Chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng

Bạn đọc Vũ Thu Thủy ở xã Hưng Đông, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, đối tượng và các khoản chi thực hiện chính sách ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng được quy định như thế nào?

Trả lời: Ngày 11-3-2009, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có Thông tư liên tịch số 47/2009/TTLT-BTC-BLĐTBXH quy định chi tiết nội dung và mức chi thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng, gồm:

Thứ nhất, chi trợ cấp ưu đãi hằng tháng và trợ cấp một lần theo quy định hiện hành cho các đối tượng sau:

1-Các đối tượng quy định tại Điều 2, Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29-6-2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Điều 1, Pháp lệnh số 35/2007/PL-UBTVQH11 ngày 21-6-2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng.

2-Thanh niên xung phong theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14-5-1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với thanh niên xung phong đã hoàn nhiệm vụ trong kháng chiến.

3-Quân nhân, cán bộ theo Nghị định số 23/1999/NĐ-CP ngày 15-4-1999 của Chính phủ về chế độ đối với quân nhân, cán bộ đi chiến trường B, C, K trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng và quân nhân, cán bộ được Đảng cử lại miền Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954.

4-Đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8-11-2005 và Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 6-12-2007 của Thủ tướng Chính phủ.

5-Quân nhân phục viên, xuất ngũ theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ.

6-Thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp theo Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg ngày 18-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ.

7-Các đối tượng chính sách khác theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, các khoản chi ưu đãi khác, gồm: Chi cấp Báo Nhân Dân cho người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19-8-1945; bảo hiểm y tế; trợ cấp lễ báo tử liệt sĩ; trợ cấp mai táng phí; điều trị, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, chức năng lao động; quà tặng của Chủ tịch nước, chi ăn thêm ngày lễ, Tết; thuốc đặc trị và các điều trị đặc biệt khác cho thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh điều trị vết thương, bệnh tật tái phát; giám định y khoa cho thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh; phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cần thiết đối với đối tượng quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2006/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BYT ngày 21-11-2006 của liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Y tế; hỗ trợ tiền tàu, xe đi khám, chữa bệnh, giám định thương tật; hỗ trợ tiền tàu, xe, lưu trú làm dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2006/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BYT ngày 21-11-2006 của liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Y tế; chi hỗ trợ thương binh, bệnh binh nặng đang được nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở nuôi dưỡng NCC với cách mạng về sống với gia đình. Mức chi do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quyết định sau khi có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính; chi công tác mộ liệt sĩ: Khảo sát, tìm kiếm, quy tập mộ, đón nhận, an táng; hỗ trợ sửa chữa nâng cấp, xây mới mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ thân nhân liệt sĩ thăm viếng mộ và di chuyển hài cốt liệt sĩ; đón tiếp NCC với cách mạng; trợ cấp ưu đãi trong giáo dục-đào tạo; các khoản chi ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

QĐND

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ban-doc/chinh-sach/chinh-sach-uu-dai-doi-voi-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-514816