'Chính phủ không chủ trương phát triển thủy điện bằng mọi giá'

Hôm nay, (15/11), Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đăng đàn khai mạc phiên chất vấn. Một trong những nội dung cử tri quan tâm, được ĐBQH chất vấn Bộ trưởng là câu chuyện xả lũ ở các đập thủy điện.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn

Bức xúc trước hậu quả của một số thủy điện, Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) lên tiếng: “Chưa bao giờ tính mạng người dân lại mỏng manh trước thiên tai và nhân tai đến thế. Chết người trắng tay là hậu quả đau lòng của người dân vùng hạ lưu, từ những sai phạm trong quy trình vận hành các công tình thủy điện Hố Hô và thủy điện An Khê - Kanak.”

ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ xử lý sai phạm trên như thế nào, bao giờ người dân sẽ nhận được đền bù thiệt hại? Trong thời gian tới tình trạng này có được loại bỏ không và người dân liệu có được sống trong môi trường an lành không? Giải pháp của Bộ trưởng trong vấn đề xả lũ như thế nào?

Câu hỏi liên quan đến xả lũ ở các đập thủy điện còn được ĐB Nguyễn Văn Chiến, TP Hà Nội, đặt lại với Bộ trưởng Bộ Công thương:

“Cử tri cho rằng nguyên nhân gây thiệt hại tại quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Hố Hô do Bộ Công thương phê duyệt không có quy định về thời gian báo trước bao lâu đối với việc xả lũ để cho địa phương phối hợp di dời người và tài sản tránh thiệt hại. Vậy, Bộ Công thương có trách nhiệm gì trong việc xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan và có trách nhiệm gì đối với việc chủ trì xây dựng, phê duyệt quy trình vận hành mang tính lý thuyết trên giấy không thực tiễn dẫn đến khi triển khai gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho người dân vùng hạ du.” – ĐB nói.

Thực hiện nghĩa vụ của người trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trả lời: “Như đã báo cáo trong Nghị quyết 62 về cơ bản đã khai thác hết những tiềm năng thủy điện lớn của đất nước, các thủy điện nhỏ và vừa chúng ta đã căn cứ theo chỉ đạo của Quốc hội trong Nghị quyết 62 đã xem xét, đánh giá lại và đưa ra khỏi quy hoạch những dự án không đảm bảo và yêu cầu về bảo vệ môi trường cũng như để ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân.”

Bộ trưởng cho biết, về cơ bản các dự án hiện nay có khoảng hơn 336 dự án thủy điện. Qua quá trình quản lý, xây dựng và phát triển chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực về thủy điện và các đập thủy điện được phân bổ cho một loạt các bộ, ngành như Bộ Công thương là bộ quản lý nhà nước chủ đạo trong các lĩnh vực về năng lượng và về thủy điện.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng tham gia quản lý trong các khía cạnh khác. Ở đây đảm bảo việc an toàn khi xả lũ cũng như vào mùa mưa lũ của các dự án thủy điện, chúng ta đã có ba yếu tố quan trọng.

Một là phương án về phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn ở tại địa phương do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban và có phương án được phê duyệt tại địa phương và các chủ đập, chủ thủy điện tham gia vào trong các phương án đó.

Thứ hai, về quy trình xả lũ có quy định cụ thể trong Nghị định của Chính phủ quy định rõ ràng đối với đập thủy điện có dung tích từ 1 triệu mét khối trở lên công suất từ 30 MW trở lên do Bộ Công thương thẩm định và phê duyệt quy trình xả lũ của hồ thủy điện, còn dưới quy mô đó là do lãnh đạo của địa phương sẽ phê duyệt.

Thứ ba, các chủ đập thủy điện và các doanh nghiệp đều phải tham gia để cùng với địa phương xây dựng các phương án phòng, chống lũ ở hạ lưu và đảm bảo an toàn cho hạ lưu khi xả lũ. Phải có đủ ba yếu tố này thì các đập thủy điện và các chủ dự án mới được cấp giấy phép hoạt động điện lực.

“Từ khi có Nghị định năm 2013 thì chúng ta đã đôn đốc kiểm tra để tổ chức thực hiện đầy đủ những quy định của pháp lý về vấn đề này, cả Hố Hô, cả An Khê - Kanak và các đập thủy điện khác đều phải đảm bảo những nguyên tắc và đáp ứng được những yêu cầu của các quy định pháplý của nhà nước trong lĩnh vực an toàn thủy điện cũng như an toàn về xả lũ thì mới được cấp phép hoạt động điện lực.” – Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, có một thực tế Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận là trong thời gian vừa qua có hiện tượng các đập xả lũ thường xuyên gây ra sự bức xúc trong nhân dân, trong dư luận xã hội và đã được phản ánh, như việc xả lũ của đập thủy điện Hố Hô, An Khê - Kanak.

