Chờ đợi những chiến công

Bộ Công an đã cho phép Công an TP Hồ Chí Minh thí điểm đề án tổ chức lực lượng Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (gọi tắt là lực lượng săn bắt cướp - SBC) theo một cấp tại năm quận, huyện phía nam của thành phố. Việc được thí điểm tái lập lực lượng SBC sẽ là tiền đề, sức mạnh cần thiết trong việc tuyên chiến với tội phạm hình sự, từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân TP Hồ Chí Minh và du khách mỗi khi ra đường.

SBC - nỗi ám ảnh của tội phạm một thời

Theo tư liệu của Công an TP Hồ Chí Minh, đội SBC được thành lập từ những ngày đầu sau khi đất nước thống nhất (năm 1975) với chức năng chính là đấu tranh, triệt phá các loại tội phạm nguy hiểm, băng nhóm "xã hội đen" có vũ trang, tội phạm giết người, cướp của, bắt cóc... Thời điểm sau giải phóng, tình trạng cướp giật, cướp của giết người bằng vũ khí tại TP Hồ Chí Minh gây nhiều hoang mang cho xã hội. SBC được thành lập là lực lượng chuyên sâu, duy nhất trong cả nước trấn áp những loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.

Lúc ấy, SBC được trao nhiều quyền hạn về sử dụng các loại vũ khí, biện pháp nghiệp vụ để trấn áp tội phạm. Các cán bộ, chiến sĩ trong đội SBC không quá 30 tuổi, khi truy bắt tội phạm được phép chạy xe máy hết tốc độ, được chạy vào đường cấm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, gặp đối tượng truy nã không đầu hàng được phép bắn hạ sau khi đã bắn cảnh cáo hai phát...

Thập niên 70, 80 của thế kỷ 20, chỉ cần nhắc đến tên những chiến sĩ công an như: Lý Đại Bàng, Dương Minh Ngọc, Võ Văn Thành (tức Hai Thành - Đội trưởng SBC đầu tiên), Lê Thanh Liêm (tức Hai Lửa), Mai Văn Tấn… đã khiến tội phạm kinh hồn bạt vía. Những "huyền thoại" này đã lập nên những chiến công hiển hách, như: Phá băng nhóm bắt cóc cháu Tô Rô - con trai nghệ sĩ Kim Cương và sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga; xóa sổ hàng loạt băng cướp như: Bông Hồng Trắng, Võ Tùng Hội…; bắt giữ tướng cướp cô đơn Điềm Khắc Kim, Bạch Hải Đường, Mã Thầu Dậu; khám phá vụ án thảm sát tại nhà "quận chúa" Mộng Hoa; giải cứu thành công 11 em bé bị bắt cóc đưa lên vùng rừng núi của tỉnh Lâm Đồng…

Sau này, tình hình trấn áp tội phạm đã có những chuyển biến tích cực, SBC cũng đã hoàn thành sứ mệnh nên lực lượng này ngừng hoạt động. Cán bộ, chiến sĩ SBC chuyển sang hoạt động ở các đơn vị nghiệp vụ khác.

Bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân

Thông điệp mà lãnh đạo TP Hồ Chí Minh nhắn nhủ ngành công an thành phố khi tái lập lực lượng SBC là phải bảo đảm hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả. Trong thời gian ngắn nhất phải lập nhiều chiến công, trấn áp được tội phạm, mang lại cuộc sống bình an cho người dân. Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khi làm việc với lực lượng công an thành phố đã nhấn mạnh: TP Hồ Chí Minh là nơi thu hút nhiều nhà đầu tư, dịch vụ, du lịch. Muốn vậy, thành phố phải là nơi an toàn cho người dân, doanh nghiệp. Công an thành phố phải tạo nên "thương hiệu" của mình.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính khiến hoạt động phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm cướp, cướp giật tài sản hiện nay chưa đạt được hiệu quả như mong muốn là do cơ chế tổ chức lực lượng. Hiện nay, lực lượng Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (được thành lập sau khi đội SBC hoàn thành nhiệm vụ) được bố trí theo hai cấp gồm: Cấp thành phố (Đội 3, Đội 4 - PC45) và cấp quận, huyện. Mô hình này đã được áp dụng lâu nay, tuy nhiên đến nay bộc lộ một số hạn chế, cụ thể là trong công tác phối hợp, tuần tra, xử lý đối tượng.

Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm mới (SBC) được thành lập, hoạt động theo một cấp sẽ khắc phục được những mặt hạn chế này. Trước mắt, theo chủ trương của Bộ Công an, lực lượng SBC được thành lập thí điểm sẽ phụ trách năm quận, huyện tại thành phố gồm: quận 7, 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè. Lực lượng nòng cốt của đội là các sĩ quan SBC dày dạn kinh nghiệm cùng các trinh sát trẻ đầy nhiệt huyết. Các trinh sát chia ca tuần tra 18 lượt/ngày, phối hợp lực lượng hình sự đặc nhiệm của 24 quận, huyện tuần tra khép kín địa bàn để phát hiện, ngăn chặn các đối tượng cướp, cướp giật. Họ được giao quyền kiểm tra hành chính đối tượng nghi vấn, phục kích, bắt nóng các đối tượng cướp giật... Sau khi triển khai thí điểm từ một đến hai năm, Công an TP Hồ Chí Minh sẽ tổng kết đánh giá để Bộ Công an nghiên cứu, xem xét cho nhân rộng ra toàn thành phố.

Việc tái lập lực lượng SBC là cần thiết, tuy nhiên đây không phải là "chiếc đũa thần" để trấn áp hiệu quả tội phạm. Theo nhiều chuyên gia, để việc phòng, chống tội phạm thật sự đạt hiệu quả cao thì lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh cần triển khai nhiều lực lượng cùng tham gia trấn áp tội phạm; thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng yếu như: nâng cao vai trò của cảnh sát khu vực kịp thời phát hiện, xử lý mầm mống tội phạm; quản lý người nghiện - nguồn cơn phát sinh tội phạm; tăng cường kiểm tra hành chính, quản lý các khách sạn - nơi ẩn náu của tội phạm và các loại hình kinh doanh nhạy cảm như: vũ trường, tiệm cầm đồ…

Hy vọng, với việc tái lập lực lượng SBC cùng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp khác, cuộc chiến chống tội phạm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ có những diện mạo mới, hiệu quả mới.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31841502-cho-doi-nhung-chien-cong.html