Chính phủ sẽ báo cáo lộ trình cải cách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã giao cho Chính phủ báo cáo lộ trình Cải cách tiền lương tại kỳ họp thứ 6 (diễn ra vào tháng 10 tới). Còn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, đến ngày 8/8, sẽ họp Hội đồng tiền lương Quốc gia cùng với các cơ quan liên quan, bàn về điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng.

Chị H'Chuyên Niê, công nhân nông trường Cao su Cuôr Đăng, Công ty cổ phần Cao su Đắk Lắk, tỉnh Đắk Lắk quan tâm vấn đề tiền lương

Chị H'Chuyên Niê, công nhân nông trường Cao su Cuôr Đăng, Công ty cổ phần Cao su Đắk Lắk, tỉnh Đắk Lắk quan tâm vấn đề tiền lương

Chiều 28/7, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội diễn ra Diễn đàn người Lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn”.

Tham gia trả lời, giải đáp làm rõ các quan tâm của 500 đại biểu đại diện cho hơn 50 triệu người lao động trên toàn quốc, các phân tích của các trưởng ngành làm hài lòng các đại biểu, vì thế không có sự đối thoại, băn khoăn trở lại từ phía các đại biểu - là công đoàn đoàn viên ưu tú đại diện, mang tâm tư của biết bao người lao động đến Hội trường Diên Hồng.

Quan tâm đến vấn đề tiền lương, chị H’Chuyên Niê - công nhân Nông trường cao su Cuôr Đăng, Công ty cổ phần Cao su Đắk Lắk cho biết, những năm qua, Nhà nước đã quan tâm tăng mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng.

“Tuy nhiên, với tình hình giá cả tăng, mức lương tối thiểu chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động, lương của phần lớn công chức, viên chức còn cách xa so với nhu cầu cuộc sống cơ bản”, chị H’Chuyên Niê nói, và đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm giám sát, có giải pháp tiếp tục cải thiện tiền lương cho người lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các đại biểu, đại diện cho hơn 50 triệu lao động trên cả nước tại Diễn đàn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các đại biểu, đại diện cho hơn 50 triệu lao động trên cả nước tại Diễn đàn

Về vấn đề cải cách tiền lương, trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ LĐ–TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian 3 năm dịch COVID-19, khu vực công nhân, viên chức không được tăng lương nhưng đối tượng là công nhân, người lao động vẫn được tăng lương tối thiểu vùng.

Còn hai đối tượng được điều chỉnh trợ cấp xã hội là người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội khác.

“Bên cạnh đó, từ 1/7/2023, tiền lương của tất cả đối tượng liên quan đều đã được điều chỉnh”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Ông cho biết thêm, đến ngày 8/8 tới đây, sẽ họp Hội đồng tiền lương Quốc gia cùng với các cơ quan liên quan, để bàn về điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng; lắng nghe Tổng LĐLĐVN, VCCI… để đánh giá thực trạng, xem xét mức độ sản xuất kinh doanh, tình hình sản xuất của doanh nghiệp; lao động thế nào, thu nhập của người lao động ra sao, tốc độ tăng trưởng… để tính toán xem năm 2023 này có điều chỉnh mức lương tối thiểu hay không? Và nếu điều chỉnh thì điều chỉnh như thế nào?từ đó, sẽ xem xét điều chỉnh mức độ nào.

Chắc chắn các bên phải cùng trao đổi, sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, để cơ quan quản lý nhà nước sau đó đưa ra phương án chính thức.

“Việc này sẽ được đánh giá một cách căn cơ, bài bản, sau đó mới chốt phương án cụ thể, trên tinh thần hài hòa nhất, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì mới tạo công ăn, việc làm ổn định cho người lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Các đại biểu tham dự tại Hội trường Diên Hồng

Các đại biểu tham dự tại Hội trường Diên Hồng

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ thêm, về mức tiền lương tối thiểu vùng trong khu vực sản xuất và cải cách tiền lương trong khu vực công được thực hiện theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động.

“Quốc hội đã nhiều lần có nghị quyết về vấn đề này. Gần đây nhất là Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã giao cho Chính phủ báo cáo lộ trình Cải cách tiền lương, bao gồm khu vực công và khu vực tư tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10 để xem xét lộ trình, cân đối nguồn lực”, ông Vương Đình Huệ nói.

Khi chưa cải cách tiền lương, theo Chủ tịch Quốc hội, sẽ xem xét điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng dựa trên nguyên tắc bảo đảm mức sống tối thiểu, chỉ số lạm phát; phải giải quyết hài hòa mối quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và người lao động. Bởi tiền lương là thu nhập của người lao động, là chi phí của doanh nghiệp.

Do đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phối hợp tham mưu để báo cáo, xem xét trình với Chính phủ quyết định, nếu đồng ý sẽ có nghị định ban hành. Ủy ban xã hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ tăng cường công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Thành Công

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/chinh-phu-se-bao-cao-lo-trinh-cai-cach-tien-luong-tai-ky-hop-thu-6-20230729224416.htm