Chờ đợi gì ở 'Những kẻ khát tình'?

Bộ phim vừa gây ấn tượng tại LHP Cannes vừa qua - “Những kẻ khát tình” (tựa gốc “The Beguiled”) là tác phẩm được đông đảo các fan điện ảnh mong chờ nhất trong mùa hè này, dự kiến ra mắt khán giả Việt vào ngày 14.7 tới. “Những kẻ khát tình” có nhiều lý do để tạo nên sự chờ đợi, háo hức trong công chúng ngay khi bộ phim bấm máy cho đến khi lần lượt ra mắt và thành công tại Cannes lần thứ 70.

Ba “ngọc nữ” của phim tại LHP Cannes 2017 (ảnh do CGV cung cấp).

Cách kể với ngôn ngữ sáng tạo

Cái tên Sofia Coppola đã được xướng danh tại hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes lần thứ 70 là minh chứng sống động cho tài năng tuyệt vời của người phụ nữ đã vượt qua cái bóng khổng lồ của cha mình (huyền thoại Francis Ford Coppola - đạo diễn kiêm tác giả phim “Bố già”, một trong những nhà làm phim có ảnh hưởng nhất của nền điện ảnh hiện đại). Đã 4 lần có phim được chọn tại LHP Cannes, nhưng đến lần này thì Sofia Coppola đã đóng một cái đinh vào lịch sử LHP khi một lần nữa giải thưởng này được trao tặng cho một nữ đạo diễn sau đúng 55 năm, kể từ khi nữ đạo diễn Xô viết Yuliya Solntseva giành giải năm 1961.

Điểm đặc biệt của Sofia Coppola là bà làm biên kịch, đạo diễn cho những bộ phim giàu chất nữ tính và luôn tăng dần kịch tính lên để hấp dẫn người xem, khiến kết phim để lại dư vị khó quên. Những phim nổi tiếng của bà là “Lạc lối ở Tokyo”, “Somewhere”… đã từng thắng giải Oscar, giải Quả cầu vàng, Sư tử vàng …

Lần này, lấy cảm hứng từ bộ phim “The Beguiled” được đạo diễn Don Siegel ra mắt vào năm 1971, nữ đạo diễn đã kể lại câu chuyện của “Những kẻ khát tình” dưới góc nhìn nữ giới thay vì góc nhìn của chàng hạ sĩ John McBurney như phiên bản trước để “khai phá” thế giới nội tâm của những người phụ nữ sống trong thời kỳ cuộc nội chiến khốc liệt đang tàn phá khắp các vùng đất trên hai miền Nam - Bắc nước Mỹ. Phim xoay quanh một sĩ quan quân Liên bang miền Bắc trong cuộc nội chiến bị thương nặng và ẩn náu trong trường nữ sinh nội trú miền Nam. Nhưng khi đã bình phục, viên sĩ quan đã bộc lộ bản chất “Đông Gioăng” của mình, để chinh phục các cô và anh ta không ngờ đã tạo nên một đáy vực cho chính mình khi sự ghen tuông biến thành thù hận.

Ba “ngọc nữ” tung hoành

Sự hội tụ của ba nữ diễn viên xinh đẹp có thể coi là ngọc nữ trong phim là điểm thu hút đáng kể của phim. “Người đẹp không tuổi” Nicole Kidman, “Mỹ nữ xứ sở bạch dương” Kirsten Dunst, “Nàng công chúa tóc vàng Hollywood” Elle Fanning với sắc đẹp rạng ngời của tuổi 19.

Trong đó, “người đẹp tới từ xứ sở chuột túi” Nicole Kidman trong vai cô hiệu trưởng - một nhân vật nữ mang tính cách chín chắn và mạnh mẽ, dù đã ngũ tuần vẫn thể hiện tài năng diễn xuất chững chạc, tự nhiên với sức mạnh ẩn chứa từ bên trong. Nicole Kidman chia sẻ: “Câu chuyện này phải được chỉ đạo bởi một nữ đạo diễn. Cốt lõi của bộ phim chính là sự nữ tính. Nhân vật hiệu trưởng trong phim đóng vai trò bảo vệ các cô nữ sinh trong thời kỳ vô cùng khó khăn. Động lực của cô ấy là chỉ dạy và bảo vệ cho họ”.

Còn minh tinh Kirsten Dunst khẳng định: “Trong bản cũ tài tử Clint Eastwood thậm chí đã hôn một cô bé 6 tuổi ngay trong cảnh thứ hai của bộ phim. Với tôi, đây là cách diễn đạt của những năm 1970. Những khao khát của nữ giới được mô tả đầy âu yếm. Còn bộ phim này được kể lại dưới góc nhìn nữ giới và tôn trọng những khao khát của họ. Bộ phim cũng đã được làm lại để trở nên gần gũi với phụ nữ hơn tác phẩm trước đó”.

Những chiếc váy cầu kỳ thời nội chiến

Một điểm nổi bật của phim là phần thiết kế phục trang. Nhà thiết kế Stacey Battat lần thứ 4 cộng tác với nữ đạo diễn Sofia Coppola. Họ đã tìm hiểu về ngành nghề dệt may để biết trong giai đoạn nội chiến, với tình hình nước sinh hoạt khan hiếm thật khó để giặt giũ, các nhân vật thường mặc những bộ váy có màu pastel sờn bạc.

Và để “những bộ váy mới được may trở nên nhuốm màu thời gian”, đoàn làm phim đã phải thực hiện quá trình stonewash (giặt với bột đá mịn). Toàn bộ vải được xử lý qua hóa chất, sau đó đem giặt thật sạch rồi là ủi cẩn thận. Tất cả các công đoạn thực hiện trong 3 tuần trước khi bước đến khâu may mặc.

Không chỉ mô phỏng hoàn hảo về chất liệu và màu sắc, kiểu dáng cũng là một chi tiết cực kỳ quan trọng. Nhà thiết kế Stacey Battat chia sẻ: “Sáng nào chúng tôi cũng phải giúp đỡ các diễn viên thay trang phục vì họ phải mặc rất nhiều lớp. Đầu tiên là quần bloomer (loại quần ống thụng rộng và được bó lại phía dưới đầu gối, thường được mặc bên trong váy) rồi tới váy lót và camisole (áo 2 dây với chất liệu mềm mại), và cả chiếc áo lót corset. Dĩ nhiên là họ không thể tự mình mặc corset được. Chúng tôi phải giúp họ cột thật chặt và một khi đã mặc corset, họ sẽ không thể cúi người xuống để đi giày. Vì vậy, việc đi giày sẽ diễn ra trước đó”. Người quyền uy nhất dĩ nhiên là cô hiệu trưởng Martha (Nicole Kidman thủ vai). Cô mặc ít màu nhất, cổ váy lúc nào cũng thẳng cao đầy kiêu hãnh. Đôi lúc cô xuất hiện trong những bộ vest nam tính - thể hiện cô là chỗ dựa lớn cho các chị em còn lại trong trường nội trú cũng như là một nhân vật mà anh lính Corporal McBurney (Colin Farrell thủ vai) có sự e ngại.

VIỆT VĂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/cho-doi-gi-o-nhung-ke-khat-tinh-681132.bld