Chính phủ ban hành nghị định về tín dụng đầu tư của Nhà nước

Ngày 7/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị định số: 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Nghị định 78/2023/NĐ-CP của Chính phủ gồm 4 điều. Trong đó có các điều: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước; Điều 2. Bãi bỏ, thay thế; Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp; Điều 4. Điều khoản thi hành.

Nguồn vốn qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam khẳng định vai trò quan trọng trong hỗ trợ hoạt động đầu tư phát triển của nền kinh tế. Ảnh: TL

Tại Điều 1, Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 3 “cơ cấu lại thời hạn trả nợ” là việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chấp thuận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ như sau: Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay của kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận (bao gồm cả trường hợp không thay đổi về số kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận), thời hạn cho vay không thay đổi; gia hạn nợ là việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay, vượt quá thời hạn cho vay đã thỏa thuận”.

Sửa đổi, bổ sung Điều 4 Kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Theo đó, trước ngày 31 tháng 7 hằng năm, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xây dựng kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm sau gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính với các nội dung gồm: Tình hình triển khai và kết quả thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm thực hiện, dự kiến kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm sau; khả năng huy động vốn và cân đối nguồn vốn để thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; kế hoạch cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý, vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước năm sau; giải pháp điều hành, tổ chức thực hiện và dự kiến kết quả đạt được…

Điều 2. Bãi bỏ, thay thế. Theo đó, Chính phủ thay thế Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư tại Phụ lục kèm theo nghị định này.

Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Công trình giao thông trọng điểm quốc gia đưa vào vận hành năm 2015. Ảnh: Trần Hải

Thay thế các cụm từ “đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính” bằng cụm từ “đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính” tại điểm a khoản 2 Điều 1 và khoản 1 Điều 3 Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Chính phũ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Bỏ cụm từ “trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ có quy định khác” tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017 cùa Chính phũ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Bãi bỏ khoản 5 Điều 2, khoản 8 Điều 3, khoản 2 Điều 5, khoản 7 và khoản 8 Điều 6, khoản 2 và khoản 3 Điều 20, Điều 29 Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước…

Tại Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp, đối với các hợp đồng hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đã ký kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng và các bên liên quan tiếp tục thực hiện theo các cam kết, các quyền hạn và trách nhiệm ghi trong hợp đồng đã ký.

Đối với các hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư đã ký kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành: Ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với toàn bộ dư nợ và các khoản giải ngân còn lại (nếu có) của các hợp đồng tín dụng này trong trường hợp Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng và các bên liên quan thỏa thuận thống nhất áp dụng một trong các quy định về thời hạn cho vay tại khoản 7 Điều 1, lãi suất cho vay tại khoản 8 Điều 1 và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay tại khoản 10 Điều 1 Nghị định này, theo nguyên tắc Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá và chịu trách nhiệm về khả năng, phương án trả nợ của khách hàng.

Trường hợp Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng và các bên liên quan không có thỏa thuận thống nhất việc áp dụng các quy định tại điểm a khoản này thì tiếp tục thực hiện theo các cam kết tại hợp đồng tín dụng đã ký và được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất, phí quản lý; riêng lãi suất đối với các khoản giải ngân còn lại kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng mức lãi suất cho vay do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định này theo từng lần giải ngân.

Đối với các hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư, hợp đồng vay vốn tín dụng xuất khẩu đã ký kết hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Ngân hàng Phát triển Việt Nam dừng tính lãi đối với nợ lãi chậm trả kể từ thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành và xóa số nợ lãi tính trên nợ lãi chậm trả đã phát sinh chưa thu đến thời điểm dừng tính lãi đối với nợ lãi chậm trả.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22 tháng 12 năm 2023./.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chinh-phu-ban-hanh-nghi-dinh-ve-tin-dung-dau-tu-cua-nha-nuoc-139104.html