Chính thức đưa Cysteamine vào danh mục chất cấm trong chăn nuôi

Ngày 16/01, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư 01/2017/TT-BNNPTNT chính thức bổ sung chất Cysteamine vào Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam.

Theo đó, chất Cysteamine sẽ chính thức bị cấm kể từ ngày 1/3/2017.

Trước đó, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã soạn thảo Thông tư để đưa chất Cysteamine (Cys) và Danh mục chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi đồng thời tiến hành các thủ tục để chỉ định các phòng thử nghiệm phân tích chất Cys phục vụ quản lý nhà nước.

Liên quan đến chất Cysteamine, ông Nguyễn Văn Việt - Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, Cysteamine là một tiền hoóc môn có tác dụng kích thích sinh trưởng và tạo nạc đối với vật nuôi, chất này đã bị Liên minh Châu Âu cấm sử dụng trong chăn nuôi; Trung quốc, Philipines, Thái Lan không cấm, Việt Nam liệt vào hóa chất hạn chế sử dụng (theo Luật Hóa chất); Bộ NN&PTNT không cho nhập, kinh doanh và sử dụng hoạt chất này trong chăn nuôi.

chất Cysteamine sẽ chính thức bị cấm kể từ ngày 1/3/2017. Ảnh: minh họa

Khi sử dụng trong chăn nuôi, thú y, Cysteamine kết hợp với Dexamethasone và axit ascorbic điều trị một số bệnh rối loạn trao đổi chất như: Bệnh thở thơm và mất tính ham ăn ở bò, ngựa; viêm vú; viêm tử cung và mất sữa ở lợn nái.

Cysteamine kích thích tăng trọng nhanh, tăng khả năng ăn vào, giảm mỡ lưng, tăng tỷ lệ nạc, có thể nói đây là chất gián tiếp tăng trọng vật nuôi.

Nhiều nghiên cứu trên động vật cho rằng liều cao Cysteamine là nguyên nhân loét tá tràng (hoặc viêm loét dạ dày và tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa), hoại tử vỏ thượng thận và di tật thai nhi.

Trước đó, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã phát hiện một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất Cysteamine nhập khẩu từ Thái Lan.

Cụ thể, vào tháng 8/2016, Đoàn thanh tra đột xuất đã phát hiện Công ty TNHH MTV Công nghệ đổi mới (Trần Quốc Hoàn, phường 4, quận Tân Bình, TP HCM) nhập 2 loại sản phẩm dinh dưỡng bổ sung là Maxsure và Synergrown từ Thái Lan, đã bán cho các đại lý, các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và các trang trại lợn khu vực phía Bắc và phía Nam nhưng khi kiểm tra phát hiện hàm lượng Cysteamine là 29.898 mg/kg (29.898 ppm) và 30.645 mg/kg (30.645 ppm).

Ngọc Nga

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/chinh-thuc-dua-cysteamine-vao-danh-muc-chat-cam-trong-chan-nuoi-d34079.html