Chính sách, pháp luật còn chồng chéo gây khó cho chống buôn lậu, gian lận thương mại

Thời gian qua, mặc dù trong bối cảnh khó khăn, ngành hải quan có nhiều cố gắng nỗ lực chống thất thu, gian lận thương mại. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn nhiều.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Thủ đoạn tinh vi, khó xử lý

Chia sẻ tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Tăng cường bảo đảm thu ngân sách và chống buôn lậu, gian lận thương mại gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực Hải quan” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 6/7, ông Trần Đức Đông - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chia sẻ nhiều thách thức đối với cơ quan chức năng.

Trước tiên là phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi. Những năm qua cho thấy xu hướng chuyển dịch buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... diễn biến dưới các hình thức như mang vác vận chuyển nhỏ lẻ qua đường mòn, lối mở. Cư dân biên giới giao dịch, trao đổi, lợi dụng pháp nhân và sự thông thoáng từ khâu thành lập, quản lý doanh nghiệp và ký kết hợp đồng thương mại, khai báo hải quan để thông quan và hậu kiểm, để buôn lậu, gian lận thương mại với quy mô lớn và phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.

Nhiều đối tượng thành lập các công ty, các đường dây, ổ nhóm, tổ chức buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, gian lận xuất xứ để mua bán hóa đơn lòng vòng nhằm chiếm đoạt thuế giá trị gia tăng và thu lời bất chính.

Một phương thức nữa là chuyển từ hình thức kinh doanh mua bán, vận chuyển, giao nhận trực tiếp và truyền thống sang ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử để kinh doanh, vận chuyển hàng hóa vi phạm qua đường bưu chính chuyển phát nhanh, rất khó cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.

Hàng buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn công khai mua bán, giao dịch trên môi trường mạng đến tận nhà người dân, trong khi thực tiễn còn vướng mắc về cơ chế pháp lý, thiếu về lực lượng, biện pháp và ứng dụng khoa học, công nghệ và quan hệ phối hợp để phát hiện và xử lý các loại vi phạm và tội phạm này.

Kết quả đấu tranh:

Năm 2019, phát hiện xử lý 221.703 vụ việc, thu nộp ngân sách 21.507 nghìn tỷ đồng.

Năm 2020 phát hiện 191.467 vụ, thu nộp gân sách 25.017 nghìn tỷ đồng.

Năm 2021 phát hiện 138.077 vụ, thu nộp gân sách18.307 nghìn tỷ đồng.

Năm 2022 phát hiện 139.758 vụ, thu nộp gân sách 12.829 nghìn tỷ đồng.

Quý I/2023 phát hiện 28.028 vụ, thu nộp gân sách 3.394 nghìn tỷ đồng.

Một điểm khó nữa, theo ông Đông, là cơ chế, chính sách, pháp luật còn chồng chéo, chậm sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đã được giao nhiệm vụ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, trong đó có liên quan đến 9 bộ luật và luật, 1 pháp lệnh, 1 nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, 33 nghị định và 5 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, 20 thông tư được đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế hướng dẫn thực hiện.

Ngoài ra, còn rất nhiều kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phối hợp giữa các lực lượng thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các điều kiện tài chính, hậu cần để phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày một hiệu quả hơn.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin

Bình luận thêm về vấn đề cơ chế chính sách, về cơ chế chính sách, đồng tình với đại diện Ban chỉ đạo 389 đã nêu, ông Vũ Tuấn Anh - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho rằng, hiện nay chúng ta đã triển khai cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp là văn minh, song cũng khiến doanh nghiệp lợi dụng để trốn lậu thuế...

Kinh doanh mua bán, vận chuyển, giao nhận trực tuyến tiềm ẩn nhiều nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại.

Kinh doanh mua bán, vận chuyển, giao nhận trực tuyến tiềm ẩn nhiều nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại.

Cũng theo ông Vũ Tuấn Anh, chế tài cũng chưa được nghiêm, tính răn đe còn hạn chế. Giai đoạn vừa qua, chúng tôi đã tham mưu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều nội dung và Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng rất quan tâm ngành hải quan.

Theo đó, đã tham mưu phân bổ dự toán hàng năm cho ngành Hải quan bảo đảm chi thường xuyên theo cơ chế của ngành, như mua sắm trang thiết bị đầu tư phục vụ công tác chuyên môn. Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định nhiều lần chuyển kinh phí từ Tổng cục Thuế sang hải quan để đầu tư, mua sắm các trang thiết bị.

Hệ thống văn bản pháp luật về thuế xuất nhập khẩu ngành hải quan rất đồ sộ. Ví dụ, danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu theo thông tư của Bộ Tài chính lên tới gần 2.000 trang; các biểu thuế liên quan xuất nhập khẩu có tới 31 biểu thuế phải áp dụng, từ thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu ưu đãi… Điều này gây nhiều khó khăn cho cán bộ thực thi.

Với thực trạng đó, có thể thấy, nếu không ứng dụng công nghệ thông tin sẽ cực khó khăn trong thực thi nhiệm vụ của ngành hải quan.

Nói về vấn đề này, ông Phạm Duyên Phương - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng Cục Hải quan) cho biết, cơ quan hải quan đã chuyển đổi một cách toàn diện phương thức quản lý từ thủ công bước sang hình thức sử dụng hệ thống thủ tục hải quan điện tử.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng một cách toàn diện và rộng rãi phương thức đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp dựa trên các kỹ thuật quản lý rủi ro và hệ thống phân tích thông tin. Qua đó, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động thông quan hàng hóa và vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Kinh tế Việt Nam ngày càng gia nhập sâu hơn vào môi trường kinh tế thế giới; cùng với đó là sự phát triển bùng nổ của khoa học, công nghệ. Hai yếu tố này khiến ngành hải quan phải đối diện với nhiều khó khăn trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chinh-sach-phap-luat-con-chong-cheo-gay-kho-cho-chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-131495.html