Chỗ dựa tin cậy của nông dân

Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh có hơn 82.000 hội viên. Những năm qua, các cấp Hội Nông dân đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ, khuyến khích hội viên phát huy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, khai thác những tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế.

Nhiều hộ nông dân được hỗ trợ vay vốn phát triển các mô hình kinh tế.

Triển khai các mô hình sản xuất, kinh doanh, người nông dân thường gặp khó khăn nhất về nguồn vốn. Nắm bắt kịp thời nhu cầu của nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ hội viên.

Hiện nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân đang quản lý 22,089 tỷ đồng. Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai và nhân rộng các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đến nay, toàn tỉnh đang thực hiện 63 dự án phát triển trồng trọt; nuôi trâu, bò sinh sản; nuôi lợn, nuôi trồng thủy sản với 496 hộ vay vốn.

Đồng thời, Hội Nông dân các cấp phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chương trình ủy thác vốn vay với tổng dư nợ là 939,234 tỷ đồng cho 20.459 hộ vay. Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị định số 55/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo vốn vay cho nông dân phát triển sản xuất.

Bên cạnh hỗ trợ vốn, Hội Nông dân các cấp chú trọng hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề. Sau đào tạo, có trên 85% nông dân có việc làm, nâng cao chất lượng việc làm có sẵn, góp phần tăng thu nhập.

Ông Đỗ Xuân Kết kiểm tra thùng nuôi ong mật.

Từ các hoạt động hỗ trợ của Hội Nông dân, nhiều nông dân đã chuyển đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư, khai thác tiềm năng lao động, đất đai để phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề, dịch vụ tạo ra sản phẩm hàng hóa đa dạng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, gia đình ông Đỗ Xuân Kết, thôn C10, xã Sam Mứn (huyện Điện Biên) tập trung canh tác lúa nước 2 vụ và rau màu. Cuộc sống không đến mức khó khăn song cũng không thể vươn lên khá giả. Qua nhiều năm quan sát, nghiên cứu, ông Kết nhận thấy tỉnh Điện Biên có lợi thế về rừng, với rất nhiều loại hoa rừng tự nhiên và mật ong hoa rừng là sản phẩm đặc sản. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân, ông Kết đã hiện thực hóa ý định nuôi ong mật để phát triển kinh tế. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, mới đầu ông Kết chỉ nuôi 70 - 80 tổ ong. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, vốn, đến nay ông Kết duy trì ổn định 600 tổ ong, thu hoạch 25 - 30 tấn mật ong/năm.

Ông Đỗ Xuân Kết cho biết: “Mô hình cho thu nhập bình quân khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm. Mở rộng quy mô sản xuất, tôi đã tạo việc làm ổn định cho 12 lao động, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng”.

Phát triển mô hình kinh tế VACR tổng hợp, ông Lò Văn Pâng tạo việc làm cho khoảng 500 lao động địa phương. Trong ảnh: Người lao động chăm sóc đàn dê trong mô hình VACR của ông Pâng.

Còn với ông Lò Văn Pâng (xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ) lại là tấm gương điển hình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương từ các loại cây truyền thống sang trồng dong riềng. Với số vốn ban đầu 100 triệu đồng, ông Pâng đầu tư mua giống về trồng, đồng thời vận động người dân trong bản trồng và cam kết bao tiêu sản phẩm. Những năm sau đó, dong riềng được mùa, được giá, người dân xã Nà Tấu có nguồn thu nhập khá cao, ổn định. Kinh tế của gia đình ông Pâng cũng từng bước đi lên.

Có vùng nguyên liệu tập trung, ông Pâng đầu tư xây dựng nhà xưởng, dây chuyền công nghệ để chế biến dong riềng, vừa tăng giá trị sản phẩm vừa tạo việc làm cho người dân địa bàn. Bên cạnh dong riềng, ông Lò Văn Pâng còn phát triển thêm các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp.

Số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp ngày càng tăng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và dịch vụ nông thôn.

Ông Lò Văn Pâng cho biết: Hiện nay gia đình tôi có 5ha cây dong riềng mỗi năm cho thu hoạch 200 tấn củ, 5ha cây cà phê cho thu hoạch 7 tấn cà phê trấu/năm; 20ha cây mắc ca; 3ha cây ăn quả; 5ha nuôi cá thương phẩm; trang trại chăn nuôi; 1 xưởng sản xuất miến dong; 4 cơ sở chế biến tinh bột củ dong riềng… Thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/năm. Tôi cam kết bao tiêu sản phẩm củ dong riềng cho 500 hộ gia đình; tạo việc làm cho khoảng 500 lao động tại địa phương, giúp các hộ nghèo trong xã về vốn; hướng dẫn kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất cho 50 hội viên.

Bà Vàng Thị Bình, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Tăng cường hoạt động hỗ trợ kết hợp phát động nhiều phong trào thi đua hiệu quả, Hội Nông dân các cấp đã và đang là chỗ dựa tin cậy của nông dân trên địa bàn tỉnh. Nhờ cách làm sáng tạo, hiệu quả, số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp ngày càng tăng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và dịch vụ nông thôn, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, toàn tỉnh có 3.029 hộ sản xuất kinh doanh giỏi; trong đó lĩnh vực trồng trọt chiếm 32,4%; lĩnh vực chăn nuôi 26,6%; thủy sản 0,6%; thương mại dịch vụ 7% và sản xuất kinh doanh tổng hợp chiếm 33,4%.

Bài, ảnh: Nhật Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/214914/cho-dua-tin-cay-cua-nong-dan-