Chính phủ ra nghị định chấm dứt việc 'đùn đẩy' quản lý giá sữa giữa các bộ

Việc quản lý giá sữa nhiều lần được đùn đẩy qua lại giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương trong một thời gian dài. Nghị định số 149/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP vừa ban hành đã chính thức giao Bộ Công Thương quản lý giá sữa.

Ảnh minh họa

Bộ Công Thương quản lý giá sữa

Cách đây không lâu, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177/2013 và Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 56/2014, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có trách nhiệm tham mưu đề xuất trình Chính phủ quyết định hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đồng thời, tiếp nhận văn bản kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ đối với thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Bộ Y tế.

Ngay sau đó, Bộ Công Thương lại có văn bản gửi Bộ Tài chính và cho rằng Luật giá đã quy định Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, trong đó có mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Do đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục làm đầu mối chủ trì như hiện nay hoặc phối hợp với Bộ Y tế trong việc tiếp nhận văn bản kê khai giá, đăng ký giá và áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với các mặt hàng thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi và sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Để chấm dứt tình trạng này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 149/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP. Nghị định này quy định Bộ Công Thương tiếp nhận, rà soát biểu mẫu đăng ký giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết danh mục mặt hàng này.

Về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP quy định các bộ, ngành có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký giá ở trung ương để hướng dẫn chi tiết danh mục mặt hàng phù hợp với từng thời kỳ.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết mặt hàng: thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ); vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); thóc, gạo tẻ thường.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết mặt hàng: phân đạm urê; phân NPK; Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết mặt hàng thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Bổ sung thẩm quyền định giá

Bên cạnh đó, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền và trách nhiệm định giá. Theo quy định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 22 Luật giá và giá hàng hóa, dịch vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định: Giá cụ thể đối với dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải (bao gồm dịch vụ đăng kiểm phương tiện thiết bị giao thông vận tải và các công trình khai thác, vận chuyển dầu khí biển). Khung giá đối với nước sạch sinh hoạt; dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật, thực vật; dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y. Giá tối đa đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập. Giá mua tối đa, giá bán tối thiểu hàng dự trữ quốc gia (trừ hàng dự trữ quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh); định mức chi phí nhập, chi phí xuất tại cửa kho dự trữ quốc gia và chi phí xuất tối đa ngoài cửa kho, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Giá bán tối thiểu đối với sản phẩm thuốc lá điếu tiêu thụ trong nước...

Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định: Giá cụ thể đối với giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện; giá tối thiểu đối với dịch vụ kiểm định kỹ thuật máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và bảo hiểm y tế...

Hoàng Long

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/chinh-phu-ra-nghi-dinh-cham-dut-viec-dun-day-quan-ly-gia-sua-giua-cac-bo-47761.html