Chính sách tài khóa và tiền tệ gắn bó hữu cơ, không thể tách rời

Tại họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Tài chính, chiều 29/3, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ và không thể tách rời.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời báo chí chiều 29/3.

Chính sách tài khóa là bệ đỡ vững vàng cho tăng trưởng kinh tế

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, ngày hôm qua (28/3), Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp và đánh giá, khoảng 4-5 năm qua, sự phối hợp giữa hai chính sách tài khóa, tiền tệ đã được nâng lên một bước quan trọng, đạt hiệu quả mà các chuyên gia, doanh nghiệp, toàn xã hội đều nhìn nhận thấy.

“Giai đoạn vừa qua có những biến động lớn, khó dự báo đối với kinh tế - xã hội, chúng ta vẫn điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, đảm bảo ổn định an ninh xã hội, an ninh quốc phòng và đảm bảo tăng trưởng kinh tế như vừa qua”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu rõ.

Trước hết đối với chính sách tiền tệ, đứng trước những tình huống khó khăn chưa từng có trong lịch sử, nhưng Chính phủ vẫn điều hành, phản ứng chính sách rất linh hoạt và đem lại nhiều kết quả tốt.

Song song với đó, Chính phủ cũng đã sử dụng, điều hành chính sách tài khóa phối hợp với chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn, nhịp nhàng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo hướng “chính sách này tác động đến chính sách kia, chính sách kia hỗ trợ cho chính sách này”.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay, nhờ chính sách tài khóa là bệ đỡ vững vàng, Việt Nam đã vượt qua được khó khăn, có mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, các mục tiêu về tài chính – ngân sách như nợ công, nợ chính phủ đều được kiểm soát thấp hơn mức đề ra, thu ngân sách được đảm bảo cho các nhu cầu chi tiêu của Chính phủ, kể cả việc hỗ trợ người dân doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch.

Mức giảm trừ gia cảnh luôn được điều chỉnh phù hợp thực tiễn

Liên quan đến vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của giới báo chí về xem xét tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Từ năm 2009, khi Luật Thuế TNCN có hiệu lực, mức giảm trừ gia cảnh ban đầu khi áp dụng luật đối với người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng. Năm 2012, trên cơ sở đánh giá tình hình, Chính phủ đã trình Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng. Năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh được nâng lên 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng.

Theo đó, trong quá trình thực hiện Luật Thuế TNCN từ năm 2009 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh đã luôn được Chính phủ, Bộ Tài chính nghiên cứu, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn.

"Qua theo dõi chỉ số giá tiêu dùng từ lần điều chỉnh gần đây nhất là năm 2020 đến nay, mức biến động chưa đến 20%. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của chỉ số này để chủ động đề xuất theo quy định", ông Trương Bá Tuấn cho hay.

Thông tin thêm, ông Trương Bá Tuấn cho biết, Luật Thuế TNCN được đề xuất sửa đổi vào năm 2025. Theo đó, đối với Luật này, cùng với việc xem xét mức giảm trừ gia cảnh phù hợp thì cũng sẽ nghiên cứu các quy định khác như: ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh; các mức thuế suất lũy tiến từng phần và mức độ giãn cách giữa các mức thuế khi tính toán nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công…

Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí trả lời báo chí về các nội dung được quan tâm.

Trả lời câu hỏi về việc liệu có tiếp tục đề xuất chính sách giãn, giảm thuế, phí và lệ phí cho người dân doanh nghiệp, ông Trương Bá Tuấn cho biết, giai đoạn vừa qua, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã nỗ lực cùng các bộ, ngành địa phương tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội ban hành có thẩm quyền nhiều giải pháp, trong đó có các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí với quy mô khá lớn và nhiều giải pháp chưa có tiền lệ.

Năm 2024, trên cơ sở cân nhắc, đánh giá tình hình thực tiễn, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất Chính phủ Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã áp dụng của năm 2023. Cùng với đó, trình Quốc hội giải pháp tiếp tục giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%.

Các chính sách này thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của các doanh nghiệp và người dân, góp phần hỗ trợ nền kinh tế đứng vững, khôi phục tăng trưởng.

Ông Trương Bá Tuấn nhấn mạnh, tới đây, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chính sách về thu ngân sách, từ đó có các giải pháp về chính sách thuế phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Năm 2024 Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi 3 luật thuế quan trọng gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Gia Hân

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chinh-sach-tai-khoa-va-tien-te-gan-bo-huu-co-khong-the-tach-roi.html