Chính sách vượt trội 'đẩy lui' ô nhiễm

Thông tin mới được cơ quan chức năng công bố, đó là số ngày có chỉ số chất lượng không khí ở mức kém và xấu tại Hà Nội chiếm tỷ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm.

Đáng chú ý, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt gấp gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Nồng độ bụi PM10 trung bình năm vượt quá giới hạn quy chuẩn từ 1,3 đến 1,6 lần.

Trong các nguồn gây ô nhiễm, giao thông - vận tải là lĩnh vực phát thải bụi PM2.5 lớn nhất, chiếm 50-70%, tiếp đến là từ sản xuất công nghiệp, chiếm 14-23%, còn lại từ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Các chất gây ô nhiễm không khí như NO2, SO2, CO và O3 tập trung tại khu vực có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, những tuyến đường có mật độ phương tiện lớn.

Thực tế, tình trạng ô nhiễm không khí đang là vấn đề cấp bách của các thành phố lớn. Không chỉ qua số liệu quan trắc công bố, ô nhiễm không khí gia tăng đến mức người dân có thể dễ dàng cảm nhận qua mức độ bụi, khói.

Dưới góc độ y tế, bụi PM2.5 được coi là “tử thần không khí”, có thể đi sâu vào phổi, gây ra bệnh về hô hấp, tim mạch. Vì thế, những đối tượng nhạy cảm về sức khỏe cảm nhận rõ hơn về mức độ ô nhiễm không khí.

Về hậu quả, bên cạnh tác động đến sức khỏe con người, ô nhiễm không khí gây ra thiệt hại về kinh tế (gồm chi phí khám chữa bệnh do ô nhiễm gây ra, tổn hại ngày công lao động, thời gian chăm sóc người bệnh…); làm tổn hại hình ảnh thành phố, đất nước; giảm mức độ cạnh tranh, thu hút đầu tư, du lịch…

Vậy làm thế nào để ngăn ngừa ô nhiễm không khí? Câu trả lời đương nhiên là phải kiểm soát, ngăn chặn nguồn phát thải bụi và chất gây ô nhiễm. Hà Nội đã nỗ lực kiểm soát ô nhiễm không khí thông qua việc ban hành kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2023, định hướng đến năm 2035, với mục tiêu 75% số ngày trong năm có chất lượng không khí trung bình và tốt; giảm 20% bụi PM2.5… Đến nay, thành phố đã xóa 99% bếp than tổ ong, giảm 80% rơm rạ ở khu vực ngoại thành đốt sau thu hoạch…

Tuy nhiên, như đã nêu, nguồn phát thải bụi mịn và chất gây ô nhiễm có phần lớn là từ hoạt động giao thông - vận tải và sản xuất công nghiệp; do đó, cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ tạo đột phá ở lĩnh vực này.

Với vận tải, có thể thấy, phương tiện thân thiện môi trường - như xe điện, xe không sử dụng nhiên liệu hóa thạch - mới chiếm tỷ lệ nhỏ do chi phí chuyển đổi, vận hành còn cao. Đặc biệt, với vận tải hành khách công cộng, số lượng xe ô tô chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu chưa hết thời hạn còn nhiều, nếu muốn chuyển đổi phải có lộ trình để bảo đảm hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp.

Vì vậy, cơ chế, chính sách (như miễn, giảm thuế, phí, vay ưu đãi lãi suất thấp…) khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phương tiện “sạch”, thân thiện môi trường là rất quan trọng. Chọn phương tiện vận tải công cộng để ưu tiên thực hiện chính sách môi trường chính là hoạt động có kiểm soát, quản lý dễ dàng hơn, mặt khác chính sách hỗ trợ dễ thực thi hơn.

Cùng với đó, nên có chính sách kiểm soát ô nhiễm đối với phương tiện cơ giới. Thông qua niên hạn xe, cơ quan quản lý cấp tem môi trường, khi chất lượng không khí xuống mức kém, phương tiện có niên hạn cũ, mức độ phát thải lớn sẽ không được phép hoạt động.

Tương tự như vậy là chính sách kiểm soát môi trường trong sản xuất công nghiệp và ưu đãi chuyển đổi dây chuyền sản xuất hiện đại, áp dụng quy trình xanh và quản trị trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Nếu không có chính sách vượt trội thì vấn đề ô nhiễm vẫn là câu chuyện dài.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chinh-sach-vuot-troi-day-lui-o-nhiem-663747.html