Chính thức giảm 50% phí trước bạ, thị trường ô tô chờ 'bùng nổ' doanh số

Sau chuỗi ngày ảm đạm, ế ẩm, thị trường ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước đang 'nín thở' chờ ngày bùng nổ doanh số khi Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ.

Người tiêu dùng hưởng lợi kép

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo Nghị định, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Đây là một tin vui không chỉ với người mua xe, mà còn với các đại lý, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước. Bởi, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp người mua xe giảm hàng chục cho tới hàng trăm triệu đồng. Giá thành giảm sẽ kích cầu tiêu dùng, giúp doanh số bán hàng tăng lên.

Giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 1/7

Cụ thể, hiện mức thu phí trước bạ được xác định theo tỷ lệ phần trăm từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký. Mức phí trước bạ với ô tô con tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... là 12% giá trị xe; TP Hồ Chí Minh là 10%, Hà Tĩnh 11%... Riêng xe bán tải, phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con.

Ví dụ như một chiếc xe con có giá 800 triệu đồng, muốn đăng ký tại Hà Nội, số tiền khách hàng phải bỏ ra để đóng thuế trước bạ là 96 triệu đồng. Nhưng, từ ngày 1/7 sẽ được giảm 50%, số tiền này chỉ còn 48 triệu đồng.

Hay, đối với mẫu xe cao cấp hơn như Mercedes-Benz GLC 300 4matic 2023 được lắp ráp trong nước có giá 2,56 tỷ đồng. Mức phí trước bạ phải nộp tại khu vực Hà Nội khi chưa giảm phí là 12%, tương đương hơn 300 triệu đồng, sau khi giảm 50% phí trước bạ, khách hàng sẽ tiết kiệm 150 triệu đồng. Nếu khách hàng mua xe càng có giá trị cao, thì mức tiết kiệm sẽ càng lớn khi phí trước bạ đã giảm còn 50%.

Anh Nguyễn Minh Tân (quận Hà Đông, TP Hà Nội) đang khảo sát giá xe tại một showroom ô tô trên đường Phạm Hùng cho biết: “Tôi đang có ý định mua một chiếc xe Santafe 7 chỗ. Hiện nay các đại lý đang chào giá khá hấp dẫn, cùng với nhiều phần quà ưu đãi khác. Tuy nhiên, tôi vẫn cố chờ sang tháng 7 mới mua để được hưởng giảm 50% phí trước bạ. Với mức giá mà đại lý đang chào bán, dự kiến tôi sẽ giảm được thêm 70 triệu đồng phí trước bạ nữa” – anh Tân chia sẻ.

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều hãng, đại lý cũng liên tục đưa ra các chương trình giảm giá, ưu đãi để kích cầu. Nếu vẫn áp dụng những ưu đãi này sau khi giảm phí trước bạ, thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi kép.

Nhà nước, doanh nghiệp cùng chung tay

Bộ Tài chính đánh giá việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và kinh tế xã hội.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, với đợt giảm 50% lệ phí trước bạ từ 1/7-31/12/2023, số thu ngân sách Nhà nước đối với lệ phí trước bạ có thể giảm 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu ngân sách Nhà nước của các địa phương.

Trước đó, trong năm 2020 và 2021, đã có 2 đợt giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước và đã cho thấy được hiệu quả thiết thực. Cụ thể, hồi năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 70 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu theo quy định. Trong lần thực hiện đầu tiên, chính sách nói trên được triển khai từ ngày 29/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020.

Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020 đã giúp cho lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12/2020 gấp 2 lần so với cùng kỳ. Số thu ngân sách từ tiêu thụ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng 47,1% so với cùng kỳ, tương đương 11.200 tỷ đồng.

Bước sang tháng 1/2021, thời điểm chính sách giảm 50% phí trước bạ theo nội dung Nghị định 70 hết hiệu lực, doanh số thị trường ôtô Việt Nam lại sụt giảm đáng kể. Đến cuối năm 2021, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đã quay trở lại theo nội dung Nghị định 103/NĐ-CP.

Tháng 12/2021 (khi chính sách giảm lệ phí trước bạ có hiệu lực), có gần 60.000 xe đã được bán ra ở thị trường trong nước. Sang đến tháng 1/2022, cũng đã có hơn 40.200 xe được bán ra, trong đó các dòng xe lắp ráp trong nước ghi nhận sự tăng trưởng nhờ chính sách này.

Trưởng phòng kinh doanh Hyundai Phạm Văn Đồng Vũ Duy Minh cho biết, tình hình kinh doanh trong những tháng qua hết sức ảm đạm, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện đại lý đang tồn 300-400 chiếc xe. Với việc giảm thuế trước bạ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp rất lớn, giúp đại lý có thêm lợi thế cạnh tranh. “Hy vọng với chính sách này, doanh số bán hàng 6 tháng cuối năm sẽ tăng khoảng 60-70% so với cùng kỳ 2022” – ông Vũ Duy Minh kỳ vọng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong bối cảnh thị trường ô tô ảm đạm như hiện nay, việc giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ là cú hích, kích cầu tiêu dùng. Vì tâm lý của nhiều người đang có nhu cầu mua xe thực sự sẽ thấy đây là thời điểm tốt, giúp họ có thể tiết kiệm được một khoản chi phí ban đầu.

Tuy nhiên, sau khi chính sách giảm 50% phí trước bạ được áp dụng, có thể dẫn đến trường hợp các doanh nghiệp ngừng các chương trình khuyến mại của riêng mình.

Thực tế ở 2 lần Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô trước đó, các hãng xe cũng đều ngừng các đợt giảm giá, khuyến mại. Qua đó, quyền lợi của người tiêu dùng không có sự thay đổi. Do đó, thị trường muốn “ấm” lên, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các đại lý, doanh nghiệp cũng cần phải thực hiện các chương trình khuyến mãi đi kèm.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chinh-thuc-giam-50-phi-truoc-ba-thi-truong-o-to-cho-bung-no-doanh-so.html