé Einstein có một người mẹ tuyệt vời. Bà Pauline Einstein (tên thường gọi là Koch) không chỉ là mẹ, mà còn là cô giáo giảng dạy cho Einstein. Là người trầm tĩnh, có nền tảng văn hóa vững vàng, bà đã tận tình hướng dẫn và giúp con trai làm quen với những kiến thức đầu đời, tạo nền móng vững chắc cho những hiểu biết vượt bậc của cậu sau này.

Bỏ qua tất cả các lời gièm pha về con mình, bà đã không ngừng động viên và giúp con tìm hiểu kiến thức của nhân loại: Toán học, vật lý, triết học và cả nghệ thuật.

Nhận được sự ủng hộ của mẹ, Einstein vượt qua sự sợ hãi để tiếp tục đến trường và học đến năm cuối cùng bậc trung học. Thế nhưng, vào năm cuối trung học Einstein bị đuổi học vì hay đưa ra những câu hỏi rất kì lạ. Mọi người đều cho rằng đầu óc cậu bé có vấn đề. Bị đuổi học, Einstein cùng gia đình sang Milan và xin học tiếp ở một trường trung học dự bị.

Công sức của bà Koch đã không đổ sông đổ biển, cậu bé Einstein hiểu biết chậm cuối cùng cũng hoàn thành bậc trung học và lựa chọn con đường vào đại học. Năm đầu thi đại học, Einstein không đủ điểm đậu. Tuy nhiên, điều cậu học được từ mẹ mình chính là tinh thần vươn lên và không bao giờ bỏ cuộc. Tâm huyết dạy dỗ, chăm lo tận tình của mẹ giúp cậu thêm động lực, quyết tâm ôn tập lần nữa và thành công ở kì thi năm sau.

Bà Koch có thể tự hào về con mình vì từ đây, chàng sinh viên Einstein có thể sống độc lập và có sự lựa chọn quyết đoán hướng nghiên cứu mà bản thân cậu đam mê. Có lẽ bà cũng không ngờ tới những phát hiện, những công trình nghiên cứu của đứa con từng bị xem là ngốc nghếch, chậm phát triển lại có sức ảnh hưởng rộng rãi khắp thế giới như vậy.

Nhà bác học Thomas Edison: Nên người nhờ được mẹ giáo dục tại gia

Thomas Edison, nhà bác học lừng danh thế giới, cha đẻ bóng đèn điện mà đến nay cả thế giới vẫn đang sử dụng. Ít ai ngờ rằng ông không hề đến trường, thành công của ông đến từ người mẹ thiên tài của mình là bà Nancy Elliott Edison.

Hồi bé, Edison rất thích tìm tòi, khám phá, đụng cái gì cũng hỏi tại sao. Mẹ ông, bà Nancy vốn là một giáo viên tiểu học, thay vì tỏ ra khó chịu, bà luôn kiên nhẫn trả lời bất kỳ câu hỏi nào của Edison. Sự kiên nhẫn đó đã dẫn dắt và khơi mở trí tò mò của Edison, đó cũng chính là nền tảng cho ra đời những phát minh vĩ đại sau này.

Năm 7 tuổi, cậu đến trường học trong vùng và được xếp ở chỗ gần thầy giáo nhất, vì bị coi là học trò dốt nhất lớp. Không chú ý đến bài giảng trên lớp, ông luôn đặt những câu hỏi oái ăm với thầy giáo nên nhà trường gọi mẹ ông đến và bảo Edison bị thiểu năng trí tuệ, bà nên cho con nghỉ học sớm. Không cam tâm với cách giáo dục nhà trường, bà quyết định sẽ tự mình dạy con nên người.

Từ đó ngoài việc lo cho gia đình, bà Nancy lo cả việc học của con. Bà hiểu tính cách con, theo xu thế phát triển tự nhiên của con mà dạy học tiếng Anh, toán học, lịch sử và các cuốn sách phổ cập kiến thức khoa học khác, để cậu bé tiếp cận với tri thức của mọi phương diện.

Sự giáo dục và kỳ vọng của người mẹ đối với con trai đã không uổng phí. Năm 23 tuổi, Edison phát minh ra chiếc máy in, lúc này danh tiếng mới nổi như cồn. Ông tiếp tục sự nghiệp với hàng trăm phát minh cho khoa học kỹ thuật, cống hiến to lớn cho toàn nhân loại.

Vợ chồng tỷ phú Bill Gates: Mẹ là người khơi nguồn cảm hứng cho những hoạt động từ thiện

Bill Gates vốn là cái tên quá quen thuộc vì là người giàu nhất thế giới trong nhiều năm liền. Không chỉ có tài sản gia tăng liên tục, Bill Gates cũng chi nhiều hơn cho các hoạt động thiện nguyện. Đến nay ông đã tặng hàng tỷ USD cho các dự án từ thiện thông qua Quỹ Bill and Melinda Gates Foundation.

