Cho chủ nhà trọ vay vốn ưu đãi được không?

Khi nhà ở xã hội vẫn là câu chuyện của tương lai, thì nhà trọ đang mang trên mình 'sứ mệnh' giải quyết chỗ ở cho đa số người lao động. Vì vậy, đề xuất cho chủ nhà trọ được vay vốn ưu đãi nhằm nâng chất loại hình này của HoREA mới đây được nhiều người quan tâm.

TP.HCM, khảo sát cho thấy đang có xấp xỉ 90% công nhân ngoại tỉnh đang sống trong các khu nhà trọ, tương đương 1,3 triệu người với khoảng hơn 550.000 phòng.

Những “hộp diêm” giữa thành phố

Ở Hà Nội, tình trạng cũng không mấy khác biệt so với TP.HCM. Và điểm chung dễ thấy nhất là hệ thống nhà trọ đa phần được thực hiện dưới hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát. Không ít lao động đang bất định trong giấc mơ an cư, thậm chí sống trong nỗi lo "mất chỗ ngả lưng" vì chủ trọ dồn ép.

Chia sẻ với VnBusiness, anh Lầu Đức Thắng, công nhân làm việc tại một khu công nghiệp tại Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết, xưởng của anh có hơn 100 người thì có 99% là thuê trọ. Gia đình anh 3 người đang sống trong một căn trọ rộng 15m2, nằm sâu trong ngõ đường Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm).

Việc chủ nhà trọ được vay vốn ưu đãi sẽ giúp loại hình này được "chuyên nghiệp hóa", chất lượng tốt hơn.

Từ Bắc Giang xuống Hà Nội làm việc, gần 10 năm ở trọ, anh Thắng chia sẻ không còn lựa chọn nào khác tốt hơn. Vợ anh cũng là công nhân, tháng nào tăng ca nhiều thì tổng thu nhập của cả nhà vào khoảng hơn 20 triệu đồng. Vật giá leo thang, việc chi tiêu luôn phải chắt bóp.

“Tiền nhà, điện nước, quần áo, học phí bán trú cho cậu con trai học lớp 2 gần như ngốn hết phần lương của vợ tôi. Tháng nào không may ốm đau, lễ lạt nhiều thì “lẹm” sang cả phần lương của tôi. Trung bình mỗi năm, may mắn thì nhà tôi tiết kiệm được 40-60 triệu đồng”, anh Thắng thổ lộ.

Ngoài giá thuê rẻ, lý do khiến anh Thắng và những người lao động có cùng hoàn cảnh, là vì chủ trọ đi lại tự do, có chỗ để xe miễn phí, chủ trọ dễ tính cho nợ tiền phòng khi kỳ lương bị chậm. Khi cống tắc, mái dột, bà chủ ở gần nên có thể gọi thợ sửa ngay…

Kết quả khảo sát của các đơn vị nghiên cứu thị trường cũng cho thấy công nhân, lao động phổ thông thường chỉ bỏ ra 10 - 15% tổng thu nhập hàng tháng để lo nhà ở, tương đương mức 1-1,5 triệu đồng/tháng. Do đó, nhà trọ chính là lựa chọn khả dĩ nhất với các hộ gia đình nhập cư, bởi mua nhà là giấc mơ xa vời.

Đề xuất chủ nhà trọ được hưởng ưu đãi vay như chủ đầu tư nhà ở xã hội

Nhận thấy tầm quan trọng của loại hình nhà trọ trong việc giải cơn khát an cư cho người lao động, mới đây Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị chủ nhà trọ được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở khi xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, chủ nhà trọ đang góp phần quan trọng trong việc giải quyết chỗ ở ngày càng có chất lượng tốt hơn cho công nhân, lao động, người nhập cư.

Chỉ riêng tại TP.HCM, hiện có hơn 60.000 cá nhân, hộ gia đình đã đầu tư xây dựng các khu trọ với khoảng 560.000 phòng trọ cho thuê, giải quyết được chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân, lao động (chưa bao gồm các hộ gia đình dành một vài phòng cho thuê).

Vì vậy, theo chính sách ưu đãi hộ gia đình, cá nhân vay vốn để xây dựng, cải tạo nhà cho thuê đã được Bộ Xây dựng đề xuất trong dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà xã hội, HoREA đề xuất các chủ nhà trọ được hưởng các điều khoản về mức vốn vay, thời hạn và lãi suất tương tự như chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Cụ thể, mức vốn vay tối đa bằng 80% tổng mức đầu tư dự án hoặc phương án vay và không vượt quá 80% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Thời hạn vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 20 năm.

Ngoài ra, lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ.

Bên cạnh hỗ trợ vay vốn, HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét quy định mức thuế khoán thuế thu nhập cá nhân bằng 5% doanh thu đối với các chủ nhà trọ. Ông nhấn mạnh mức thuế thu nhập này sẽ hợp tình hợp lý hơn so với 7% như hiện tại.

Đề xuất của HoREA được nhiều người quan tâm bởi thời gian qua, các chủ nhà trọ dù muốn dù không, vẫn đang gặp vô vàn khó khăn trong việc làm mới hoặc nâng cấp tiêu chuẩn các khu trọ.

Đơn cử, bà Hoàng Thị Diễn, chủ khu trọ nằm gần trường đại học Tài Nguyên Môi Trường (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, trong thời gian qua, thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng, cải tạo các khu nhà trọ. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn để được vay vốn rất khắt khe, nên bà đành “lắc đầu”.

“Để đáp ứng tiêu chuẩn, tôi sẽ phải đập đi làm lại toàn bộ khu trọ cũ hiện tại. Muốn vậy thì phải đi vay, tự dưng mang nợ. Chưa kể sau khi xây mới thì giá phòng sẽ phải tăng, thiệt cho cả người thuê và chủ sở hữu. Đây là lý do khiến tôi và nhiều chủ nhà khác không mặn mà việc nâng cấp phòng trọ”, bà Diễn nói với VnBusiness.

Còn ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam, từng chỉ ra thực trạng ở TP.HCM đang có hơn 700 nghìn nhà trọ, nếu đảm bảo tiêu chuẩn sẽ giảm đáng kể gánh nặng nhà ở cho người lao động.

“Quan trọng là chúng ta xây dựng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, huy động được nguồn lực từ người dân, chứ chỉ mình doanh nghiệp thì không thể đáp ứng hết nhu cầu. Vì vậy, cần có một chuẩn hóa chung về nhà trọ và có cơ chế hỗ trợ thông thoáng giúp người dân phát triển các khu nhà ở cho thuê. Cơ quan quản lý tháo gỡ pháp lý, người dân chung tay, doanh nghiệp đồng hành là giải pháp tối ưu nhất”, ông Minh nhấn mạnh.

Tựu chung lại, để giải bài toán chuyên nghiệp hóa hóa nhà trọ, giải cơn khát nhà ở cho người dân rất cần “bàn tay” của Nhà nước và cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để tăng nguồn cung nhà ở cho thuê hợp với túi tiền.

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/cho-chu-nha-tro-vay-von-uu-dai-duoc-khong-1098808.html