Chờ đợi sự chuyển mình đổi mới của chèo

Chứng kiến khán giả nườm nượp, hồ hởi đến xem chèo kín sân khấu Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang trong 14 ngày diễn ra Liên hoan Chèo toàn quốc 2019, người làm nghề khấp khởi mừng, bởi sân khấu chèo vẫn luôn có khán giả.

Tình yêu chèo vẫn “cháy”

Thay đổi bằng tên gọi ngắn gọn “Liên hoan Chèo toàn quốc 2019” ban đầu khiến nhiều người thắc mắc. Nhưng tới liên hoan và xem danh mục các đơn vị nghệ thuật tham gia biểu diễn thì hiểu rõ. Do cơ chế thị trường, phương thức tự chủ, nhiều nhà hát, đoàn chèo chuyển đổi, sáp nhập thành trung tâm đa thể loại nghệ thuật nên cái tên định danh như trước của mỗi kỳ liên hoan “Sân khấu nghệ thuật chèo chuyên nghiệp toàn quốc” đã không còn ở mùa diễn lần này. Tuy khắc nghiệt, nhưng không làm nguội lạnh ngọn lửa tình yêu chèo. Vì thế, hơn 1.000 nghệ sĩ, nhạc công của 16 đơn vị toàn quốc xếp lại mọi lo toan bề bộn về tổ chức, cơm áo gạo tiền với bao hoạt động mưu sinh hằng ngày để cùng nhau hội tụ tham gia Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức tại Bắc Giang trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua. Ngọn lửa tình yêu ấy đã rực sáng trên sân khấu của Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang suốt 14 ngày đêm.

24/26 tác phẩm trình diễn tại liên hoan là đề tài quá khứ và mỗi vở có chủ đề, phong cách, màu sắc khác nhau nhưng đều đề cập tới những nội dung có liên quan tới hiện thực, mang hơi thở cuộc sống hôm nay thông qua những câu chuyện lịch sử, huyền sử, dã sử… Thành quả của 26 tác phẩm trên gắn với tên tuổi tác giả có “thương hiệu” của làng chèo, như: Hoàng Cầm, Hoàng Công Khanh, Hoài Giao, Trần Đình Ngôn, Bùi Đức Hạnh, Huy Cờ, Bùi Vũ Minh, Lê Duy Hạnh, Lê Chí Trung, Đăng Chương, cùng những gương mặt trẻ: Lê Thế Song, Nguyễn Toàn Thắng, Mai Văn Lạng… 26 tác phẩm văn học ấy được thăng hoa, hoàn mỹ trên sân khấu bởi có bàn tay “phù thủy” của các đạo diễn. Đó là những nghệ sĩ đã có danh, có kinh nghiệm, có phong cách và có tâm huyết với nghiệp chèo, như: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng, NSND Trương Hải Thọ và các nghệ sĩ trẻ đang được giới chèo khẳng định: NSƯT Lê Tuấn Cường, NSƯT Thanh Tùng, NSƯT Đoàn Vinh, NSƯT Tạ Quang Lẫm, NSƯT Nguyễn Quang Thập, NSND Hàn Hải… Đặc biệt, dịp này đã xuất hiện những nữ đạo diễn: NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Trần Thị Hoàng Mai.

Cảnh trong vở diễn "Công lý không gục ngã" của Nhà hát Chèo Quân đội đạt HCV Liên hoan

Những lớp, những màn diễn tạo nên những ấn tượng khó quên trong lòng khán giả, có thể kể đến, như lớp Thái giám đọc chiếu chỉ (trong vở “Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư”); trận chiến đầm lầy (vở “Đất thiêng nơi mả dấu”); lấy dấu vân tay vua trong tối (vở “Công lý không gục ngã”)… Người làm chèo đã rất cảm động khi chứng kiến những nghệ sĩ hằng ngày phải “lấy ngắn nuôi dài” bằng nhiều công việc để nuôi dưỡng niềm đam mê chèo, vậy mà họ đã cùng nhau vượt qua khó khăn để đến với hội chèo cho bằng anh, bằng chị, xứng với tổ nghề, xứng với truyền thống. Còn có nghệ sĩ vốn ở kịch nói, cải lương, ca múa nhạc… cũng xả thân để diễn chèo, để “chia lửa” cùng các nghệ sĩ trong trung tâm nghệ thuật tỉnh mình. Họ đã lung linh dưới ánh đèn sân khấu và thắp lên những màu sắc huyền diệu của hình tượng chèo bằng tất cả thanh-sắc-thục-tinh-khí-thần của một đời tích lũy để hiến dâng cho khán giả.

