Chính thức giảm 2% thuế VAT: Doanh nghiệp vẫn loay hoay giữa '8 hay 10'

Sau 3 ngày thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), nhiều dịch vụ ăn uống, nhà hàng đã nghiêm chỉnh áp dụng giảm thuế từ 10% xuống còn 8%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay, đau đầu với danh mục giảm hay không giảm?

Đau đầu giữa “8 hay 10”

Mặc dù là lần 2 thực hiện đợt giảm thuế, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn rơi vào tình huống lúng túng. Trên các diễn đàn về thuế những ngày này đang bàn luận rôm rả về chủ đề “8% hay 10%”. Nhiều kế toán thao thức khi cố gắng làm đêm 30/6 để kịp tạo hóa đơn thuế suất 10% gửi cho khách hàng nhưng đến lúc ký thì bị lỗi, làm không kịp trước giờ “giao thừa”.

Người tiêu dùng phấn khởi vì được giảm 2% thuế VAT

Người tiêu dùng phấn khởi vì được giảm 2% thuế VAT

Bên cạnh đó, vẫn có nhiều kế toán loay hoay với việc mặt hàng của công ty mình có thuộc danh mục được giảm thuế không. Chị Nguyễn Thị Dương – kế toán một doanh nghiệp trên địa bàn quận Hà Đông bối rối về sản phẩm của đơn vị mình. Chị Dương thắc mắc: “Không biết tấm tựa lưng có tay vịn, khung bằng thép có được giảm thuế xuống 8% không? Bởi trong ghế này có tựa lưng thì bằng vải, còn khung thì bằng thép”.

Cũng thắc mắc về danh mục hàng hóa được giảm, chị Phạm Thị Hương – kế toán Công ty TNHH Đại Phát đặt câu hỏi: “Bên công ty tôi làm dự án lọc nước, có vật liệu rồi, vậy dự án đó tính thuế 8% hay 10%?”

Trường hợp trên không phải cá biệt vì có nhiều trường hợp rơi vào tình cảnh này và cũng không biết phải xử lý thế nào. Đi cùng với đó, trên diễn đàn cũng ghi nhận nhiều lời cảm thán như: “Mỗi lần giảm thuế là một lần đau đầu”, hay “Thao thức vì 8 hay 10 là có thật!”…

Có trường hợp xảy ra tranh cãi giữa bên bán và bên mua, bên mua đòi 8% trong khi bên bán khăng khăng 10%. Anh Nguyễn Minh Tân – Giám đốc một công ty sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch chia sẻ: “Chúng tôi lo nhất là áp dụng sai, khi đó xử lý lại sẽ rắc rối, thậm chí bị phạt. Chúng tôi mong mỗi khi áp dụng chính sách mới có phạm vi ảnh hưởng rộng như giảm thuế VAT, cơ quan thuế nên ban hành sớm hướng dẫn để doanh nghiệp kịp chuẩn bị, tránh dồn đến giờ chót. Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ chứ dồn hết vào giờ cuối thì rủi ro doanh nghiệp gánh hết”.

Kỳ vọng kích cầu tiêu dùng

Để chủ động triển khai chính sách giảm thuế VAT, các doanh nghiệp, nhà hàng, siêu thị… đã chủ động phần mềm để áp dụng. Anh Nguyễn Văn Tuấn – chủ cửa hàng cafe trên đường Quang Trung Hà Đông cho biết, để chủ động thực hiện giảm thuế, cửa hàng đã chủ động hoàn thiện phần mềm thanh toán và áp dụng từ chiều 30/6 và chính thức áp dụng từ 2/7.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Phượng - chủ siêu thị MiniMart tại Yên Nghĩa, Hà Đông cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo của cơ quan thuế, cửa hàng đã giảm giá thuế 2% cho những mặt hàng đang chịu thuế VAT 10%. “Giảm 2% thuế trên mỗi mặt hàng tuy ít, nhưng khách hàng cộng nhiều hàng hóa lại thì cũng tiết kiệm được một khoản không nhỏ, giúp khách hàng mua được nhiều hàng hóa hơn, từ đó siêu thị cũng tăng lượng hàng bán ra” - Chị Phượng nói.

Phấn khởi khi được giảm hơn 20.000 đồng khi thanh toán hóa đơn tại siêu thị, chị Huyền (Long Biên) cho biết, các mặt hàng từ thực phẩm, đến thời trang… đều được giảm thuế xuống 8%. Đây là tin rất vui với người tiêu dùng. “Với mức tiêu dùng của gia đình tôi, việc được giảm 2% tiền thuế VAT, trung bình mỗi tháng tôi cũng tiết kiệm được vài trăm ngàn đồng. Khoản tiền này tôi có thể cân đối để mua thêm hàng hóa thiết yếu cho gia đình” – chị Huyền cho hay.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh đánh giá, việc giảm thuế VAT 2% sẽ kích thích tiêu dùng đối với thị trường nội địa và mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam. Việc giảm thuế không chỉ giảm khó khăn cho doanh nghiệp mà chính là giảm chi phí cho người dân, kích cầu trong hệ thống chuỗi giá trị cung ứng. Giảm 2% tuy là không nhiều nhưng thị trường nội địa của chúng ta phải có sự phát triển và như vậy cũng tăng được nguồn thu.

Bởi lẽ, trong 2 năm trở lại đây, tổng cầu đang giảm, trong khi đó tổng cung lại tăng đột biến. Chính vì vậy, khi giảm thuế VAT, ngoài doanh nghiệp thì người dân, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. Với thực tế hiện nay, mặt bằng hàng hóa đã có chất lượng, giá cả cạnh tranh thì người dân sẽ càng có lợi khi được mua hàng hóa với một mức giá hợp lý hơn.

Cùng với đó, đối với ngân sách, khi kích cầu thì ngân sách sẽ tăng thu. Đặc biệt, trong một chuỗi giá trị cung ứng, nhiều nhà đầu tư sẽ tự tìm đến với thị trường Việt Nam khi nước ta có các chính sách miễn, giảm thuế, phí, đặc biệt là thuế VAT. Chính vì vậy, động thái giảm thuế VAT là vô cùng quan trọng và phù hợp với thực tiễn khi mà chúng ta đang cần tới một sự kích cầu lớn. Chính sách này đã đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về tài chính đối với cơ quan quản lý, người dân, doanh nghiệp trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chinh-thuc-giam-2-thue-vat-doanh-nghiep-van-loay-hoay-giua-8-hay-10.html