Lý giải tại sao có những vấn đề này, Bộ trưởng cho biết: “Bộ Công thương đã rất chủ động tổ chức các đoàn đi kiểm tra ngay khi có lũ về và có nhu cầu xả lũ. Chúng tôi đã tổ chức các đoàn đi Hố Hô, An Khê - Kanak, đi sông Ba v.v.... để kiểm tra, đánh giá cụ thể”

Các nguyên nhân được đoàn kiểm tra ghi nhận là: Quy trình có nhưng việc chấp hành thực hiện quy trình nhiều khi còn máy móc và nguyên tắc. Ví dụ như nguyên tắc của xả lũ, của hồ thủy điện thì chủ hồ, chủ đập thủy điện phải có nhiệm vụ thông báo cho chính quyền địa phương, cho bộ phận phòng, chống lụt bão của địa phương và các địa phương ở hạ lưu.

Nhưng việc thông báo bằng hình thức nào thì lại không nói rõ. “Nhiều khi chủ đập, chủ thủy điện có thông báo nhưng không thông báo đầy đủ đến tất cả do những lý do mất điện, thậm chí đánh kẻng báo động, nhưng lại không nghe thấy, dẫn đến có sự phối hợp chưa tốt giữa các chủ đập thủy điện với chính quyền các địa phương, đặc biệt trong các phương án phòng, chống lụt bão được phê duyệt.” Bộ trưởng nói.

Lý do thứ 2 là, trên thực tế có các phương án phòng, chống lụt bão, kể cả xả lũ nhưng việc tổ chức diễn tập thực hiện, mà trong quy định của pháp luật là không tổ chức thực hiện ở tại các địa phương, dẫn đến tình trạng trên thực tế khi có sự cố xảy ra thì việc thực hiện tổ chức đó không đảm bảo hiệu quả.

Sự chủ động giữa chủ đập thủy điện, các dự án của các nhà máy với địa phương không được đảm bảo, thậm chí trong trường hợp như của Hố Hô vừa rồi khi chủ đập thủy điện báo cáo gọi điện thì lại không nghe máy và cũng không báo tiếp được, vì vậy dẫn đến tình trạng một số địa phương ở phía hạ lưu không đảm bảo được thông tin xuyên suốt cũng như trong việc phối hợp.

Thứ ba, trong quá trình thực hiện bản thân một số hiện tượng theo dõi dự báo thời tiết, đặc biệt là hệ thống quan trắc của các thủy điện không được đảm bảo, chưa có sự đầu tư vận hành tốt của hệ thống quan trắc thủy điện để phục vụ cho các chủ đập, các doanh nghiệp thủy điện cũng như địa phương trong việc theo dõi, chủ động trong phương án phòng, chống lụt bão cũng như phối hợp xả lũ.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng cũng đã đưa ra một số giải pháp: Một là tổng kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ chất lượng của quy trình xả lũ cũng như phương án tham gia phối hợp về phòng chống lụt bão, đặc biệt đảm bảo an toàn ở hạ du căn cứ theo quy định của nhà nước.

Hai là đánh giá, kiểm tra lại chất lượng của các hoạt động về phòng chống lụt bão cũng như đảm bảo an toàn của thủy điện khi xả lũ tại địa phương và xem xét để tổ chức tập huấn và làm rõ trách nhiệm của tất cả các bên có tham gia, kể cả của chính quyền địa phương các cấp cũng như chủ đập, chủ doanh nghiệp ở tại địa phương. Đi kèm đó sẽ thực hiện nghiêm theo các chế tài, các quy định và các doanh nghiệp nếu không thực hiện được đầy đủ các quy định và có sự vi phạm pháp luật thì sẽ xem xét, thậm chí cấm không cho tham gia hoạt động điện lực cũng như rút phép của các dự án đó.

Ba là phân định, làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là của chính quyền địa phương các cấp, khu vực hạ du trong việc chủ động xây dựng và các phương án phòng chống lụt bão để có sự tham gia của các doanh nghiệp, các chủ đập cũng như của các đối tác khác, đảm bảo hiệu quả an toàn cũng như đời sống sinh hoạt, ý kiến xã hội của nhân dân.

Nhật Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/chinh-phu-khong-chu-truong-phat-trien-thuy-dien-bang-moi-gia-305303.html