Chờ đợi những đổi mới

Nghệ thuật sân khấu nói chung, không thể không có khán giả và chèo lại càng không thể thiếu. Vì khán giả và nghệ sĩ đã đồng hành làm nên nghệ thuật chèo. Nhiều năm qua, sân khấu chèo có hiện tượng vắng khán giả. Trước hiện tượng ấy, có người cho rằng, khán giả đang quay lưng lại với chèo. Thế nhưng, 14 ngày đêm tại sân khấu Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang đã không còn hiện tượng đó. Khán giả đến với nghệ sĩ rất đông, khán phòng không còn chỗ đứng, chỗ ngồi. Không hề lạ khi có người đi tới vài chục ki-lô-mét, mang theo cơm nắm, bánh mì để giữ chỗ. Nghệ sĩ đã hòa mình vào khán giả làm cho liên hoan được thăng hoa trong cảm xúc nồng nhiệt qua tiếng cười, tiếng vỗ tay cùng lời khen hồn nhiên với giọt nước mắt cảm động của khán giả.

Bên cạnh những thành công, liên hoan chèo lần này cũng bộc lộ một số vấn đề đáng quan tâm. PGS, TS Trần Trí Trắc, nhà nghiên cứu, phê bình lý luận sân khấu, Trưởng ban Giám khảo Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 thẳng thắn nhận định: "26 tác phẩm trên sân khấu liên hoan rất hiếm có “tích hay, trò lạ” làm say lòng, ngỡ ngàng khán giả; mà hầu hết đều mang xu hướng “hoài cổ”, đi tìm đề tài quá khứ và sử dụng những tác phẩm ở thời quá khứ. Không ít vở kết cấu thiếu logic, lớp dài, lớp ngắn, lớp thừa, lớp thiếu; có vở diễn hết cảnh hai rồi mà người xem không biết tên nhân vật là gì; thậm chí có vở kịch đã hết, khán giả đứng lên ra về, nghệ sĩ vẫn say sưa hát múa. Những điểm yếu này nằm ở bàn tay đạo diễn. Đạo diễn thường bị lúng túng và rơi vào tình trạng mâu thuẫn trong xử lý giữa tả ý với tả chân; giữa ước lệ, cách điệu, tượng trưng với sinh hoạt tả thực; giữa kịch nói với chèo truyền thống đã tạo ra những hình thức: Hát cải biên, hát vocal, hát bè, hát đuổi rồi múa hiện đại và khói mù mịt lẫn sấm, chớp cùng nhiều trang trí tả thật như đời thực… Xu hướng này có mặt giúp chèo hoành tráng, sống động nhưng lại xa dần chèo truyền thống của chúng ta".

Màn nhung sân khấu Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 đã khép lại, các nghệ sĩ đã sáng tạo hết mình. Thông qua các tác phẩm thành công như một tín hiệu cho cuộc chuyển giao thời đại trong chèo Việt Nam từ chèo cách mạng-bao cấp sang chèo tự chủ-xã hội hóa. Hy vọng, trong phương cách hoạt động mới, chèo có tư duy mới, hệ thẩm mỹ mới, phương pháp sáng tác mới, hình thức quản lý mới, nghệ thuật thể hiện mới và thước đo chuẩn mới để phù hợp với thế giới tinh thần mới của khán giả đương thời.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/cho-doi-su-chuyen-minh-doi-moi-cua-cheo-592540