Chính sách hấp dẫn thu hút, giữ chân nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, các chính sách bảo đảm cho cuộc sống như an sinh xã hội, hạ tầng cơ sở, nhà ở xã hội dành cho người lao động... đóng vai trò quyết định tới sự thu hút, giữ chân người có tài năng, nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển trên mọi lĩnh vực của Thủ đô Hà Nội.

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội tổ chức tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp của các trường ĐH, học viện trên địa bàn TP. Ảnh: Khánh Huy

Đặc thù trong biên chế hành chính và viên chức sự nghiệp là phù hợp

Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ - pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, bà thống nhất quy định về mô hình tổ chức chính quyền thành phố (TP) Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức Hội đồng Nhân dân (HĐND) phường và cấp chính quyền TP thuộc TP Hà Nội, bảo đảm sự ổn định và cơ bản phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hà Nội cũng như thiết lập cơ sở pháp lý thành lập các TP thuộc TP trong thời gian tới.

Đối với các quy định về tăng cường bộ máy cho HĐND, Ủy ban Nhân dân (UBND) các cấp, về tăng cường phân cấp thẩm quyền cho HĐND, UBND các cấp và cho các cơ quan hành chính khác, về đặc thù trong biên chế hành chính và viên chức sự nghiệp tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là phù hợp và cần thiết để chính quyền Thủ đô có sự chủ động, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ vừa chung, vừa có nhiều đặc thù từ thực tiễn quản lý và xu hướng phát triển, vận động của Thủ đô.

Đối với cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, Điều 17 và 18 Dự thảo Luật đã tương đối phù hợp và áp dụng phần lớn cho cả khu vực Nhà nước.

Tuy nhiên, cần có những chính sách vượt trội cụ thể hơn để phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả khu vực tư, để Hà Nội thực sự là trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ... của cả nước. Ngoài các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, cần có các cơ chế, chính sách hấp dẫn khác về các điều kiện xã hội bảo đảm cho cuộc sống của người lao động khi lựa chọn việc làm và sinh sống ổn định, lâu dài tại Hà Nội như an sinh xã hội, hạ tầng cơ sở, nhà ở xã hội dành cho người lao động... Các yếu tố này cũng đóng vai trò quyết định tới sự thu hút, giữ chân người có tài năng, nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển trên mọi lĩnh vực của Thủ đô Hà Nội.

Quy định rõ về chế độ

Cùng góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Khoa Pháp luật hành chính - Nhà nước, trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, với Điều 17, bà đồng tình với cách thể hiện trong Dự thảo, tuy nhiên để chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao có tính khả thi và đem lại hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô, cơ quan chủ trì soạn thảo cần dự kiến thêm các nội dung như: tiêu chuẩn, điều kiện của nhân lực chất lượng cao; vị trí được tuyển dụng, bổ nhiệm; nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ một lần và chính sách ưu đãi khác về lương và thu nhập đảm bảo ổn định của nhân lực chất lượng cao so với các cán bộ, công chức, viên chức khác; chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc thích hợp cho nhân lực chất lượng cao;Quy trình, thủ tục tuyển dụng và bổ nhiệm cần đơn giản hơn; quyền và nghĩa vụ của nguồn nhân lực chất lượng cao khi trở thành cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô (quyền được hưởng chính sách giáo dục, y tế, bảo hiểm, nhà ở, thu nhập…).

Bà Đoàn Thị Tố Uyên cho biết thêm, để thu hút, sử dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Thủ đô, cần phải có các chế độ, chính sách đặc thù theo hướng thu nhập cao hơn so với mặt bằng cán bộ, công chức, viên chức của địa phương khác mới có thể giữ họ làm việc lâu dài. Hiện nay, trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa quy định rõ nội dung về chế độ, chính sách riêng cho nhân lực chất lượng cao, mới chỉ có chế độ tiền lương thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nói chung tại Điều 18.

Theo các tác giả, cơ quan chủ trì soạn thảo cần đưa nội dung về chế độ, chính sách đặc thù cho nhân lực chất lượng cao vào Dự thảo Luật theo hai phương án về kĩ thuật lập pháp:

Phương án 1: Thiết kế một điều riêng quy định chế độ, chính sách ưu đãi cho nhân lực chất lượng cao gồm: Chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm; ưu đãi về nhà ở; ưu đãi về giáo dục, y tế, bảo hiểm y tế…

Phương án 2: Có thể lồng ghép nội dung chính sách cho nhân lực chất lượng cao vào các điều tương ứng trong dự thảo Luật, ví dụ: Điều 10: Bổ sung thẩm quyền của HĐND TP quyết định chế độ, chính sách đặc thù cho nhân lực chất lượng cao; Điều 27: Chính sách xã hội, an sinh xã hội của Thủ đô thêm một khoản dành cho nhân lực chất lượng cao được hưởng ưu đãi; Điều 30: Phát triển nhà ở thêm một khoản về quỹ nhà ở dành cho nhân lực chất lượng cao; Điều 38: Sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô, bổ sung nội dung nguồn ngân sách chi cho nhân lực chất lượng cao bao gồm nguồn lực từ kinh phí ngân sách và nguồn tài chính ngoài ngân sách (quỹ).

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chinh-sach-hap-dan-thu-hut-giu-chan-nhan-luc-chat-luong-cao-cho-thu-do-356890.html