Chính quyền cấp phép "vượt rào", nhà đầu tư "kẻ ăn ốc, người đổ vỏ"

Hệ lụy từ việc cấp phép "vượt rào"

(Cadn.com.vn) - Để đảm bảo cảnh quan môi trường và tạo nguồn thu thuế, hơn 10 năm trước, UBND Q. Thanh Khê đề xuất với UBND TP Đà Nẵng về chủ trương phân cấp quản lý ao hồ cho địa phương và đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư quản lý và khai thác hồ điều tiết Xuân Hòa A (P. Hòa Khê, Q. Thanh Khê). Nhưng khác với kỳ vọng và cam kết ban đầu, không những trốn thuế mà nhà đầu tư đã cho các đối tác khác thuê lại, "ẵm" khoản tiền chênh lệch rồi biến mất để lại hệ lụy khó giải cho đến bây giờ.

Cần phải nói rõ, những vướng mắc hiện tại đối với công tác quản lý, quy hoạch của Q. Thanh Khê cũng như gây khó khăn cho một số doanh nghiệp thuê lại đất, mặt nước tại hồ Xuân Hòa A đều bắt nguồn từ việc "xé rào" vượt thẩm quyền của một chủ trương hơn 10 năm trước.

Chủ tịch UBND Q. Thanh Khê Nguyễn Văn Tĩnh cho biết, trước đây hồ Xuân Hòa A ô nhiễm, nhếch nhác nên lãnh đạo UBND quận lúc bấy giờ đã đề xuất thành phố xin chủ trương đầu tư theo hình thức xã hội hóa, cho doanh nghiệp thuê đất và mặt nước ven hồ để vừa kinh doanh, vừa đảm bảo môi trường, cảnh quan và nộp thuế cho ngân sách. Sau khi được UBND thành phố đồng ý chủ trương, ngày 24-6-2005, UBND Q. Thanh Khê có Quyết định 644/QĐ-UBND cho phép Cty Viễn Nam tổ chức quản lý và khai thác với thời hạn 20 năm. Sau đó, UBND Q. Thanh Khê cũng ký 2 hợp đồng cho Cty Viễn Nam thuê sử dụng mặt đất, mặt nước và giá tiền thuê sử dụng được tính từ đầu tháng 1-2008. Ông Tĩnh cho hay, trong thời gian đầu, Cty chấp hành tốt những cam kết, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nhưng sau đó có biểu hiện chây ì, không những để khu vực hồ nhếch nhác trở lại mà còn nợ thuế hàng tỷ đồng và sau đó bỏ trốn. Cơ quan chức năng nhiều lần yêu cầu lãnh đạo Cty này lên làm việc nhưng không nhận được sự hợp tác, trụ sở Cty cũng đóng cửa thường xuyên. Không những vậy, sau khi ký hợp đồng thuê sử dụng mặt đất, mặt nước ven hồ với quận, Cty này đã cho nhiều doanh nghiệp khác thuê lại với thời gian hàng chục năm, thu một khoản tiền rất lớn.

Từ đây, các doanh nghiệp này đầu tư xây dựng nhà hàng, khu tiệc cưới, khu vui chơi giải trí, karaoke với nhiều hạng mục xây dựng trên mặt nước mà giấy phép đều do UBND Q. Thanh Khê cấp vượt thẩm quyền. Các dự án của một số doanh nghiệp được xây dựng kiên cố trên đất ven hồ cũng được UBND Q. Thanh Khê cấp phép giống như dự án khai thác quỹ đất.

"Quận chỉ được phép cấp giấy phép xây dựng cho các công trình nhà ở của hộ gia đình, các cá nhân. Còn thẩm quyền cấp giấy phép cho các Cty này thuộc Sở Xây dựng. Đối với các công trình xây dựng ven đường Hà Huy Tập cũng như trên mặt nước thuộc hồ Xuân Hòa A phải do Sở Xây dựng cấp phép. Mình làm như vậy là không đúng thẩm quyền", ông Tĩnh khẳng định.

Để thực hiện tốt quy hoạch, Q. Thanh Khê phải giải quyết những hệ lụy từ việc cấp phép xây dựng vượt thẩm quyền trước đây. Ảnh: C.KHANH

Gian nan giải quyết hậu quả

Để tháo gỡ những rối rắm do Cty Viễn Nam gây ra, năm 2014, UBND TP Đà Nẵng có văn bản chỉ đạo UBND Q. Thanh Khê thu hồi, hủy bỏ các văn bản không đúng thẩm quyền liên quan đến hợp đồng cho thuê đất, cấp phép xây dựng và các văn bản trái quy định khác. Sau đó, Chủ tịch UBND Q. Thanh Khê vào thời điểm đó là ông Trần Văn Huy đã ký quyết định thu hồi, hủy bỏ Quyết định 644/QĐ-UBND ngày 24-6-2005, đồng thời yêu cầu Cty Viễn Nam chấm dứt toàn bộ các hoạt động quản lý và khai thác, bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là việc Cty Viễn Nam đã "chạy làng", chỉ còn lại các đơn vị đã thuê lại quyền khai thác hồ của Cty này chưa kịp thu hồi vốn.

Ngày 7-10, UBND Q. Thanh Khê đã tổ chức công bố nội dung quy hoạch đến các hộ kinh doanh và người dân khu vực lân cận. Khu vực quy hoạch có diện tích gần 52.000m2, nằm trên địa bàn P. Hòa Khê (Q. Thanh Khê). Trong đó chiếm phần lớn là diện tích mặt nước với hơn 35.000m2. Còn lại là đất dành cho giao thông và cây xanh, đường dạo, sân bãi. Theo quy hoạch này thì các hộ dân không bị giải tỏa, chỉ có các hộ kinh doanh khu vực mặt nước và ven hồ đã thuê lại đất để kinh doanh từ Cty Viễn Nam phải di dời.

Tại buổi công bố quy hoạch, các doanh nghiệp này đã kiến nghị quận có phương án đền bù, giải tỏa, bố trí lại địa điểm kinh doanh hợp lý. Với những vướng mắc để lại như đã nêu trên, ông Nguyễn Văn Tĩnh cho biết, quận sẽ thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng đồng thời tham mưu thành phố phương án hỗ trợ, bố trí các địa điểm kinh doanh hợp lý để có khả năng thu hồi vốn. "Quy hoạch của quận đã được phê duyệt, từ nay đến hết năm 2017 sẽ giải phóng mặt bằng ở khu vực sát tường rào sân bay để tạo cảnh quan môi trường. Từ năm 2018-2019 mới tiến hành giải tỏa các nhà hàng, khu tiệc cưới. Quận sẽ trình phương án hỗ trợ, đền bù, di dời, bố trí quỹ đất nếu có. Chúng tôi cũng mong thành phố có hướng chỉ đạo hợp lý", ông Tĩnh trao đổi.

Công Khanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_156690_chi-nh-quye-n-ca-p-phe-p-vuo-t-ra-o-nha-da-u-tu-ke.aspx