Ít ai biết rằng, trước đây khi còn đang điều hành công ty, ông không giành nhiều sự quan tâm đến công tác từ thiện. Và mẹ ông là người khơi nguồn cảm hứng cho những hoạt động thiện nguyện của ông và vợ Melinda Gates sau này. Trong một lần phỏng vấn hiếm hoi, Bill Gates chia sẻ vào ngày lễ thành hôn của ông, mẹ đã tặng ông một tấm thiệp, trong đó viết: 'Càng nhận được nhiều, lại càng nên cho đi'. Sáu tháng sau mẹ ông qua đời và đến nay ông vẫn luôn giữ tấm thiệp đó.

Một buổi tối nọ, Bill Gates đã phàn nàn với mẹ vì bà muốn ông bỏ tiền ra giúp đỡ người khác. Thời điểm đó Gates chỉ muốn tập trung vào chuyện điều hành công ty mặc dù ông không phản đối việc làm từ thiện. Nhưng cuối cùng, mẹ Gates cũng đã thuyết phục được con trai mở một chương trình ở Microsoft để gây quỹ từ thiện cho tổ chức United Way. Bill Gates thậm chí còn theo mẹ tham gia vào hội đồng tổ chức United Way cấp quốc gia những năm 1980.

Trong khi đó, bà Melinda Gates cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ mình. Bà được biết đến là người đồng sáng lập quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates với những chương trình hỗ trợ các tổ chức y tế, sức khỏe cho bệnh nhận HIV/AIDS, lao… mang nhiều phương tiện kỹ thuật mới đến với người thu nhập thấp, trợ cấp cho người vô gia cư...

Bà từng bộc bạch về người mẹ của mình trên tờ Wall Street rằng hồi học phổ thông, bà bị xếp vào lớp Toán chất lượng kém. Mẹ bà, Elaine, đã rất ngạc nhiên nên đến hỏi cô giáo lý do tại sao. Cô giáo thừa nhận Melinda có học lực tốt đủ để được xếp vào lớp chất lượng cao nhưng vì lớp học thiếu ghế và giáo viên nghĩ Melinda vốn là một học sinh tốt bụng nên chắc sẽ không có vấn đề gì nếu xếp vào lớp kém hơn. Không một chút do dự, mẹ bà đã tình nguyện đến nhà thờ mỗi ngày để chuyển thêm ghế vào lớp học khi cần.

Câu chuyện dù chỉ đơn giản vậy nhưng nó để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc trong tâm trí bà Melinda. Sau này khi được hỏi rằng tại sao bà lại có niềm tin mãnh liệt với việc nên cho đi, bà đã trả lời: 'Nếu bạn biết cách giúp đỡ người khác từ những điều nhỏ, thì bạn sẽ tạo nên sự khác biệt.'

Arianna Huffington - Học cách tạo lập mối quan hệ từ mẹ

Arianna Huffington, bà hoàng ngành truyền thông, là người đã sáng lập ra đế chế truyền thông mang tên mình - The Huffington Post. Arianna đã chịu ảnh hưởng từ mẹ vốn là một người thực hành yoga và thiền định.

Khi còn bé, Arianna Huffington mơ ước sẽ được học tại trường Đại học Cambridge, và bà đã biến ước mơ đó thành sự thật. Bà kể rằng một ngày kia khi nhìn thấy bức ảnh trường Đại học Cambridge trong một cuốn tạp chí, bà nói 'con muốn đến đó học'. Tất cả mọi người đều cười. Nhưng mẹ bà nói: 'Được, hãy xem con có thể đến đó bằng cách nào'. Sau đó, mẹ bà vay mượn tiền và đưa con gái đến Anh sinh sống năm Arianna 16 tuổi.

Tuy vậy, mẹ Arianna Huffington cũng nói rõ ràng rằng nếu bà thất bại – tức là không thi đỗ vào trường Cambridge – thì cũng không vấn đề gì. Trong một buổi thảo luận mới đây, bà nói về mẹ mình rằng: 'Bà luôn cho tôi cảm giác mình có thế hướng đến những vì sao. Và nếu tôi gặp thất bại thì mọi chuyện vẫn ổn. Thất bại không đối nghịch với thành công. Nó là bước đệm cho con tiến đến thành công. Bà đã nói với tôi như vậy.'

Thành công của Huffington Post một phần có được bởi bà may mắn kế thừa sở trường tạo mối quan hệ từ mẹ. Bất kỳ ai gặp gỡ, tiếp xúc với mẹ bà cũng luôn có cảm giác thân thiện, gần gũi. Chẳng hạn, một người đưa thư, giao hàng đến nhà, bà sẽ mời người đó ngồi và nói 'ăn một chút gì nhé'. Nhờ đó, Arianna nhận thấy rất dễ dàng kết nối với mọi người.

Theo Trà Ngân Spiderum/Baodatviet.vn

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/cho-ngay-cua-me-nhung-nguoi-noi-tieng-the-gioi-da-duoc-me-truyen-cam-hung-ra-sao-174480/