Chợ cá lớn nhất Thủ đô hoạt động ngày càng ổn định

Chợ cá làng Sở Thượng (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vốn là chợ làng nghề tồn tại từ xa xưa với các sản phẩm cá. Theo sự phát triển của đô thị, từ khởi thủy hoạt động của chợ tự phát, đến năm 2004, chợ được dồn tập trung về khu chợ tạm. Hàng chục năm nay, chợ hoạt động dưới sự quản lý của Tổ quản lý chợ cá thuộc Hợp tác xã thủy sản thương mại tổng hợp Yên Sở và sự giám sát của các cơ quan chức năng.

Chợ cá tạm tại phường Yên Sở.

Từ tự phát đến tập trung

Sau hơn 10 năm hoạt động ổn định tại khu vực chợ tạm, chợ cá làng Sở Thượng ngày nay được chính quyền ủng hộ và giám sát chặt chẽ thông qua Tổ quản lý chợ. Tháng 5/2015, ông Nguyễn Quốc Quyết, Chủ tịch UBND phường Yên Sở ký Quyết định số 15/QĐ-UBND kiện toàn Tổ quản lý chợ cá tạm phường Yên Sở (chợ cá làng Sở Thượng). Tổ quản lý gồm 7 thành viên do ông Trịnh Cao Phượng làm Tổ trưởng.

Theo Quyết định này, Tổ quản lý có nhiệm vụ tham mưu và trình UBND phường phê duyệt nội quy, phương án tổ chức quản lý chợ cá, đồng thời phối hợp với kế toán phường tham mưu cho UBND phường về phương án thu phí và các khoản thu tại chợ, thực hiện hạch toán thu - chi theo quy định hiện hành của Nhà nước. Tổ quản lý cũng có nhiệm vụ tổ chức, sắp xếp, bố trí lại các ki-ốt, quầy sạp đảm bảo gọn gàng, không lấn chiếm ra lòng đường, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và môi trường của chợ.

Theo ông Phượng, hầu hết các hộ dân kinh doanh là người trong làng Sở Thượng nên việc quản lý tương đối thuận lợi. Khu vực chợ tạm hiện nay nằm trên diện tích đất khoán 10 của các hộ dân trong làng. Chợ được chia thành các khu có đường đi lối lại thuận lợi. Tổ quản lý có kẻ vẽ bản đồ "quy hoạch" cẩn thận để tiện cho công tác quản lý việc kinh doanh của các hộ dân tại chợ.

Chợ cá được phân khu để quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.

Trước đây, do đặc thù địa phương vùng thấp trũng, diện tích ao hồ lớn, việc nuôi cá của người dân mang lại hiệu quả kinh tế cao, chợ cá dần hình thành tại làng Sở Thượng. "Cá" đã trở thành thương hiệu đặc trưng, nghề nuôi cá, rồi kinh doanh mua - bán cá đi vào cuộc sống đã hình thành nên chợ làng nghề nổi tiếng khắp Thủ đô và các vùng lân cận. Do sự phát triển đô thị, diện tích nuôi cá ngày càng thu hẹp. Ông Phượng cho biết, cả phường Yên Sở hiện nay còn khoảng 100hecta diện tích ao nuôi cá, riêng Sở Thượng chỉ còn khoảng 30 hecta. Nhu cầu tiêu thụ cá ngày càng lớn, lượng cá tại địa phương không đủ cung cấp nên các hộ dân bắt đầu kinh doanh thu mua cá tại các địa phương khác. Và rồi theo thời gian, làng nghề ngày nổi tiếng khắp vùng nên nhiều hộ kinh doanh từ các tỉnh khác ở hầu khắp miền đồng bằng Bắc Bộ cũng tìm về chợ cá để mua buôn.

Các xe chở cá từ các địa phương về chợ cá làng Sở Thượng.

Cá được đổ từ các xe tải vào các sọt nhựa cho các hộ kinh doanh tại chợ.

Chợ cá ngày nay trở thành nơi trung chuyển cá từ các địa phương khác đến Thủ đô và nhiều tỉnh, thành khác. Mỗi ngày chợ trung chuyển trung bình 60 - 70 tấn cá các loại: trắm cỏ, chép, trôi, mè, digan, rô phi. Đây là các loại cá được sử dụng hàng ngày trong bữa ăn của người dân nên dễ tiêu thụ. Chợ hầu như không kinh doanh các loại cá khác.

Nguồn cá được nhập chủ yếu từ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh và khu vực Hà Tây (cũ). Qua "điểm trung chuyển" chợ cá làng Sở Thượng, cá được phân phối đến hầu khắp các chợ và các gia đình trên địa bàn Thủ đô. Tất cả các hộ đều tổ chức bán buôn và bán lẻ. Thương lái từ các địa phương khác như Phú Thọ, Thanh Hóa, Thái Nguyên hay ở chính một số tỉnh "đổ" cá về Yên Sở cũng tìm về chợ cá lớn nhất Hà thành để nhập cá phân phối về địa phương. Sở dĩ các thương lái tìm về chợ cá để nhập khẩu rất nhiều vì giá cả ở đây luôn được bình ổn, nguồn cá dồi dào.

Theo một hộ kinh doanh ở chợ cá làng Sở Thượng, giá cá giao động theo khối lượng cá. Thường thì cá to sẽ có giá đắt hơn cá nhỏ cùng loại nhưng sự chênh lệch không nhiều. Giá bán lẻ cá trắm khoảng 40-45-55.000 đồng/kg, cá trôi khoảng 25-27-30-35.000 đồng/kg, còn rô phi giá khoảng 25-30.000 đồng/kg.

Chợ cá đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo ông Trịnh Cao Phượng, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ cá làng Sở Thượng, hiện nay cả chợ có 85 hộ dân kinh doanh mua - bán cá, trong đó 50 hộ đã có giấy phép kinh doanh, là chủ sử dụng trực tiếp của phần diện tích đất kinh doanh trong khu vực chợ, các hộ chưa có giấy phép là do không có đất ở khu vực chợ tạm này nên mới chỉ xây hoặc kê các bể cá để kinh doanh trên diện tích đất thuê của hộ khác.76 hộ đã được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hộ kinh doanh đều được tham dự các lớp tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm do các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phổ biến tại quận Hoàng Mai.

Những con cá rô phi tươi vừa được nhập về chợ.

Ngay khu vực đầu chợ có Chốt kiểm dịch động vật thủy sản liên ngành của UBND TP Hà Nội, kiểm tra, giám sát hồ sơ truy xuất nguồn gốc thủy sản của các xe ra vào chợ cá. Chợ hoạt động 24/24 giờ, sôi động nhất là khoảng thời gian từ 1h - 6h sáng, các hộ kinh doanh từ nơi khác dồn về chợ mua cá để phân phối đến các nơi tiêu thụ. Các hộ dân có nhu cầu mua cá bất kể thời gian nào trong ngày đều có thể tìm đến chợ cá. Hầu hết lượng cá nhập về được tiêu thụ hết trong ngày.

Về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, Tổ quản lý luôn giám sát chặt chẽ, nghiêm túc xử lý các hộ kinh doanh không đảm bảo vệ sinh thực phẩm nếu phát hiện. Ông Phượng cho biết: Do quá trình vận chuyển cá từ các địa phương khác về bằng ô tô nên không tránh khỏi va chạm, dập dạp. Lúc đổ cá từ xe xuống các sọt, do lượng cá quá nhiều, các hộ kinh doanh cũng không thể "nâng niu" từng con cá như ở các cửa hàng bán lẻ ở những chợ khác. Những con cá "yếu sức", chẳng may có chết thì cũng chỉ do quá trình vận chuyển, trước khi lên xe cũng còn rất tươi nên vẫn có thể ăn được. Việc lựa chọn sản phẩm là của người dân. Ở chợ cá Sở Thượng hầu như không có cá tồn, cá chết để lâu ngày dẫn đến thối rữa. Những con cá hỏng không ăn được đều được sử dụng để nuôi cá trê hoặc làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Nhờ sự quản lý tốt của Tổ quản lý và sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, hoạt động của chợ cá ngày càng ổn định và đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và các vấn đề về an toàn thực phẩm. Hàng năm, Tổ quản lý chợ cá đều nhận được Giấy khen của UBND phường Yên Sở vì hoạt động quản lý tốt, kinh doanh có hiệu quả, đóng góp tích cực và nguồn thuế của Nhà nước và nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Năm 2014, Tổ quản lý dịch vụ chợ cá Yên Sở được Giám đốc Công an TP Hà Nội tặng Giấy khen thành tích xuất sắc trong năm thực hiện chuyên đề "Vận động quần chúng nhân dân tham gia tự quản về an ninh trật tự trên địa bàn phường Yên Sở" quận Hoàng Mai giai đoạn 2013-2014.

Giám đốc Công an TP Hà Nội tặng Giấy khen cho Tổ quản lý dịch vụ chợ cá Yên Sở.

"Trước thực trạng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của tất cả các mặt hàng luôn được cảnh báo, chợ cá Sở Thượng chúng tôi luôn nêu cao tinh thần giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn, đảm bảo chất lượng. Cá là một món ăn phổ biến như thịt, trứng, rau củ trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Dân làng Sở Thượng của chúng tôi cũng sử dụng nguồn cá từ chính chợ cá này. Chúng tôi vui mừng vì được sự quan tâm của các cơ quan chức năng có chuyên môn để đảm bảo cho hoạt động của chợ cá ngày càng ổn định hơn, giữ vững thương hiệu của làng nghề truyền thống, đặc thù từ nhiều thế hệ gây dựng và phát triển đến ngày nay" - ông Trịnh Cao Phượng chia sẻ.

Phương Anh

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/cho-ca-lon-nhat-thu-do-hoat-dong-ngay-cang-on-dinh.html